Đừng để quy định PCCC trở thành vật cản

Việc tăng cường các quy định về an toàn PCCC giúp giảm rủi ro cháy nổ cũng là điều cần thiết. Tuy nhiên, các quy định cần sát thực tế, phù hợp với từng ngành nghề. Không thể rập khuôn, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, gây thất thu ngân sách.

Dù đã hơn nửa năm trôi qua, nỗi ám ảnh từ vụ cháy quán karaoke An Phú tỉnh Bình Dương khiến 32 người thiệt mạng vẫn là quá lớn.

Sự cố này là điển hình cho tình trạng buông lỏng trong công tác quản lý cũng như thái độ xem thường các nguyên tắc đảm bảo an toàn pccc, tính mạng con người của một bộ phận cán bộ quản lý nhà nước, các chủ doanh nghiệp trong đầu tư xây dựng, kinh doanh, sản xuất, khai thác dịch vụ.

Sau sự cố này, gần như toàn bộ các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường trên cả nước phải dừng hoạt động.

Không chỉ vậy, nhiều lĩnh vực khác như xây dựng, cải tạo nhà xưởng, công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… cũng rơi vào cảnh đình trệ, nhiều dự án phải “đắp chiếu”, không ít doanh nghiệp phải “giải thể” vì phải chờ thẩm định và phê duyệt phương án phòng cháy chữa cháy suốt một thời gian dài không có kết quả.

Thiệt hại từ việc “mất bò mới lo làm chuồng này” lên đến hàng ngàn, thậm chí là hàng chục ngàn tỷ đồng – một con số không hề nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn.

Vẫn biết rằng việc đưa ra các quy định về an toàn pccc là cần thiết trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giai đoạn nào. Song từ thực tiễn quản lý của mình, chính Bộ chủ quản cũng đã thừa nhận rằng các tiêu chuẩn hiện hành đã quá cũ kỹ, lạc hậu, một số quy định khi áp dụng không khác gì “từ trên trời rơi xuống”, nên dù trực tiếp hay gián tiếp cũng đang trở thành vật cản đối với người dân, doanh nghiệp.

Việc mới đây Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện khẩn về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC được xem là tín hiệu tích cực.

Song để kịp thời hồi sức cho doanh nghiệp thì các Bộ ngành địa phương liên quan cần vào cuộc khẩn trương hơn nữa, tích cực hơn nữa để nhanh chóng rà soát, điều chỉnh, bổ sung những quy định pháp luật; cắt giảm những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết; giải đáp, hướng dẫn, cung cấp đầy đủ các giải pháp để người dân, doanh nghiệp khắc phục các tồn đọng, vướng mắc trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… như chỉ đạo của Thủ Tướng.

Vẫn là quá sớm để nghĩ về một viễn cảnh sáng sủa hơn khi vẫn còn đó tình trạng “quyền anh, quyền tôi” hay cơ chế “xin cho” tồn tại nhiều năm qua trong quá trình quản lý, thẩm định, cấp phép phòng cháy chữa cháy.

Song cũng không phải vì nôn nóng muốn phục hồi, phát triển kinh tế mà hạ thấp các tiêu chuẩn, cần phải đặt an toàn tính mạng và tài sản của người dân lên trên hết.

Hơn lúc nào hết, điều mà rất nhiều người quan tâm, mong muốn lúc này là các bên liên quan cần phải vào cuộc với tinh thần cứu doanh nghiệp như cứu hỏa, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trên nóng dưới lạnh hay tâm lý ngại làm, ngại quyết, ngại trách nhiệm.

Chỉ có vậy doanh nghiệp mới được cấp cứu kịp thời, sức khỏe của nền kinh tế mới có thể được đảm bảo.