Du lịch thủy, cần những "cú hích” để thay đổi

Trong thời gian tới, TP.HCM cần có kế hoạch trước mắt, cũng như dài hạn nhằm phát huy thế mạnh vốn có về sông ngòi, nhiều loại hình du lịch đường thủy. Điều này không chỉ thu hút du khách, mà còn góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của thành phố trong tương lai.

 

Phải nói là thiên nhiên ban tặng cho TP.HCM một hệ thống sông ngòi, kênh rạch chính là báu vật, cần giữ gìn và khai thác.

Chỉ một lần là du khách đi dọc sông Sài Gòn,sông Nhà Bè, sông Đồng Nai hay trải nghiệm trên các tuyến kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghề,Tân Hóa- Lò Gốm và nhiều tuyến du lịch đường thủy khác, ai cũng phải trầm trồ, thích thú vì vẻ đẹp sông nước mênh mông, trải rộng.

Nhìn thấp thoáng xa xa là những khu đô thị với các tòa nhà hiện đại, khang trang vươn mình dọc các con sông, bờ kênh xanh tắp những hàng cây. Một TP.HCM không chỉ với có đất chật, người đông mà vóc dáng một thành phố sông nước nên thơ và lãng mạn; làm say đắm du khách phương xa.

Nhiều năm qua, thành phố đã bắt tay vào khai thác các tiềm năng thế mạnh về du lịch đường thủy với các tua tuyến độc đáo; bước đầu khẳng định giá trị của một đô thị lớn nhất cả nước với nhiều cảnh sắc sông nước hài hòa uốn lượn.

Nhiều doanh nghiệp, người dân đã đem du lịch sông nước vào đời sống, tạo nên bản sắc riêng có ở thành phố phương Nam đầy nắng và gió này; được du khách ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, so với điều kiện được thiên nhiên ưu đãi, du lịch đường thủy của thành phố còn nhiều chuyện để bàn.

Đầu tiên phải kể đến là độ tĩnh không của các cây cầu, hầu hết đều thấp nhiều lần so với yêu cầu. Khiến cho mỗi khi nước lên, tàu bè, ca nô du lịch không sao qua lại được, đành phải nằm chờ. Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư mua sắm du thuyền để đưa đón khách nhưng đành bất lực chờ cầu.

Các du thuyền nhỏ, ca nô đôi khi muốn chui qua các cây cầu phải hạ tải, mời khách lên bờ, rồi xuống lại, rất bất cập. Ngay tuyến buýt đường sông, đưa vào sử dụng hơn 5 năm qua, dù luôn đông khách nhưng không thể nối thêm tuyến vì tàu cao quá khổ tầm cầu.

Bến bạch đằng, nơi thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến TP.HCM

Điểm hạn chế nữa là bến bãi. Ngoài bến Bạch Đằng được quy hoạch bài bản, kết nối giao thông đồng bộ; các bến bãi còn lại đều chưa đáp ứng được yêu cầu neo đậu du thuyền, tàu bè. Khi cập bến, dễ gây va chạm khiến hư hao vỏ tàu, thân tàu.

Đó là chưa kể, đi du lịch đường sông nhưng khi lên bờ lại không có cơ hội trải nghiệm đường bộ vì đường đi trắc trở.

Tình trạng bến bãi nhếch nhác; bến tự phát, bến sai phép vẫn còn xuất hiện; không gây được cảm tình với du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Ngay tàu bè dù làm du lịch nhưng nhiều đơn vị cũng chưa trang bị đầy đủ bảo đảm an toàn, thiết bị nội ngoại thất cũ kỹ lạc hậu, không hấp dẫn du khách.

Đó là chưa kể, các điểm du lịch dọc các bờ sông, dòng kênh cũng còn đơn điệu; ít được đầu tư chăm chút chu đáo về phong cảnh cũng như ẩm thực, văn hóa, nghệ thuật. Du khách đến một lần cho biết; một đi không trở lại. Đây là những điều đáng tiếc cho một thành phố năng động như TP Hồ Chí Minh.

Hiện nay, TP.HCM đang tập trung xây dựng không gian văn hóa nhằm tôn vinh các giá trị đặc sắc của một thành phố sôi động bậc nhất cả nước; nhất là vẻ đẹp của đô thị sông nước để thu hút khách du lịch.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình, đề án về phát triển du lịch đường thủy cũng được bắt tay vào thực hiện như lễ hội nước; biểu diễn nghệ thuật trên sông; mở thêm các điểm du lịch ở huyện đảo Cần Giờ; các tuyến kênh rạch nội đô.

Đây là cách làm phù hợp’; là những “cú hích” nhằm đưa du lịch đường thủy vào một vị thế mới giúp thành phố phát triển.

Do vậy một hành lang pháp lý đủ mạnh, rõ ràng; những cơ chế, chính sách có độ mở cao để thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn vào khai thác là cần thiết và phải làm ngay. Các bất cập về độ tĩnh không của cầu; sự xuống cấp của bến bãi cần được khắc phục.

Bên cạnh đó, xây dựng thêm các sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú để tạo ấn tượng với du khách khi đến với sông nước thành phố. Đây là điều kiện kiên quyết để du lịch đường thủy của thành phố thực sự chuyển mình và là điểm nhấn để bứt phá đi lên.