Du lịch để tận hưởng, không phải trào lưu

Những xu hướng du lịch mới như: du lịch tại chỗ, chăm sóc sức khỏe, du lịch không chạm… xuất hiện, vừa tăng ý nghĩa, chất lượng của hoạt động này, vừa mở ra cơ hội chấm dứt những sự quá tải, thời vụ do du lịch theo tâm lý đám đông.

Năm 2021 chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục của ngành du lịch khi dần vắng bóng những chuyến du lịch tâm linh ken kín người, bãi biển 5 người chia nhau 1m2 hay chuyện tắc đường cả ngày trên núi chỉ vì đi ngắm tuyết…

Nếu như trước đây, số đông thường chọn du lịch theo mùa, theo sự kiện thì nay, việc chúng ta đi nghỉ ở đâu, chuẩn bị cho chuyến đi như thế nào phụ thuộc nhiều vào yếu tố an toàn về sức khoẻ.

Chị Tú Anh, một nhân viên văn phòng ở TPHCM cho biết dịch bệnh đã khiến chị thay đổi nhiều về lối sống, quan tâm hơn đến sức khỏe. Trước đây chị thường lựa chọn các tour du lịch nghỉ dưỡng thì hiện tại chị có nhiều hứng thú hơn với các chuyến du lịch bằng xe đạp cũng như các hoạt động thể thao ngoài trời ngay trong thành phố:

"Chơi với những cộng đồng thể thao thì mình thấy có nhiều năng lượng tích cực hơn. Khi tham gia những chuyến đạp xe thì mình thấy an toàn và tự tin hơn, muốn khám phá được nhiều hơn, cảm nhận không khí ngoài trời, thiên nhiên và khám phá những cung đường mà thậm chí mình lớn lên ở Sài Gòn mà cũng không biết".

 

Khi chứng kiến sự bấp bênh của cuộc sống, ngày càng có nhiều người muốn phá bỏ rào cản, thoát khỏi guồng quay bận rộn ngày thường tìm tới thiên nhiên, khám phá vùng đất hoang dã và cũng là cách hiểu chính mình.

Anh Trần Tuấn Anh ở Hà Nội, một người vừa đam mê xê dịch, vừa dẫn khách đi tour trải nghiệm nhiều năm cho biết: Những địa điểm ít phổ biến, xa xôi và vắng vẻ giờ đây lại nằm trong lựa chọn hàng đầu:

"Đối với khách Việt Nam chọn tour ngắn 3 ngày 2 đêm đổ lại và đi nơi hơi khó như Tà Xùa, Nam Cát Tiên… nhiều hơn những tour phổ thông như Sa Pa. Sau dịch ngại tiếp xúc với người nơi đông người, đi ngắn ngày, chọn tour camping, checking hiểm trở nhiều hơn trước kia chưa có dịp thử trải nghiệm".

Theo anh Tuấn Anh, trong 5 du khách mới sẽ có 2 người yêu thích và gắn bó với hình thức du lịch khám phá tận hưởng, xem trải nghiệm là giá trị cần được “làm giàu”.

Sự thay đổi tích cực không chỉ đến với từng cá nhân, ngay cả các gia đình cũng tìm đến cảnh quan trong thành phố, điểm đến trong nước theo kiểu “free and easy” tức là du lịch tự do, đi theo nhóm nhỏ gia đình, bạn bè thân ễn là được thư giãn và hoàn toàn tận hưởng chuyến đi.

Nguyễn Anh Vũ sống tại Hà Nội kể rằng, mỗi dịp Tết nghỉ dài ngày, đại gia đình đều đặt tour đi nước ngoài trọn gói nhiều nơi nhưng năm nay, ễn là gia đình được nghỉ ngơi cùng nhau, chuyến du lịch gần trong nước cũng là lựa chọn không tồi:

"Mọi năm Tết nhà em sẽ đi nước ngoài vì được nghỉ dài. Điểm đến thay đổi trong nước có tiêu chí như không ra ngoài tiếp xúc. Nhà cũng không đi máy bay vì sợ đi với nhiều người, mang dịch đi hoặc kẹt ở đó cũng khó nên đi xe riêng và đến đấy gần như không tiếp xúc với ai".

Anh Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc công ty du lịch AZA Travel nhận định: Sau đại dịch, khách du lịch sẽ tập trung vào chất lượng trải nghiệm hơn là số lượng. Yếu tố giá rẻ, “check in” nhiều không còn là tiêu chí hàng đầu để người dân xách vali lên và đi:  

"Các sản phẩm dành cho nhóm nhỏ gia đình đang rất hot. Theo khảo sát của Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia, nếu trước đây khuyến mại yếu tố giá rẻ khiến du khách xách vali lên và đi thì giờ đây yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu. Nếu du khách cảm thấy không an toàn sẽ không đi".

Nhiều thói quen đời sống thường ngày phải thay đổi để thích nghi với “bình thường mới”, trong đó có du lịch với xu hướng nâng cao chất lượng trải nghiệm. Ngay cả khi dịch hết, xu hướng tích cực này cũng giúp kích thích du lịch phát triển ổn định thường xuyên và đa dạng hơn, không bị lệ thuộc theo mùa vụ.