Đừng để đánh mất cơ hội vàng

Những ngày gần đây tôi may mắn được dự các cuộc làm việc về Nghị quyết 98 cũng như được trao đổi với một số chuyên gia về cơ hội phát triển hạ tầng giao thông của TP.HCM trong 5 năm thí điểm sắp tới. Đa số nhận định đều tỏ ra lạc quan...

Song cũng có 1 vài ý kiến có phần dè chừng, nhất là đối với chủ trương BOT trên 1 số tuyến đường hiện hữu.

Ảnh nh họa

Thống kê cho thấy, tỷ lệ đất dành cho giao thông tại TP.HCM chỉ mới đạt khoảng 13%, còn kém khá xa so với quy chuẩn đô thị và rất khiêm tốn nếu so sánh với các thành phố trong khu vực như Singapore hay Bangkok. Với những hạn chế về nguồn lực, lâu nay các dự án hạ tầng của TPHCM gần như tự trói mình trong cảnh " có ngân sách thì làm, bằng không thì tiếp tục chờ".

Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông bằng phương thức BOT đã được áp dụng khá phổ biến tại nhiều quốc gia. Hình thức này cũng không mới tại nước ta nhưng những bất cập trong quá trình triển khai đã gây ra không ít điều tiếng. Đến mức Quốc hội phải “tuýt còi” việc làm BOT trên các tuyến đường hiện hữu.

Thế nhưng, trước nhu cầu bức thiết của TP.HCM, Quốc hội đã “bật đèn xanh” để địa phương này có thể “thí điểm trở lại” chủ trương nhiều tranh cãi này.

Với 5 dự án cấp thiết mà ngành giao thông TPHCM đề xuất và vừa được HDND thành phố đồng ý thông qua cho thấy sự thận trọng của các bên liên quan. Có lẽ là bởi 3 trong 5 dự án là các tuyến quốc lộ huyết mạch (quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 22) và người dân gần như không có sự thay thế nào khác. Không chỉ vậy, khi bị chất vấn về mức phí, đối tượng chịu phí thì người đứng đầu ngành giao thông cho hay đây vẫn đang là giai đoạn “tiền khả thi” chứ chưa phải triển khai thực tế.

Cơ chế đã mở để TP.HCM có thể thu hút thêm nguồn lực nhằm cải thiện, nâng cấp hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng tương ứng với tầm vóc của 1 siêu đô thị.

Mong rằng lãnh đạo chính quyền TP.HCM và các bên liên quan phát huy tốt hơn nữa tinh thần sáng tạo, đột phá, dám nghĩ dám làm để tận dụng tốt “cơ hội vàng” mà Nghị quyết 98 mang lại. Tránh tâm lý lo lắng, chần chừ để rồi lại rơi vào trạng thái “tiến thoái lưỡng nan” như giai đoạn trước đó.