Đừng để bị ảnh hưởng vì câu chuyện thừa - thiếu cán bộ

Trong khi chờ quyết định từ phía Trung ương trước mắt TP.HCM cần phải tìm cách giữ chân được số cán bộ công chức tại các địa phương đông dân bằng cách giảm bớt áp lực công việc và cần có chế độ lương thưởng phù hợp.

 Song song đó cần xem xét lại sự hiệu quả trong công việc của các cán bộ công chức tại các bộ phận “đặc thù” mà chỉ mỗi thành phố mới có.

Từ đó sẽ có những sự tinh giảm phù hợp, tránh việc “thừa biên chế nhưng lại thiếu người làm” như hiện nay. 

Ảnh nh họa - Dân Việt

Là một đô thị đặc biệt với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, tuy vậy trong 1 vài năm trở lại đây TP.HCM bắt đầu có những dấu hiệu của sự chững lại trong tăng trưởng kinh tế xã hội.

Có khá nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong số đó vấn đề về chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ viên chức trong bộ máy hành chính nhà nước được “chỉ mặt đặt tên” khá rõ ràng.

Ngay tại thành phố được xem là nhộn nhịp nhất đất nước này, rất nhiều lần chúng tôi được nhìn thấy cảnh người dân phải mất cả buổi sáng chỉ để hoàn thành việc công chứng các giấy tờ tùy thân thông thường.

Và cũng không ít lần chúng tôi được nghe các doanh nghiệp tâm tư rằng phải mất rất nhiều thời gian và công sức để hoàn tất các thủ tục với các cơ quan hành chính. Dù không khỏi bức xúc, song hầu hết cũng chỉ biết “cười trừ”.

Ở phía ngược lại, chúng tôi tin rằng các cán bộ công chức trực tiếp thụ lý, giải quyết các hồ sơ, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp cũng không khá khẩm gì hơn. Bởi thực tế sau khi dịch COVID-19 tạm lắng xuống, rất nhiều cán bộ từ cấp chuyên viên đến quản lý thậm chí lãnh đạo một số Sở ban ngành, địa phương tại TP.HCM lâm vào cảnh “quá tải” bởi núi hồ sơ, công việc khổng lồ, trong khi thu nhập và phụ cấp quá bèo bọt.

Không ít người trong số họ đã và đang có ý định “nghỉ việc” để không chỉ được giải tỏa áp lực mà còn có được nguồn thu nhập tốt hơn.

Bên cạnh tình trạng “thiếu người trầm trọng” tại 1 số địa phương, lĩnh vực thì cũng tồn tại một nghịch lý khó chấp nhận khác là tình trạng “thừa nhân sự” diễn raở 1 số nơi. Trong khi nhiều người tối mắt tối mũi mà vẫn không hết việc thì vẫn có kẻ “ngồi chơi xơi nước chờ đến hết giờ”.

Điều này đặt ra một câu hỏi lớn về công tác sắp xếp và sử dụng cán bộ cũng như chỉ ra yêu cầu cấp thiết về việc đổi mới công tác nhân sự trong tình hình mới.

Dịch COVID-19 là một thách thức vô cùng lớn song cũng mang đến nhiều thay đổi tích cực trong tư duy, phương pháp làm việc cũng như tối ưu hóa chất lượng nhân sự. Ở đó, “số hóa” được xem là yếu tố tiên quyết và nâng cao chất lượng cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm.

Cần triệt để xóa bỏ tình trạng “nể nang, châm chước”, thay vào đó cần cương quyết nói không với những cán bộ thiếu năng lực, thiếu phẩm chất đạo đức. Không chỉ vậy, cần xem đời sống của cán bộ là vấn đề cốt lõi để tập trung chăm lo nâng cao thu nhập, phụ cấp một cách chính đáng.

Chắc chắn sẽ có những khó khăn ban đầu song TP.HCM cần mạnh dạn thay đổi để hướng tới những mục tiêu quan trọng hơn trong tương lai, mà ở đó, vấn đề về “thiếu thừa cán bộ” sẽ không còn là vướng mắc gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân cũng như sự ổn định của doanh nghiệp.