Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Du lịch thủy, thế mạnh bị lãng quên

Trọng Điển - Trọng Nghĩa: Thứ sáu 09/06/2023, 16:13 (GMT+7)

TP.HCM có thế mạnh về du lịch đường thủy với gần 1.000 km đường sông và hệ thống kênh rạch kết nối với nhiều tỉnh, thành cùng với nhiều hoạt động kinh tế địa phương.

Thế nhưng trong suốt nhiều năm qua, TP.HCM loay hoay vẫn chưa thể phát triển được hệ thống giao thông, du lịch đường thủy đủ sức hấp dẫn để thu hút khách tham quan vào cuối tuần đặc biệt là du khách quốc tế.

Vậy những khó khăn đối với các doanh nghiệp lữ hành là gì?

 

Từ nhiều năm qua, TP.HCM đã xác định du lịch đường thủy là một trong những thế mạnh, tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch riêng. Ngành du lịch TP đã xây dựng nhiều tuyến sản phẩm du lịch nội đô hấp dẫn, thu hút du khách như ngắm hoàng hôn trên dòng Nhiêu Lộc - Thị Nghè bằng thuyền chèo hoặc tuyến liên tỉnh Bạch Đằng - Củ Chi - Bình Dương.

Chị Ngô Tú Oanh (ngụ quận 3) - một trong những du khách được trải nghiệm tour đường sông từ Bạch Đằng đi Cần Giờ - cho biết chị đã từng đi một số tour trên sông, nhưng đây là lần đầu đi Cần Giờ với cảm giác mới mẻ, được ngắm ngắm thành phố ở những góc nhìn khác nhau:

"Khi mình lên đây thì cũng tận hưởng được không khí mát mẻ, nó cũng yên tĩnh hơn rất nhiều so với mình đi trên bờ và ăn uống tại các nhà hàng, tiếp nữa là mình được ngắm nhìn thành phố ở những góc khác nhau".

Tuy đã cố gắng phát triển các loại hình thế nhưng với nhiều người dân, du lịch đường thủy tại TP.HCM vẫn còn khá hạn chế, chưa đa dạng các sản phẩm. Chị Thùy Trinh (Quận Tân Bình) cho biết gia đình thường đến Bến Bạch Đằng để ăn uống vào những ngày cuối tuần, thế nhưng nơi đây thường rất đông, trong khi những nơi khác lại không có bến thủy, dịch vụ du lịch.

"Mình thấy không gian mở rất là thoải mái, nếu quận nào cũng có thì nó sẽ giảm bớt áp lực ở đây, đôi khi mình đến đây vào những lúc cuối tuần thì nó không còn chỗ nữa", chị Thùy Trinh nói.

Bến bãi tàu thuyền tại TPHCM vẫn còn khá nhiều hạn chế

Bến bãi tàu thuyền tại TPHCM vẫn còn khá nhiều hạn chế

Dù được đầu tư phát triển thế nhưng du lịch trên sông tại thành phố vẫn còn hạn chế, chưa phong phú so với các địa phương và quốc gia có cùng tiềm năng. Điều này được chứng minh qua con số cụ thể:

Từ tháng 1 - 11.2022, TP.HCM đón 3,2 triệu lượt khách quốc tế, 27,9 triệu khách nội địa nhưng chỉ có 342.800 lượt khách du lịch trải nghiệm các sản phẩm đường thủy. Nếu tính tỷ lệ, con số này chỉ chiếm 1,14% trên tổng lượng khách du lịch đến TP.

Theo ông Nguyễn Ngọc Phú – Giám đốc điều hành công ty TNHH SaiGon River Tour cho rằng, chính việc ô nhiễm tại các kênh rạch đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan sông nước và khó thu hút du khách hiện nay:

"Hiện tại một cái khó khăn mà khách du lịch thường hay phàn nàn đó là vấn đề về rác ở trên sông bởi vì những năm gần đây lượng rác trên sông rất là nhiều. Ngoại trừ lục bình thì rác do người dân thả xuống sông rất là nhiều như bàn ghế, sa – long, tủ giường… cũng làm ảnh hưởng đến mỹ quan của du lịch thành phố".

Ngoài ra các doanh nghiệp du lịch cho biết rất khó khăn khi khai thác tour, tuyến hoặc hình thành các sản phẩm mới do bất cập bởi vấn đề quy hoạch và bến bãi. Ông Trần Song Hải – Tổng giám đốc công ty tàu cao tốc Greenlines DB chia sẻ:

"Để chúng ta có thể phát triển được giao thông đường thủy thì chúng ta phải có bến bãi, chúng ta phải có cầu tàu và chúng ta phải có những con tàu phù hợp. Đầu tiên là vấn đề về cầu cảng và bến bãi thì hiện nay chúng ta rất là khó khăn. Một đơn vị muốn xin được thành lập một bến bãi thì rất là nhiêu khê và vấn đề về trình tự đầu tư là rất khó khăn".

Đồng quan điểm trên, ông Bùi Hòa An  - Phó giám đốc Sở GTVT nhìn nhận về quy hoạch, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng tại Quyết định số 1829, cảng thủy nội địa hành khách khu vực TP.HCM chỉ quy hoạch ở phạm vi khu vực, chưa xác định rõ quy hoạch vị trí, tuyến sông, quy mô, cỡ tàu, công suất cụ thể của các cảng thủy nội địa hành khách.

Muốn định hướng, xây dựng các sản phẩm du lịch thì đầu tiên phải có hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm bến, bãi, luồng, tuyến. Song, bến thủy nội địa được yêu cầu phải phù hợp với quy hoạch ngành và quy hoạch khác, trong khi hiện nay quy hoạch ngành không có…

Bến bạch đằng, nơi thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến TPHCM

Bến bạch đằng, nơi thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến TPHCM

Nhiều chuyên gia cho rằng, với thế mạnh và tiềm năng vốn có thế nhưng ngân sách đầu tư cho đường thủy hiện nay rất hạn chế, chỉ chiếm khoản 5% so với đường bộ.

Theo PGS. TS Vũ Anh Tuấn- Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, TP.HCM cần có chính sách hỗ trợ nhằm phát triển các loại hình vận tải hành khách bằng đường thủy mang tính liên kết cao và đa dạng các sản phẩm cho du khách trong và ngoài nước:

"Đặc biệt nó phải kết nối với giao thông phi cơ giới dọc ở hai bên bờ sông. Bao gồm đi bộ và đi xe đạp để đảm bảo tiếp cận xe buýt được sông một cách dễ dàng và đồng thời chúng ta phải tạo cơ hội để mọi người có thể vừa đi xe buýt đường sông vừa có thể vãng cảnh, thể dục thể thao dọc 2 bên sông".

Trước tiềm năng, thế mạnh về du lịch thủy bị lãng quên trong suốt thời gian qua. Bên cạnh việc tăng tính liên kết giao thông đường thủy và đường bộ, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trí – Trưởng khoa du lịch – Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng thành phố cần mở rộng thêm các sản phẩm du lịch ở nhiều cấp độ khác nhau để thu hút nhiều du khách và du lịch thủy sẽ có chiều sâu trong tương lai:

"Kết nối vùng ven sông thông qua bến tiếp đón du khách và các bãi xe đến tiếp đón du khách đi đến những nơi khác thì phần này đang thiếu không gian trên bờ thì mình cần mở rộng thêm không gian. Bên cạnh đó chúng ta cần mở rộng thêm du lịch cộng đồng ở nhiều cấp bật khác nhau từ doanh nghiệp cho đến những người dân từ từ đó những sản phẩm du lịch thủy sẽ có chiều sâu hơn".

Việc phát triển du lịch đường thủy nội đô, đường biển và kết nối với các tỉnh thành lân cận sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế ven sông, kinh tế đêm thành phố. Để các sản phẩm được hình thành và phát triển lâu dài, cần có những giải pháp dài hạn trong thu hút đầu tư hoàn thiện hạ tầng và tăng tính liên kết từ đó tạo điểm nhấn khác biệt cho du lịch TP.HCM trong thời gian tới.

TPHCM vẫn chưa phát triển du lịch thủy tương xứng với tiềm năng vốn có

TPHCM vẫn chưa phát triển du lịch thủy tương xứng với tiềm năng vốn có

Trong thời gian tới, TP.HCM cần có kế hoạch trước mắt, cũng như dài hạn nhằm phát huy thế mạnh vốn có về sông ngòi, nhiều loại hình du lịch đường thủy. Điều này không chỉ thu hút du khách, mà còn góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của thành phố trong tương lai.

Góc nhìn của Kênh VOV Giao thông: Phát triển du lịch thủy ở TPHCM, cần những” cú hích” để thay đổi.

 

Phải nói là thiên nhiên ban tặng cho TP.HCM một hệ thống sông ngòi, kênh rạch chính là báu vật, cần giữ gìn và khai thác.

Chỉ một lần là du khách đi dọc sông Sài Gòn,sông Nhà Bè, sông Đồng Nai hay trải nghiệm trên các tuyến kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghề,Tân Hóa- Lò Gốm và nhiều tuyến du lịch đường thủy khác, ai cũng phải trầm trồ, thích thú vì vẻ đẹp sông nước mênh mông, trải rộng.

Nhìn thấp thoáng xa xa là những khu đô thị với các tòa nhà hiện đại, khang trang vươn mình dọc các con sông, bờ kênh xanh tắp những hàng cây. Một TP.HCM không chỉ với có đất chật, người đông mà vóc dáng một thành phố sông nước nên thơ và lãng mạn; làm say đắm du khách phương xa.

Nhiều năm qua, thành phố đã bắt tay vào khai thác các tiềm năng thế mạnh về du lịch đường thủy với các tua tuyến độc đáo; bước đầu khẳng định giá trị của một đô thị lớn nhất cả nước với nhiều cảnh sắc sông nước hài hòa uốn lượn.

Nhiều doanh nghiệp, người dân đã đem du lịch sông nước vào đời sống, tạo nên bản sắc riêng có ở thành phố phương Nam đầy nắng và gió này; được du khách ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, so với điều kiện được thiên nhiên ưu đãi, du lịch đường thủy của thành phố còn nhiều chuyện để bàn.

Đầu tiên phải kể đến là độ tĩnh không của các cây cầu, hầu hết đều thấp nhiều lần so với yêu cầu. Khiến cho mỗi khi nước lên, tàu bè, ca nô du lịch không sao qua lại được, đành phải nằm chờ. Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư mua sắm du thuyền để đưa đón khách nhưng đành bất lực chờ cầu.

Các du thuyền nhỏ, ca nô đôi khi muốn chui qua các cây cầu phải hạ tải, mời khách lên bờ, rồi xuống lại, rất bất cập. Ngay tuyến buýt đường sông, đưa vào sử dụng hơn 5 năm qua, dù luôn đông khách nhưng không thể nối thêm tuyến vì tàu cao quá khổ tầm cầu.

Điểm hạn chế nữa là bến bãi. Ngoài bến Bạch Đằng được quy hoạch bài bản, kết nối giao thông đồng bộ; các bến bãi còn lại đều chưa đáp ứng được yêu cầu neo đậu du thuyền, tàu bè. Khi cập bến, dễ gây va chạm khiến hư hao vỏ tàu, thân tàu.

Đó là chưa kể, đi du lịch đường sông nhưng khi lên bờ lại không có cơ hội trải nghiệm đường bộ vì đường đi trắc trở.

Tình trạng bến bãi nhếch nhác; bến tự phát, bến sai phép vẫn còn xuất hiện; không gây được cảm tình với du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Ngay tàu bè dù làm du lịch nhưng nhiều đơn vị cũng chưa trang bị đầy đủ bảo đảm an toàn, thiết bị nội ngoại thất cũ kỹ lạc hậu, không hấp dẫn du khách.

Đó là chưa kể, các điểm du lịch dọc các bờ sông, dòng kênh cũng còn đơn điệu; ít được đầu tư chăm chút chu đáo về phong cảnh cũng như ẩm thực, văn hóa, nghệ thuật. Du khách đến một lần cho biết; một đi không trở lại. Đây là những điều đáng tiếc cho một thành phố năng động như TP.HCM .

Hiện nay, TP.HCM đang tập trung xây dựng không gian văn hóa nhằm tôn vinh các giá trị đặc sắc của một thành phố sôi động bậc nhất cả nước; nhất là vẻ đẹp của đô thị sông nước để thu hút khách du lịch.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình, đề án về phát triển du lịch đường thủy cũng được bắt tay vào thực hiện như lễ hội nước; biểu diễn nghệ thuật trên sông; mở thêm các điểm du lịch ở huyện đảo Cần Giờ; các tuyến kênh rạch nội đô.

Đây là cách làm phù hợp’; là những “cú hích” nhằm đưa du lịch đường thủy vào một vị thế mới giúp thành phố phát triển.

Do vậy một hành lang pháp lý đủ mạnh, rõ ràng; những cơ chế, chính sách có độ mở cao để thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn vào khai thác là cần thiết và phải làm ngay. Các bất cập về độ tĩnh không của cầu; sự xuống cấp của bến bãi cần được khắc phục.

Bên cạnh đó, xây dựng thêm các sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú để tạo ấn tượng với du khách khi đến với sông nước thành phố. Đây là điều kiện kiên quyết để du lịch đường thủy của thành phố thực sự chuyển mình và là điểm nhấn để bứt phá đi lên.

Trọng Điển - Trọng Nghĩa/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Con vi phạm giao thông, mẹ nhắn: 'Kệ, con cứ ngồi đấy là họ sẽ thả”

Con vi phạm giao thông, mẹ nhắn: "Kệ, con cứ ngồi đấy là họ sẽ thả”

Khác biệt với thái độ nghiêm khắc của các phụ huynh khi con mình vi phạm Luật Giao thông đường bộ, có phụ huynh khi con gọi điện, nhắn tin thông báo bị lực lượng chức năng xử lý vi phạm giao thông, lại rất...

Thu phí trông xe không dùng tiền mặt và cơ hội minh bạch

Thu phí trông xe không dùng tiền mặt và cơ hội minh bạch

Hà Nội đang thí điểm thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt tại quận Tây Hồ và từ 15/4 tới sẽ mở rộng sang một số khu vực, một số tuyến phố tại quận Hoàn Kiếm. Điều này được nhiều người dân mong chờ vì hứa hẹn mang lại nhiều tiện lợi và cơ hội minh bạch.

Mô hình xe điện 2 bánh chia sẻ tại Hà Nội, tại sao khó triển khai?

Mô hình xe điện 2 bánh chia sẻ tại Hà Nội, tại sao khó triển khai?

Theo kết quả nghiên cứu về xe điện 2 bánh chia sẻ tại Hà Nội do Trường Đại học Công nghệ GTVT vừa công bố, có khá nhiều rào cản khiến xe điện 2 bánh khó triển khai tại Hà Nội, hoặc mới chỉ dừng lại ở mô hình thí điểm. Vậy, những rào cản này là gì?

Cao điểm hạn mặn, người dân “đong nước” với giá cao

Cao điểm hạn mặn, người dân “đong nước” với giá cao

Do hạn mặn kéo dài làm mạch nước ngầm và nguồn nước mặt bị nhiễm mặn, một số địa phương ở ĐBSCL đã không còn nước ngọt để sinh hoạt. Những khu vực dân cư ở xa trung tâm xã hoặc ven biển thì buộc lòng phải mua nước ngọt với giá cao gấp 5 lần giá bình quân chung

Loay hoay chuyện nuôi chó và phòng bệnh dại

Loay hoay chuyện nuôi chó và phòng bệnh dại

Tiếp nối câu chuyện “Hà Nội đang quên bắt chó thả rông?”, VOV Giao thông tiếp tục câu chuyện “Người Sài Gòn loay hoay câu chuyện nuôi chó và phòng bệnh dại”.

Hà Nội đang quên bắt chó thả rông?

Hà Nội đang quên bắt chó thả rông?

Nếu sống ở Hà Nội, chắc hẳn ai cũng đã từng nghe đến tên “Đội bắt chó thả rông”. Thế nhưng, sau những đợt ra quân này thì mọi việc có vẻ như lại đâu vào đấy, chó thả rông vẫn ngang nhiên chỗ đông người. Vậy Hà Nội có đang lãng quên công việc này?

1 tháng bị lập biên bản 5 lần, quán cafe vẫn lấn chiếm vỉa hè

1 tháng bị lập biên bản 5 lần, quán cafe vẫn lấn chiếm vỉa hè

Dù mới khai trương tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, thế nhưng chỉ trong tháng 01/2024, quán cafe này đã bị 5 lần lập biên bản vì lỗi lấn chiếm lòng đường vỉa hè, tuy nhiên đến nay quán vẫn tiếp tục vi phạm.