Giai đoạn nước rút, siết chặt an toàn khi vừa thi công, vừa khai thác sân bay Nội Bài

Hiện đang là giai đoạn thi công nước rút Dự án nâng cấp cải tạo Cảng HKQT Nội Bài, nhằm cán mốc tiến độ vào 30/11. Trong khi đó, một số đường bay thương quốc tế cũng đã được Chính phủ cho phép mở lại. Công tác an toàn sẽ được siết chặt ra sao khi vừa thi

Công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình thi công khai thác bay cũng được Cảng vụ Hàng không Miền Bắc kiểm tra, giám sát chặt chẽ

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

"Tổ thi công em đang làm ở khu vực thường xuyên có tàu bay lăn qua. Trước khi có tàu bay lăn qua khoảng 10 phút, chúng em được hiệu lệnh rút vào khu vực an toàn".

"Nguyên tắc đầu tiên khi ra vào sân bay tuyệt đối phải nghe theo hiệu lệnh của người ở bốt gác an ninh, bao giờ xin Đài chỉ huy cho phép thì mới được qua".

Việc chấp hành các quy tắc an toàn ở từng vị trí công việc được người lao động ý thức rõ khi thi công tại công trường sửa đường băng Nội Bài. 

Theo ông Nguyễn Trường, Chỉ huy trưởng công trường, hiện nay tổng số lao động tham gia thi công lên tới gần 1 nghìn người, với 9 dây chuyền thi công bê tông xi măng trên đường cất hạ cánh 1B và hàng trăm máy móc thiết bị. Bởi vậy, yếu tố an toàn luôn được liên danh các nhà thầu đặt lên hàng đầu. 

 

"Trước khi đi vào triển khai thi công toàn bộ cán bộ nhân viên và người lao động đều được tập huấn an toàn lao động, vệ sinh môi trường...chúng tôi quán triệt rất nghiêm túc trong quá trình thi công".

Ông Lê Kim Liệu, Trưởng tư vấn giám sát công trình cũng khẳng định, đơn vị luôn bố trí đủ nhân sự có năng lực kiểm soát tất cả các khâu, các mũi thi công trên công trường; đồng thời nhắc nhở cán bộ kĩ sư, công nhân chấp hành các quy định về an toàn. 

 

"Tất cả các mũi thi công đều được tư vấn kiểm tra, nghiệm thu, đánh giá đạt yêu cầu trước khi chuyển qua bước tiếp theo. Tới thời điểm tất cả các công việc thi công đều được kiểm tra và giám sát một cách chặt chẽ".

Công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình thi công khai thác bay cũng được Cảng vụ Hàng không Miền Bắc kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Ông Trương Hữu Linh, Trưởng phòng giám sát an toàn, cho biết: Nếu nhà thầu vi phạm các quy định về an ninh, an toàn ngay lập tức sẽ bị đình chỉ thi công và xử phạt. 

 

"Chúng tôi cấp thẻ an ninh và giấy phép kiểm soát an ninh cho tất cả lực lượng người và phương tiện ra vào khu vực hiện trường. Khi có thẻ của Cảng vụ, lực lượng an ninh mới cho vào trong".

Ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc quản lý dự án cũng cho biết, công tác dsmar bảo an toàn được quán triệt đến từng nhà thầu; đồng thời việc phối hợp giữa Ban quản lý dự án, các nhà thầu và các đơn vị liên quan khá chặt chẽ đã kịp thời chấn chỉnh khi có nguy cơ uy hiếp an toàn bay. 

 

"Chúng tôi đã phối hợp rất tốt đối với Cảng HK Nội Bài về vấn đề khai thác, đi qua những nút đường lăn đều có cán bộ kỹ thuật của cảng phối hợp để đảm bảo an ninh tối đa. Để đảm bảo an toàn trên công trường, những bốt gác, barie chúng tôi chỉ đạo các nhà thầu lập ngay từ ban đầu làm sao khi tàu bay lăn qua không bị ảnh hưởng bởi phương tiện trên công trường".

Ông Đinh Việt Thắng Cục trưởng Cục Hàng không VN khẳng định, quy trình kiểm soát an ninh, an toàn được thực hiện khá chặt chẽ. Đặc biệt là sau vụ việc Đài không lưu không liên lạc được với nhân viên giám sát hồi đầu tháng 7, Cục Hàng không VN đã kịp thời chấn chỉnh và xử phạt nghiêm khắc.  

 

"Sau vụ việc đó công tác quản lý hiện nay trên công trường được thực hiện tốt, chúng tôi đã tăng cường biện pháp an ninh, ngoài vấn đề trang bị các thiết bị thông tin liên lạc, tất cả các điểm xe cộ thi công giao cắt với đường lăn của máy bay đều có chốt an ninh 24/24".

Theo ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, công tác an toàn được luôn được đặt lên hàng đầu, mặc dù điều kiện thi vô cùng phức tạp. Để thi công đường cất hạ cánh 1B, các nhà thầu phải mất 49 ngày để xây dựng đường lăn tạm S7B. Sau khi đưa vào khai thác đường lăn tạm, các đường lăn từ S2 đến S7 mới được đóng lại để thi công.

Bên cạnh đó, thời gian thi công khá eo hẹp, trước thời điểm 1/9 mỗi đêm chỉ có 5 giờ để thi công, trong khi đó khâu chuẩn bị đã mất 1 giờ; từ đầu tháng 9 mới tăng thêm 1 giờ/mỗi đêm. Tranh thủ thời gian ít ỏi này các nhà thầu đã huy động thêm máy móc đặc chủng và nhân lực có kinh nghiệm để “tăng tốc” thi công. Đến nay khối lượng thi công đã đạt trên 47%, vượt 10% so với kế hoạch.

 

"Theo kế hoạch đã được Bộ phê duyệt từ 1/9 mới được vào thi công đường cất hạ cánh 1B, tuy nhiên trong quá trình làm chúng tôi đã cân nhắc và làm việc với Cục Hàng không nên đã vào thi công sớm được 20 ngày. Và theo tiến độ được duyệt thì đến thời điểm này đang nhanh hơn so với kế hoạch ban đầu".

Thừa nhận công tác thi công tại dự án này không hề dễ dàng, ông Nguyễn Bách Tùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông phân tích thêm, khu vực đổ bê tông xi măng nằm giữa đường lăn, các xe chở bên tông muốn vào công trường thì phải cắt ngang đường lăn và các thiết bị này chỉ có thể hoạt động khi máy bay đã lăn qua.

 

"Các đơn vị thi công cũng như tư vấn giám sát đã bố trí đủ nhân lực giám sát 3 ca và Cục QLXD và chất lượng công trình GT thường xuyên đi kiểm tra. Đến nay có thể khẳng định chất lượng thi công ở công trình này đảm bảo so với yêu cầu kĩ thuật đặt ra, công tác an ninh, an toàn trên công trường đảm bảo tuyệt đối".

Hiện các nhà thầu đang tập trung sửa chữa đường lăn S7; tiếp tục thi công đường lăn S2 và đầu tháng 11 sẽ thi công nút giao chữ Y. Dự kiến đường cất hạ cánh 1B và các hạng mục còn lại sẽ hoàn thành đổ bê tông xi măng trước ngày 30/11 tới, sớm hơn 1 tháng theo cam kết với Chính phủ. 

Để siết chặt an ninh, an toàn, cần phải nâng cao hơn nữa vai trò quản lý, giám sát; tăng cường công tác thanh tra đột xuất và xử lý nghiêm các vi phạm

Phương án đảm bảo an ninh, an toàn hàng không trong thi công mặc dù đã được ban hành và thực hiện nghiêm ngặt. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của VOVGT, dù chưa có sự cố nghiêm trọng xảy ra, uy hiếp đến an toàn bay; nhưng ở thời điểm “nước rút” này,  ngành GTVT cần siết chặt hơn nữa công tác bảm đảm an toàn, không vì “chạy” theo tiến độ mà đánh đổi bằng tính mạng con người. 

 

Theo quy định, bất kì công trình xây dựng nào cũng phải trú trọng đến yếu tố an toàn. Đối với công trình vừa thi công, vừa khai thác như tại Dự án nâng cấp đường băng tại Nội Bài lại càng quan trọng hơn, bởi không chỉ đảm bảo an toàn lao động mà còn đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác bay. 

Thực tế, phương án đảm bảo an ninh an toàn tại dự án này đã được Cục Hàng không VN ban hành trước khi bắt đầu triển khai, trên cơ sở phương án thi công đã được Bộ GTVT phê duyệt. Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài chủ trì, phối hợp với Cảng vụ hàng không ền Bắc, Lực lượng an ninh, Đài kiểm soát không lưu và Ban quản lý dự án, các nhà thầu triển khai thực hiện nghiêm túc phương án này.

Đặc biệt, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài trực tiếp triển khai huấn luyện cho các lực lượng tham gia quản lý, giám sát và điều hành thi công về công tác an ninh, an toàn. Trên cơ sở đó, các nhà thầu tiếp tục huấn luyện cho cán bộ, kỹ sư và người lao động tham gia trực tiếp trên công trường. 

Quá trình di chuyển ra vào khu vực thi công, từ con người cho đến máy móc thiết bị đều lực lượng an ninh soi chiếu và kiểm tra kỹ càng; lý lịch nhân thân từng con người cũng được xác định rõ ràng, tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm vào khu vực thi công đặc biệt.

Trong khu vực thi công, tại các nút giao để vào sân bay cắt qua các đường lăn đều có cán bộ an ninh giám sát; nhiều barie được dựng lên để bảo vệ đường lăn, đường bay của máy bay; phương tiện chở vật liệu vào công trình cũng đều được che chắn kỹ càng và có công nhân thu dọn vệ sinh thường trực.  

Mặc dù đã được “tập huấn” đầy đủ và được kiểm soát chặt chẽ, tuy nhiên, do đây là thời điểm thi công “nước rút”, nên có tới hàng trăm phương tiện, máy móc và hàng nghìn con người tham gia thi công trên công trường. Bởi vậy, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ, sẽ phải “trả giá” bằng nhiều sinh mạng.  

Đến thời điểm này mặc dù an ninh, an toàn đang được kiểm soát chặt chẽ, chưa có sự cố nghiêm trọng xảy ra, uy hiếp đến an toàn bay. Nhưng không phải vì đã “kiểm soát” tốt mà chủ quan “lơ là”. Bởi thực tế cho thấy, tai nạn lao động trong thi công thời gian qua vẫn còn nhiều vụ đáng lo ngại, gây hậu quả nghiêm trọng.

Vì vậy, mọi công trình xây dựng càng cần phải siết chặt an toàn, nhất là với các dự án quan trọng, ảnh hưởng lớn tới nhiều đối tượng như thi công ở Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. 

Để siết chặt an ninh, an toàn, cần phải nâng cao hơn nữa vai trò quản lý, giám sát; tăng cường công tác thanh tra đột xuất và xử lý nghiêm các vi phạm; người lao động cần tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn lao động; chủ đầu tư, nhà thầu không vì lo “chạy” theo tiến độ mà “xem nhẹ” việc giám sát người lao động.

Bên cạnh đó sự phối hợp giữa chủ đầu tư, các nhà thầu và các lực lượng an ninh, an toàn trong khu vực sân bay Nội Bài cần được tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa.