Dự thảo trên tay: Sẽ hậu kiểm với phim trên mạng

Trước sự vận động của đời sống xã hội cùng sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, Luật Điện ảnh năm 2006 đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với thực tế. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi và đang tiếp tục lấy kiến, hoàn thiện

Ảnh nh họa
 

Tạo cơ sở pháp lý hình thành nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam theo hướng hiện đại

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 44 điều. So với Luật Điện ảnh cũ, bố cục của Dự thảo lần này hầu như không thay đổi, nhưng của các điều khoản đã được sửa đổi gần như toàn bộ. Các thay đổi chủ yếu liên quan tới việc phổ biến phim, phổ biến phim trên mạng, quy định về quảng bá xúc tiến phát triển điện ảnh.

Dự thảo Luật Điện ảnh lần này hướng tới việc tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam theo hướng hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng tốt nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; trong đó các yếu tố điện ảnh tư nhân được khuyến khích phát triển lành mạnh theo quy luật thị trường.  

Một trong những nội dung đáng chú ý của Dự thảo Luật Điện ảnh là việc phổ biến phim trên không gian mạng. Ban Soạn thảo đã đề ra hai phương án tiền kiểm hoặc hậu kiểm, đưa ra điều cấm cụ thể để nhà sản xuất, phát hành tự chịu trách nhiệm khi phổ biến. Luật sau khi ban hành sẽ sửa đổi nghị định về xử phạt hành chính, nâng mức xử phạt với trường hợp hậu kiểm. 

So với quy định tại Luật Điện ảnh hiện hành về Hội đồng thẩm định và phân loại phim, Luật Điện ảnh (sửa đổi) chỉ quy định về việc thành lập Hội đồng phân loại phim, thêm vào đó bổ sung hai mức phân loại phim mới là: PG (cho phép trẻ em dưới 13 tuổi xem phim C13 với cha, mẹ hoặc người giám hộ) và C21 (không phổ biến cho khán giả dưới 21 tuổi).

Đây là một điểm đổi mới cởi mở hơn ở khâu kiểm duyệt tạo thuận lợi cho các nhà làm phim.

Dự luật mới cũng mở rộng nội dung đặt hàng sản xuất phim theo yêu cầu của Nhà nước trong từng thời kỳ, không chỉ bó hẹp trong ba đề tài như trước đây gồm: thiếu nhi, truyền thống lịch sử, dân tộc thiểu số và áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu.

Quy định này giúp hạn chế việc sử dụng vốn từ ngân sách sản xuất phim đặt hàng không mang lại hiệu quả, xóa bỏ tâm lý e ngại của khán giả khi lựa chọn xem phim Nhà nước đặt hàng. 

Một điểm đáng chú ý nữa là Dự thảo luật phân cấp Thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến phim ở Trung ương (Bộ VHTTDL) và địa phương (UBND cấp tỉnh). Quy định mới về việc khuyến khích xã hội hóa tổ chức Liên hoan phim, đặc biệt là Liên hoan phim Quốc tế. Điều này phù hợp với chủ trương phát triển xã hội hóa các hoạt động điện ảnh và phát triển công nghiệp điện ảnh.
Dự thảo luật cũng quy định việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, một việc khó được đưa vào Luật Điện ảnh năm 2006 nhưng chưa thực hiện được.

Nguồn thu cho quỹ trích từ doanh thu phát hành và phổ biến phim nhằm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh trẻ.

Khi Luật Điện ảnh được sửa đổi, hy vọng điện ảnh Việt sẽ có nhiều bộ phim chất lượng, thu hút nhiều khán giả.

Khuyến khích sự phát triển của điện ảnh

Với khá nhiều quy định được điều chỉnh, Dự án Luật Điện ảnh sửa đổi sẽ mở ra triển vọng như thế nào trong phát triển ngành điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp?

Phóng viên VOVGT có cuộc phỏng vấn ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh - đơn vị chịu trách nhiệm chính xây dựng Dự luật về nội dung này:

 

PV: Xin ông cho biết lý do sửa Luật Điện ảnh lần này là gì?

Ông Vi Kiến Thành: Luật được ban hành năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2009 nó cũng đã làm được nhiệm vụ quan trọng là tạo ra hành lang pháp lý cho ngành điện ảnh hoạt động.

Tuy nhiên, trước sự phát triển của điện ảnh trong nước và thế giới, đặc biệt là với kỹ thuật công nghệ mới, phim trên hệ thống mạng rất phát triển.

Cho nên Luật Điện ảnh 2009 không còn bắt kịp với xu hướng phát triển chung hiện nay có nhiều điều cần phải sửa đổi bổ sung.

Luật Điện ảnh sửa đổi gần như làm mới lại toàn bộ theo hướng mở hơn, làm sao giúp cho công tác tác quản lý nhà nước về ngành điện ảnh hoat động theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước, nhưng đồng thời tạo ra hành lang pháp lý khuyến khích sự phát triển của điện ảnh. 

PV: Ông có thể cho biết rõ hơn về những điểm mới nổi bật của dự thảo lần này?

Ông Vi Kiến Thành: Thứ nhất là về phạm vi điều chỉnh, lần này nói rõ hơn về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các bộ phim hiện nay đang được phát, được chiếu trên môi trường mạng.

Thứ 2, các nội dung phim nhà nước đặt hàng lần này cũng sẽ nói rõ.

Thứ 3 là về các giải pháp hạn chế, bảo hộ cho điện ảnh VN.

Thứ 4 là các giải pháo quản lý hiện nay đang đưa ra 2 giải pháp vừa tiền kiểm vừa hậu kiểm. Tiền kiểm với những phim điện ảnh chiếu rạp, còn hậu kiểm là những phim đang phát trên môi trường mạng hiện nay.

Về vấn đề thẩm định cấp phép trước khi phổ biến phim trong luật này cởi mở hơn, tạo điều kiện hơn cho các nhà sản xuất, thúc đẩy sự phát triển của ngành điện ảnh thành ngành công nghiệp điện ảnh, công nghiệp giải trí. 

PV: Một trong những quy định được quan tâm hiện nay đó là đề xuất thu quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh bằng cách là trích tỷ lệ phần trăm doanh thu chiếu phim tại các rạp. Xin ông cho biết lý do của đề xuất này?

Ông Vi Kiến Thành:  Việc phát triển của ngành điện ảnh đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí.

Các nhà đầu tư ở phía Bắc rất ít, chủ yếu là các nhà đầu tư ở phía Nam, nhà nước cũng đặt hàng nhưng số lượng phim không nhiều. Nhà nước chủ yếu là đặt hàng làm phim tài liệu khoa học, phim hoạt hình, phim truyện đặt hàng rất ít.

Cho nên ngành điện ảnh rất kỳ vọng sẽ có được một quỹ điện ảnh để giải quyết những vấn đề về sản xuất phim, hỗ trợ đầu tư cho các dự án phim, đặc biệt là các dự án phim của các nhà làm phim độc lập, nhà làm phim trẻ.

Đấy là mơ ước đã được đưa vào Luật Điện ảnh 2006, 2009 và bây giờ, ngành điện ảnh rất muốn quỹ này sớm ra đời

PV;Xin cảm ơn ông!

Đoàn làm phim quay trên đỉnh Phanxipang. Ảnh: ANTG

Từng bước xây dựng thị trường văn hóa

Đó là ý kiến của ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh - đơn vị chịu trách nhiệm chính xây dựng Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi chia sẻ về lý do sửa luật và những điểm mới của Dự luật này.

Vậy mức độ cấp thiết của việc sửa luật như thế nào? Những nội dung trọng tâm nào cần tiếp tục sửa đổi và lấy ý kiến?

Phóng viên VOVGT ghi nhận ý kiến của bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồngcủa Quốc hội xung quanh nội dung này

 

PV: Bà đánh giá như thế nào về tính cấp thiết của việc sửa Luật Điện ảnh vào thời điểm hiện nay?

Bà Hoàng Thị Hoa: Luật Điện ảnh ban hành năm 2006, trong 14 năm qua, những khoa học công nghệ, nhất là về các nền tảng số, internet phát triển rất mạnh.

Các nền tảng phát hành phim không còn giống với nền tảng phát hành phim năm 2006 nữa. Thứ 2, tại thời điểm 2006 chúng ta đang thực hiện nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng văn hóa VN tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Đến năm 2014 sau khi đánh giá 15 năm NQ Trung ương 5 khóa VIII, Trung ương ban hành NQ số 33 là phát triển văn hóa và con người VN đáp ứng với yêu cầu đổi mới đất nước.

Và văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội và con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển.

Chính vì mục tiêu đó cho nên rà soát thấy rằng nhiều nội dung trong Luật Điện ảnh không còn đáp ứng yêu cầu đổi mới. Sau NQ 33, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định xây dựng ngành công nghiệp văn hóa thì điện ảnh là một trong những khâu đó, đồng thời từng bước xây dựng thị trường văn hóa.

Chính những đòi hỏi thực tiễn đặt ra như vậy, cho nên cấp thiết cần phải sửa đổi Luật Điện ảnh càng nhanh càng tốt. 

PV: Theo bà trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi cần tập trung sửa đổi những vấn đề gì?

Bà Hoàng Thị Hoa: Ở đây sửa đổi toàn diện luật này với một cách nhìn mới, ngành điện ảnh là ngành công nghiệp văn hóa, quy định làm sao cho nó phù hợp với giai đoạn mới.

Thứ nhất là sản xuất phim, muốn có bộ phim hay thì phải có kịch bản hay, có những không gian; đồng thời phải có những đạo diễn giỏi, người viết kịch bản giỏi và phải có dàn diễn viên thể hiện được kịch bản ấy một cách tốt nhất. Tôi cho rằng nếu luật lần này quy định được những nội dung đó là rất quan trọng.

Thứ 2 là phổ biến phim, qua báo cáo của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đến nay 42/63 tỉnh, thành trong cả nước trung tâm phát hành phim và chiếu bóng không còn nữa, chúng ta đã mất một thị trường quan trọng. Và hiện nay trên 60% các rạp là do nước ngoài sở hữu, tỷ lệ rạp trong nước quá thấp, phải nhìn lại để có cơ chế chính sách đầu tư.

Thứ 3 là phổ biến phim, có một nghịch lý hay nói cách khác là một nguồn tài nguyên đất nước chưa được đưa đến công chúng rộng rãi, đó là chưa có những cơ chế để phát hành rộng rãi những phim sau khi đã ra rạp, việc đưa ra truyền hình là chưa có cơ chế.

Một nội dung nữa là các bộ phim sau khi sản xuất phải nộp lưu chiểu theo đúng quy định và lưu trữ phim phải làm thế nào để cả trăm năm phim đó vẫn còn chất lượng.

Trong cả 4 khâu đều phải nhìn lại có quy định và cơ chế chính sách cho phù hợp.  

Ảnh nh họa: SGGP

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) hướng tới khắc phục hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh.

Luật mới sẽ khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực điện ảnh, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh, đưa Điện ảnh Việt Nam vươn xa, hòa nhập với dòng chảy của điện ảnh quốc tế.

---

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo Luật qua hotline 02437.91919, qua fanpage VOVGT, hoặc góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc 13h15, thứ Hai và thứ Tư hàng tuần trên FM91, trên Spotify, Aple podcast (đối với iOS) và Google podcast (đối với hệ điều hành Android)