Đừng đánh mất niềm tin

Trong hơn 2 năm chống dịch COVID-19, đã có nhiều bài học, kinh nghiệm được rút ra về công tác sàng lọc, theo dõi, điều trị các ca nhiễm bệnh. Nhưng có lẽ sức mạnh giúp cả đất nước có thể đứng lên và vượt qua được giai đoạn “cùng cực” nhất của đại dịch chính là sức mạnh tinh thần….

Mới đây, một bác sĩ đầu ngành phòng chống dịch COVID-19 đã ngậm ngùi chia sẻ mong muốn lúc này của các y bác sĩ là, xin người dân hãy tin tưởng vào hệ thống y tế.

Sau đại dịch, ngành y tế đã suy yếu, mất mát về lực lượng, về tinh thần, thậm chí về cơ sở vật chất. Thế nhưng, đa số vẫn nguyện cống hiến, vì sự nghiệp cao quý là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Công chúng không thể vì những vụ việc đáng tiếc của các cá nhân mà mất đi niềm tin vào hệ thống y tế, đặc biệt là hệ thống y tế công. Điều đáng ngại nhất khi mất niềm tin, là nhiều người sẽ chạy theo những bài thuốc được quảng cáo gia truyền trôi nổi trên mạng, hoặc những lời tư vấn không chính thống, đi ngược lại với những gì Bộ Y tế khuyến cáo, vận động, dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới vẫn chưa công bố hết dịch đại dịch và Bộ Y tế Việt Nam cũng chưa đưa dịch COVID-19 ra khỏi danh mục bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A.

Dịch COVID-19 là dịch mới xuất hiện, bệnh mới nổi với tính chất của nguy hiểm trên toàn cầu trong hơn 2 năm vừa qua. Hiện nay, virus SarsCoV2 vẫn đang biến thể liên tục và các nhà dịch tễ vẫn đang giám sát xem khả năng lây nhiễm thế nào và độc lực gây trên người ra sao.

Theo các chuyên gia y tế, việc gia tăng các ca nhiễm trong thời gian gần đây còn do đây là thời điểm ễn dịch tự nhiên của những người từng mắc COVID-19 hay ễn dịch nhân tạo mang lại sau khi tiêm vắc xin bắt đầu suy giảm.

Nguy cơ dịch bùng phát trở lại vẫn hiện hữu, đặc biệt khi một chuyên gia kỳ cựu về dịch tễ học cũng thừa nhận, dịch đang âm thầm quay lại trong cộng đồng, và số ca ghi nhận mắc mới hàng ngày cũng chưa thể bao quát hết được thực tế.

Việc của ngành y tế là chuẩn bị các kịch bản ứng phó. Còn việc của mỗi cá nhân, là sự chủ động thích ứng, là giữ vững niềm tin với đội ngũ Blouse trắng, thông qua những hành động cụ thể, như thực hiện V2K (Đi tiêm vaccine, đeo khẩu trang và khử khuẩn).

Vẫn biết, 2 năm qua có những nóng vội, quýnh quáng, thậm chí sai lầm ở đâu đó trong thực hiện chủ trương phòng chống dịch, gây khó khăn, nghi ngờ cho người dân. Tuy nhiên, đi qua những thử thách, hệ thống phòng chống dịch cũng đã học được những bài học đắt giá. Để từ đó, hướng tới sự bình tĩnh hơn, logic hơn, chu đáo hơn trong những tình huống khẩn cấp tương tự trong tương lai.

Tâm thế chống dịch năm 2022 đã khác hoàn toàn so với đầu năm 2020. Hiện tại, sự hiểu biết, tinh thần tự giác ở mỗi cá nhân đã được nâng lên đáng kể. Nhưng phòng tuyến của ngành y đã và đang bị lung lay, khi làn sóng nhân lực rời bỏ y tế công đang lan rộng.

Trong bối cảnh này, sự tin yêu từ xã hội, cộng đồng, gỡ khó, cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên y tế từ những chủ trương, chính sách của Quốc hội, Nhà nước chính là nguồn động lực lớn nhất để ngành y gượng dậy sau cơn bão.

Ở đâu còn niềm tin, ở đó vẫn còn hy vọng.