Giảm phí đường bộ, chỉ như muối bỏ bể với doanh nghiệp vận tải

Bộ GTVT vừa đề xuất Chính phủ kéo dài thời hạn giảm phí đường bộ cho xe kinh doanh vận tải thêm 6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy vậy, việc hỗ trợ này như muối bỏ bể, bởi hầu hết doanh nghiệp vận tải vắng khách, thiếu hàng

Cần làm gì để giúp doanh nghiệp kinh doanh vận tải vuợt qua giai đoạn khó khăn?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Việc giảm phí đường bộ cho xe kinh doanh vận tải vào thời điểm này là cần thiết, thậm chí nghiên cứu, đề xuất ễn phí đường bộ, bởi thực tế xe ít lưu thông, dừng hoạt động vẫn phải nộp phí càng khiến doanh nghiệp thêm khốn khó

Là một trong những đơn vị sở hữu nhiều taxi nhất địa bàn Hà Nội với gần 2.000 xe, nên mức phí đường bộ phải đóng mỗi lần đi đăng kiểm đối với G7 taxi là không nhỏ.

Ông Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc G7 taxi cho biết, hiện tại, chỉ có khoảng 700 xe đang duy trì hoạt động, nhưng do vắng khách nên doanh thu chỉ đạt khoảng 20% so với bình thường. Doanh thu sụt giảm, xe nằm bãi nhiều nên nếu được giảm phí đường bộ cũng phần nào giúp doanh nghiệp bớt khó khăn:

 

"Với những chính sách từ Chính phủ cũng là một trong những cái giúp tháo gỡ khó khăn ít nhiều cho các doanh nghiệp và với số lượng xe của G7 taxi như thế này cũng giảm chi phí đáng kể, là nguồn động viên cho doanh nghiệp, cho lái xe".

Tuy vậy, ông Lê Anh Dũng, giám đốc doanh nghiệp vận tải Hà Sơn – Hải Vân (tuyến Hà Nội – Lào Cai) cho rằng, với 70 xe khách và 30 xe trung chuyển, song hiện tại chỉ có khoảng 30 xe luân phiên hoạt động, số còn lại để lưu bãi, thậm chí không tiến hành đăng kiểm. Với 30% số xe hoạt động, thì việc giảm phí đường bộ cũng không giúp ích được nhiều cho hoạt động của doanh nghiệp:

 

"Nó cũng không hỗ trợ được nhiều, lý do là trong giai đoạn này phương tiện của doanh nghiệp có hoạt động đâu. Bây giờ khoảng 30% xe hoạt động trở lại thì doanh nghiệp cho 30% đấy đăng ký đăng kiểm để đảm bảo các thủ tục về pháp lý thôi, tuy nhiên giãn được phí đường bộ thì giá xăng dầu lại tăng giá, trong khi việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng thì vô hình chung lại giảm giá vé. Vừa rồi đăng ký phải giảm giá vé 3% đấy".

Ông Đoàn Thanh Hải, doanh nghiệp vận tải Long Thắng cũng cho hay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2021, doanh thu của đơn vị sụt giảm khoảng 50%. Đó là với doanh nghiệp vận tải hàng hóa, còn vận tải hành khách còn thê thảm hơn, song những chi phí khác vẫn phải trả:

 

"Đã chạy ít rồi mà chi phí lãi ngân hàng, về trả lương lái xe, bảo hành, bảo dưỡng xe cộ thì vẫn phải trả".

---

Tán thành quan điểm này, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP. HCM cho rằng với doanh nghiệp vận tải hàng hóa, mức phí đường bộ giảm 10%, con số này nếu so với những chi phí thường xuyên không thấm vào đâu, nhất là trong bối cảnh thiếu nguồn hàng, thiếu nhân công từ lái xe đến xếp dỡ:

 

"Có 10 chiếc xe, chạy 7 chiếc, đậu 3 chiếc cũng coi như chết rồi. Thứ 2 chi phí xếp dỡ cũng đứt gãy, không có công nhân, họ về quê bớt, xăng dầu lên kiểu đó còn gì nữa đâu. Bây giờ duy trì công ăn việc làm, duy trì chuỗi sản xuất của mình chỉ cầm chừng cầm chừng đó thôi".

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho rằng, việc tiếp tục kéo dài thời gian giảm phí đường bộ cho xe kinh doanh vận tải cũng là giải pháp tích cực cho các doanh nghiệp vận tải. Tuy vậy, theo ông Quyền, việc xe không nhưng vẫn phải chịu phí là không hợp lý. Do đó, ông Quyền đề nghị, cần xem xét, ễn phí đường bộ cho phương tiện kinh doanh vận tải:

 

"Thay vì Nhà nước phải bỏ tiền ra trợ giúp cho doanh nghiệp tồn tại, chúng tôi đề nghị nên kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện, lâu nay quy định không quá 20 năm chẳng hạn thì chúng tôi đề nghị nên kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện lên thêm từ 2-3 năm".

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng, việc giảm phí đường bộ cho xe kinh doanh vận tải vào thời điểm này là cần thiết, thậm chí nghiên cứu, đề xuất ễn phí đường bộ, bởi thực tế xe ít lưu thông, dừng hoạt động vẫn phải nộp phí càng khiến doanh nghiệp thêm khốn khó:

 

"Các doanh nghiệp vận tải bây giờ gần như không có doanh thu hoặc chỉ được 15-20% so với trước đây, cho nên các phí khác cũng phải giảm đi, kể cả phí BOT cũng phải giảm đi thì nó sẽ phù hợp, tức là tạo điều kiện cho doanh nghiệp phải sống, phải thở được".

Cần xây dựng gói kích cầu dành cho các doanh nghiệp vận tải, du lịch, trong đó có thể giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay.

Đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều rơi vào tình trạng khốn khó, vắng khách, thiếu nguồn hàng, hoạt động chỉ cầm chừng, hoặc thu hẹp quy mô. Do vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp vận tải cần được thực hiện theo đặc thù từng ngành, từng lĩnh vực để vực dậy những lĩnh vực đặc thù.

Góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận: Tính toán gói kích thích có trọng điểm

 

Theo quy định mức phí sử dụng đường bộ phải đóng đối với các doanh nghiệp vận tải chia làm 8 mức, từ 130.000 đồng đến cao nhất 1.430.000 đồng/tháng.

Đối chiếu mức giảm phí đường bộ theo đề xuất của Bộ GTVT là 10% đối với xe vận tải hàng hóa, 30% đối với xe vận tải hành khách, nếu tạm tính, 1 chiếc xe vận tải hành khách dưới 9 chỗ sẽ giảm được hơn 230 nghìn đồng/6 tháng. Nếu tính với một doanh nghiệp taxi có khoảng 500 chiếc, số tiền được giảm tương đương 165 triệu đồng.

Dù rằng trong bối cảnh khó khăn của dịch COVID-19, “một ếng khi đói bằng một gói khi no”, song nếu nhìn vào thực tế hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay, nhất là vận tải hành khách, số lượng phương tiện hoạt động chỉ chiếm 30% tổng số phương tiện doanh nghiệp sở hữu, số còn lại phải nằm bãi, trong khi doanh thu chỉ đạt khoảng 15-20% đối với xe vận chuyển hành khách, và khoảng 70-80% đối với vận tải hàng hóa thì số được ễn giảm không thấm vào đâu.

Không có nguồn thu, doanh nghiệp vận tải còn phải đau đầu với các khoản thuế phí, tiền vay ngân hàng, tiền thuê nhà xưởng kho bãi, phòng vé, đời sống cho tài xế, nhân viên...

Đặc biệt, báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, có đến 90% doanh nghiệp kinh doanh vận tải vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện và tổ chức hoạt động vận tải. Đối với doanh nghiệp phai vay vốn ngân hàng, tiền lãi suất, cùng với hàng chục loại chi phí phát sinh trên đường mới thực sự là điều đáng lo ngại.

Thêm vào đó, nếu doanh nghiệp đến các cơ quan chức năng làm thủ tục dừng hoạt động, chờ cơ quan chức năng đến xác nhận, thông báo đến cơ quan đăng kiểm, rồi nộp lại phù hiệu mới được dừng nộp phí sử dụng đường bộ cho đến khi hoạt động kinh doanh vận tải trở lại.

Tuy vậy, nhiều trường hợp doanh nghiệp ngại thủ tục phiền hà, nhất là khi muốn khôi phục sản xuất lại phải tiến hành các thủ tục tương tự, nên nhiều doanh nghiệp không tiến hành các thủ tục dạm dừng hoạt động, dù nhiều phương tiện phải nằm bãi, khiến họ phải chịu chi phí “oan”, bởi xe không chạy vẫn phải chịu phí.

Do vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cần tính đến việc ễn phí sử dụng đường bộ đối với doanh nghiệp vận tải, không chỉ là với phương tiện đang hoạt động, mà cả phương tiện nằm bãi. Điều này càng có ý nghĩa với những doanh nghiệp có nhiều phương tiện phải dừng hoạt động. Khi đó doanh nghiệp sẽ phần nào giảm bớt gánh nặng chi phí.

Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, cần có gói kích cầu mạnh tay hơn, hỗ trợ tổng thể hơn để vực dậy doanh nghiệp vận tải. Bởi với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, doanh nghiệp rất khó tiếp cận bởi điều kiện của gói này là chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp bị dừng hoạt động từ 30 ngày trở lên. 

Trong khi đó, thời gian tạm dừng hoạt động của các đơn vị vận tải ở Hà Nội thời điểm trước đó dài nhất mới là 28 ngày. Thêm vào đó, doanh nghiệp phải không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn. Đối chiếu với những điều kiện này, nhiều doanh nghiệp vận tải không đủ các điều kiện được nhận hỗ trợ và vay vốn ưu đãi.

Do vậy, cần xây dựng gói kích cầu dành cho các doanh nghiệp vận tải, du lịch, trong đó có thể giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay.

Nếu điều này được thực hiện, không những số doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng cũng giảm được áp lực nguồn vốn, lãi suất, mà họ còn gia tăng cơ hội gượng dậy, tiếp tục tìm cơ hội sản xuất kinh doanh. Chỉ khi doanh nghiệp vận tải có thể tồn tại, phát triển, mới đảm bảo mạch máu giao thông cho xã hội được thông suốt.

Ngoài ra, trong điều kiện ngân sách khó khăn, quy mô của các gói hỗ trợ cần được tính toán kỹ. Bên cạnh chính sách của chính phủ, bản thân doanh nghiệp cũng cần tự đổi mới để cứu mình, liên kết sáp nhập để tăng tiềm lực, chịu sự sàng lọc khắt khe và tất yếu của thị trường.

Từ đó tìm hướng đi mới để tồn tại khi nhu cầu đi lại, phương thức đi lại của người dân đang ngày càng có nhiều thay đổi trong và sau dịch bệnh.