Giải pháp nào để gộp chung đường dây nóng?

VOVGT- Việc xây dựng một hệ thống số máy đường dây nóng đồng nhất cho toàn quốc để người dân dễ nhớ, dễ phản ánh lại đang gặp nhiều khó khăn...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Dịp nghỉ lễ cũng là lúc tình hình giao thông trở nên "nóng" hơn bao giờ hết (Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường)

Theo ghi nhận từ những dịp Nghỉ Lễ, Tết gần đây, các "đường dây nóng" phản ánh về ATGT đã tỏ ra "nguội" hơn so trước đây.

Một phần do tình hình quản lý vận tải đã tốt lên, một phần doanh nghiệp cũng có ý thức trong việc chấp hành các quy định vì họ biết người dân sẽ giám sát, tuy nhiên, cũng có thể do số điện thoại "đường dây nóng" quá nhiều nên người dân lại không dễ tiếp cận và phản ánh.

Thực tế, cùng với sự phát triển của công nghệ, nhiều người dân đã chia sẻ cùng VOV Giao thông rằng, các kênh để chia sẻ, phản ánh thông tin tới cơ quan chức năng và các cơ quan truyền thông đang ngày một cách thuận lợi hơn.

Chúng ta có thể gọi điện trực tiếp tới số tổng đài đường dây nóng đã được các cơ quan chức năng công khai. Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội nhấn mạnh về ý nghĩa của việc làm này:

 

“Sự giám sát của người dân có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển vận tải. Việc giám sát này có thể thực hiện đầu tiên là những người tham gia giao thông, khi phát hiện hành vi vi phạm thì mạnh dạn thông báo tới những số điện thoại đường dây nóng. Thứ hai là phản ánh chính xác hành vi vi phạm đề nghị cần xử lý tới cơ quan quản lý Nhà nước. Khi chúng ta cùng vào cuộc và cùng có mong muốn xây dựng thì hình ảnh giao thông Thủ đô sẽ an toàn, văn nh hơn”.

>>> Hiệu quả hoạt động Đường dây nóng của Sở GTVT Hà Nội

Theo ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng UBATGQG, thông qua đường dây nóng, người dân, doanh nghiệp, các tổ chức đặc biệt là hành khách sử dụng dịch vụ vận tải có thể phản ánh về công tác đảm bảo TTATGT, tố giác các hành vi vi phạm tới các cơ quan quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn tức thời các hành vi vi phạm pháp luật TTATGT, đặc biệt là những hành vi gây nguy hại và tiềm ẩn TNGT.

Việc duy trì một hệ thống đường dây nóng thường xuyên và liên tục vẫn còn gặp khó khăn (Ảnh: Vietnamnews)

Bên cạnh những hiệu quả đạt được từ việc đổi mới, việc trực đường dây nóng hiện nay còn gặp một số hạn chế. Trong đó có việc chưa thể thực hiện được một hệ thống đường dây nóng với một số điện thoại duy nhất và duy trì một cách thường xuyên, liên tục.

Ông Trần Hữu Minh nhấn mạnh, khi chúng ta cung cấp một số đường dây nóng thì kinh nghiệm cho thấy nó phải là một số máy dễ nhớ, dễ thuộc, đơn giản, người dân nào cũng có thể nhớ ngay được. Đây là cách tiếp cận cực kỳ hợp lý. Tôi cho rằng nên sớm có một số bao quát vấn đề trật tự, an toàn giao thông, về các vấn đề giao thông vận tải trong một số điện thoại chung, đơn giản. Và Tổng đài đó phải hoạt động rất chuyên nghiệp, với nhiều ca trực 24/7 với rất nhiều máy điện thoại để đảm bảo rằng khi có rất nhiều cuộc gọi đến thì chúng ta vẫn có đủ năng lực tiếp nhận, xử lý cũng như có những quyết định kịp thời.

 

“Tất cả việc làm này đều đỏi hỏi chi phí và nguồn nhân lực. Tuy nhiên nếu chúng ta so với chi phí để nâng cao hiệu quả cho hệ thống giao thông vận tải và đảm bảo ATGT hiện nay thì hiệu quả của đường dây nóng là cực lớn. Nó xứng đáng để chúng ta đầu tư nhằm thiết lập một đường dây nóng nhằm tiếp nhận thông tin, xử lý kịp thời và qua đó nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATGT”.

Như vậy, về lâu dài, Ủy ban ATGT quốc gia cần công bố 1 đến 2 số điện thoại dễ thuộc, dễ nhớ, dán trên các phương tiện vận tải khách như một biện pháp cảnh báo và để người dân tiện giám sát các nhà xe, sẽ hiệu quả hơn so với nhiều số "đường dây nóng" ở nhiều cơ quan khác nhau. Một số đơn vị viễn thông lớn cũng cần nâng cao trách nhiệm xã hội, hỗ trợ Ủy ban ATGT quốc gia số điện thoại dễ nhớ để thiết lập đường dây nóng thường trực, góp phần kiềm chế và ngăn ngừa tai nạn giao thông.

Ông Nguyễn Minh Đức, một chuyên gia an ninh mạng nêu ý kiến:

 

“Tôi thấy chúng ta đã quen thuộc với các đầu số như 114, 115 vậy thì phản ánh về vấn đề ATGT cũng cần một đầu số như vậy để người dân dễ nhớ và khi cần có thể gọi phản ánh được ngay. Đây là vấn đề kỹ thuật và chúng ta hoàn hoàn có thể thực hiện được”.

Thông qua các số điện thoại đường dây nóng, người dân đã tham gia cùng cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả của công tác đảm bảo trật tự ATGT, góp phần hạn chế TNGT, xây dựng văn hóa giao thông. Từ việc thấy được ý nghĩa này, chúng ta cần tích cực đổi mới đường dây nóng về TTATGT hoạt động hiệu quả nhằm nhận được nhiều hơn nữa sự hưởng ứng của người dân.

>>> Có nên tinh gọn số máy đường dây nóng tiếp nhận phản ánh vi phạm TT ATGT?