Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi: Thân nhân người lao động được hỗ trợ

Hiện nay tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đã đạt gần 90% dân số. Sau hơn 11 năm thực hiện Luật BHYT năm 2008 và Luật BHYT sửa đổi năm 2014, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân trước thời hạn.

Tuy nhiên, có một số quy định cần được chỉnh sửa, bổ sung, hướng tới mục tiêu 95% dân số tham gia BHYT vào năm 2025 theo Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành trung ương đã đề ra. 

Mời các bạn lắng nghe tại đây:

 

Điểm mới trong Dự thảo Luật BHYT sửa đổi

Dự thảo Luật BHYT sửa đổi được Bộ Y tế xây dựng có 12 chương, 60 điều. So với Luật BHYT năm 2014, bố cục của luật không thay đổi đáng kể, nhưng nhiều điều khoản được sửa đổi gần như toàn bộ. 

Dự thảo Luật BHYT lần này hướng tới mục tiêu tiếp tục đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, mở rộng đối tượng tham gia BHYT, thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ và BHYT toàn dân, mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế. 

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo luật, đó là quy định mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT về sàng lọc (bệnh mạn tính phổ biến); phòng lây truyền một số bệnh từ mẹ sang con; khám sức khỏe định kỳ; khám sức khỏe tại nhà đối với các trường hợp cấp cứu, người cao tuổi…

Đây là quy định cần thiết nhằm phát bệnh hiện sớm, nâng cao hiệu quả điều trị, giảm chi phí cho người dân và quỹ BHYT, giảm quá tải bệnh viện.    

Dự thảo luật cũng quy định rõ nhà nước, chủ sử dụng lao động sẽ hỗ trợ đóng một phần BHYT cho thân nhân người lao động, với mục tiêu khuyến khích, tạo điều kiện thực hiện BHYT toàn dân.

Đối với hộ gia đình, dự thảo luật cũng quy định mức đóng từ người thứ 2 trở đi bằng 80% người thứ nhất thay vì mức giảm trừ lũy tiến như hiện nay.

Một điểm đáng chú ý nữa là Dự thảo luật cũng đưa ra quy định cho phép đóng BHYT một lần cho nhiều năm và cải cách thủ tục tham gia thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.

Dự luật mới cũng quy định về BHYT bổ sung theo hướng người tham gia BHYT được quyền mua thêm các gói BHYT bổ sung để được hưởng gói quyền lợi bổ sung ngoài quyền lợi của BHYT bắt buộc.

Quy định này dựa trên nguyên tắc phi lợi nhuận, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức ngày càng tăng và huy động thêm nguồn lực cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.   

Dự thảo cũng quy định mở rộng các loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế liên quan đến BHYT như nhà thuốc, trung tâm chẩn đoán hình ảnh, trung tâm xét nghiệm, trung tâm cấp cứu, trung tâm vận chuyển người bệnh thay vì chỉ bệnh viện, phòng khám, nhà hộ sinh được tham gia hệ thống KCB BHYT theo quy định hiện hành.

Đây là việc làm cần thiết nhằm cải tiến chuỗi cung ứng dịch vụ y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT trong thụ hưởng các quyền lợi. 

Quy định về giám định BHYT cũng lần đầu tiên được quy định trong dự thảo luật.

Theo đó, sẽ có quy định cụ thể về chứng chỉ giám định BHYT, tiêu chuẩn đối với giám định BHYT và cơ chế để các tổ chức độc lập được tham gia giám định BHYT thay vì chỉ có giám định BHYT của BHXH Việt Nam. 

Dự thảo Luật BHYT lần này hướng tới mục tiêu tiếp tục đổi mới, cải cách thủ tục hành chính

Mở rộng phạm vi, quyền lợi cho người đóng BHYT

Để hiểu rõ hơn lý do phải sửa Luật BHYT cũng như các điểm mới đáng chú ý tại Dự thảo này, Phóng viên  VOVGT có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế - Bảo hiểm Xã hội VN, đơn vị chịu trách nhiệm chính xây dựng Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi).

 

Xin ông cho biết lý do sửa Luật BHYT lần này là gì?

Ông Lê Văn Phúc: Sau hơn 5 năm thực hiện Luật sửa đổi bổ sung Luật BHYT có một số vấn đề cần phải được xem xét điều chỉnh nhằm khắc phục những thiếu hụt của Luật BHYT năm 2014; đồng thời bổ sung những điều khoản làm sao thúc đẩy BHYT toàn dân, mục tiêu đến 2025 có 95% dân số tham gia BHYT. Thứ 2 là đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. 

Vậy mục tiêu trong lần sửa luật lần này là gì?

Ông Lê Văn Phúc: Mục tiêu là thúc đẩy bảo hiểm y tế toàn dân, mở rộng đối tượng, cải cách thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT nhằm đạt mục tiêu tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT.

Thứ 2, điều chỉnh quyền lợi BHYT, trong đó có đề xuất mở rộng phạm vi, quyền lợi. Đồng thời đưa BHYT bổ sung (phi lợi nhuận) vào một chương của Luật BHYT.

Mục tiêu nữa là đa dạng hóa các loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến y tế cơ sở. Vấn đề nữa là nâng cao hiệu quả của công tác giám định. Và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi trong hệ thống pháp luật.

Luật này cũng đặt ra mục tiêu thành lập hồi đồng tư vấn quốc gia về BHYT có chức năng nhiệm vụ tư vấn toàn bộ chính sách về BHYT cho Chính phủ để thực thi chính sách BHYT tốt nhất. 

Những điểm mới trong lần sửa Luật BHYT lần này là gì, thưa ông?

Ông Lê Văn Phúc: Những nội dung chính cần điều chỉnh sửa đổi, như: Quy định mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT, hiện nay luật quy định mức đóng tối đa là 6% và Chính phủ đang quy định cho giai đoạn này là 4,5% mức lương cơ sở, tới đây khi điều chỉnh mức đóng BHYT sẽ điều chỉnh luôn mức đóng của người lao động và chủ sử dụng lao động.
Và lần này cũng quy định tham gia BHYT bổ sung, mức đóng, những quyền lợi sẽ được chi trả...

Quyền lợi BHYT sẽ đề cập đến những bệnh nào được sàng lọc, những bệnh nào được khám để dự phòng. Trong Luật BHYT mới này sẽ xem xét để vừa mở rộng quyền lợi BHYT và cũng xem xét đến những quyền lợi trước đây chưa phù hợp để điều chỉnh, đảm bảo đóng góp phù hợp với chi trả.

Vấn đề nữa là công tác giám định BHYT sẽ được đưa vào luật hóa, đặc biệt là giám định điện tử, giám định bằng công nghệ thông tin. Những vấn đề khác như quy định về phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, hiện nay Bộ Y tế và BHXH VN đang triển khai phương thức thanh toán theo định suất đối với KCB ngoại trú và chi trả theo chẩn đoán đối với những trường hợp nội trú, trong Luật BHYT mới sẽ quy định cụ thể hơn, bắt buộc thực hiện phương thức mới này.

Xin cảm ơn ông.

Việt Nam đặt  mục tiêu đến 2025 có 95% dân số tham gia BHYT

Bảo hiểm y tế là một chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và nhà nước ta, là cơ chế tài chính trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vì mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển.

Luật Khám BHYT năm 2008, sửa đổi năm 2014 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, góp phần nâng cao chất lượng KCB BHYT, người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, nhiều thuốc mới, hiệu quả cao, giúp nhiều người vượt qua ốm đau và bệnh hiểm nghèo.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã nảy sinh những vướng mắc, bất cập mà chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết. Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) đang hướng đến tạo cơ sở pháp lý và thực tiễn để giải quyết những vấn đề này.

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo Luật qua hotline 02437.91919, qua fanpage VOVGT, hoặc góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.