Dự án tuyến đường sắt Metro số 1: Không thể để chậm trễ hơn nữa

Được kỳ vọng là công trình sẽ góp phần rất lớn để giảm áp lực cho giao thông của thành phố, nhưng đến nay, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) chỉ đạt gần 83% tổng khối lượng, không thể kịp đưa vào vận hành thương mại trong năm 2022.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Hiện dự án Metro số 1 chỉ đạt gần 83% tổng khối lượng. Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn

Được khởi công vào tháng 8/2012, tuyến metro số 1 (Bến Thành Suối Tiên) có tổng mức đầu tư 43.700 tỉ đồng, dài gần 20 km với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.

Trong giai đoạn đầu, mỗi đoàn tàu sẽ có 3 toa với chiều dài 61,5m, tốc độ tối đa thiết kế là 110km/h (đoạn trên cao) và 80km/h (đoạn hầm), khả năng chở hơn 900 khách mỗi đoàn tàu.

Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM và là công trình trọng điểm, được người dân hết sức kỳ vọng.

 

"Đường sắt đi vào hoạt động sẽ rất hiệu quả cho giao thông đô thị, sẽ giải quyết được vấn đề về ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường".

"Tuyến metro rất là tiện lợi, kết nối từ trung tâm ra khu phía đông thành phố, đi lại thuận tiện hơn. Cho nên người dân rất là mong chờ tuyến metro sớm hoàn thành để kết nối với các dự án giao thông".

Đánh giá cao vai trò của đường sắt đô thị trong mạng lưới giao thông của thành phố, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông) cho rằng, việc gấp rút đưa tuyến metro số 1 (Bến Thành Suối Tiên) vào vận hành khai thác là hết sức cần thiết và cấp bách đối với đô thị đông đúc như TP.HCM.

Đây là phương thức vận tải đặc thù, vừa trực tiếp giải tỏa hành khách khối lượng lớn vừa rút ngắn thời gian di chuyển từ các khu vực cửa ngõ vào trung tâm thành phố.

 

“Đường sắt đô thị là con át chủ bài, nó có khả năng rút hết trong giờ cao điểm. Và vì vậy, thành phố hàng chục triệu người, khi mà giờ cao điểm, hành khách từ các nhà cao tầng đổ xuống thì cách tốt nhất, nhanh nhất vẫn là đường sắt đô thị.”.

Việc gấp rút đưa tuyến metro số 1 (Bến Thành Suối Tiên) vào vận hành khai thác là hết sức cần thiết và cấp bách đối với đô thị đông đúc như TPHCM. Ảnh: Người lao động

Đến nay, theo báo cáo của Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM thì tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) mới chỉ đạt gần 83% tổng khối lượng thi công. Theo kế hoạch đề ra ban đầu, dự án sẽ vận hành thử đoạn trên cao Long Bình - Bình Thái vào tháng 9/2021, và đưa vào vận hành thương mại cuối năm 2021.

Thế nhưng mới đây, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR) cho biết, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai dự án nên dự kiến tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này sẽ phải lùi thời gian vận hành thương mại sang năm 2022.

Theo đó, dịch Covid 19 là tác nhân chính khiến các gói thầu xây lắp gồm: CP1a, CP1b và gói thầu CP2 chậm trễ tiến độ thi công, kéo dài thời gian hoàn thành các kết cấu và tiện ích dọc tuyến. Qua đó dẫn đến khó khăn cho nhà thầu gói CP3 khi tiếp cận các khu vực ven đường, sảnh chờ và ke ga của nhà ga…

Gói thầu thiết bị CP3 cũng chậm trễ công tác mua sắm, sản xuất, vận chuyển thiết bị từ nước ngoài về. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc hạn chế di chuyển quốc tế nhập cảnh Việt Nam cũng làm chậm tiến độ chung của dự án bởi tuyến Metro số 1 đang trong giai đoạn nước rút, cần có sự giám sát của các chuyên gia nước ngoài…

Ông Huỳnh Hồng Thanh (Phó Trưởng ban đường sắt đô thị TP.HCM, Giám đốc tuyến Metro 1) cho biết, dự kiến đến 27/3/2021 sẽ tiến hành đóng điện trạm Bình Thái nếu như các chuyên gia nước ngoài đảm bảo âm tính sau thời gian cách ly.

Theo ông Thanh, Ban vẫn giữ theo tiến độ được duyệt là đưa vào vận hành vào cuối năm 2021 và đang đánh giá lại tổng thể để báo cáo thành phố.

Theo đó, từ đây đến tháng 6/2021, thành phố phải lập lại đánh giá tổng thể chi tiết, đánh giá rõ tác động của Covid-19 đối với dự án. Và đề xuất phương án mới để đẩy nhanh tiến độ dự án đưa vào vận hành khai thác.

 

“Về lý thuyết thì chúng ta đang phấn đấu, tuy nhiên do hiện giờ, ví dụ như  điện ở trạm Bình Thái vào ngày 27/3 này thì chúng tôi đang đợi 1 chuyên gia Nhật Bản đang cách ly. Nếu họ âm tính thì việc thử nghiệm việc đóng điện sẽ đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, nếu mà trục trặc thì có vấn đề hoãn lại.”.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có buổi làm việc với các Ban ngành, đơn vị liên quan để tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.

Ông Phong yêu cầu Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố cần xác định chính xác mục tiêu về mặt thời gian để đưa vào vận hành thương mại tuyến metro số 1. Và trên cơ sở mục tiêu đó xem xét, rà soát lại tất cả khó khăn để làm sao đảm bảo đúng tiến độ. Ông Phong đề nghị:

 

“Tôi giao cho Ban Quản lý Đường sắt xác định mục tiêu về mặt thời gian để đưa vào vận hành thương mại. Và trên cơ sở từ mục tiêu đó, xem xét lại, rà soát lại tất cả những vướng mắt khó khăn, để làm sao vận hành đúng theo tiến độ”

Đoàn tàu metro đầu tiên của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã được nhập về TPHCM và đặt lên đường ray tại khu vực depot Long Bình

Như chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM thì việc cần thiết lúc này là phải có những giải pháp cấp bách để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Các cá nhân, tập thể liên quan cần thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất để giải quyết tận gốc những vấn đề đang tồn tại để dự án có thể về đích đúng hẹn, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông thành phố nói riêng, sự phát triển của thành phố nói chung.

Mời quý vị và các bạn đến với góc nhìn này của VOVGT qua bài bình luận với nhan đề: “Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành Suối Tiên: Không thể chậm trễ hơn nữa!”.

 

Có quá nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan mà Chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị thi công dự án metro số 1 Bến Thành Suối Tiên đã đưa ra trong buổi làm việc mới đây với người đứng đầu chính quyền TP.HCM.

Trong đó, dịch COVID-19 được xem là tác nhân chính khiến đoàn tàu đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM không thể lăn bánh hoạt động vào cuối năm 2021 như dự kiến ban đầu. Dù nguyên nhân có là gì thì thông tin dự án giao thông trọng điểm này này có thể bị trễ hẹn một lần nữa đã khiến hàng chục triệu người dân của thành phố này thất vọng.

Chậm tiến độ, lùi thời hạn hoàn thành dường như đã là căn bệnh “thâm căn cố đế” của các dự án giao thông trọng điểm của nước ta nhiều năm qua. Không biết vô tình hay hữu ý mà các dự án đường sắt đô thị nói chung, tuyến metro số 1 Bến Thành Suối Tiên nói riêng đã không ít lần được “chỉ mặt điểm tên” vì liên tục trễ hẹn.

Có lẽ không cần phải nhắc lại những hệ lụy xã hội khủng khiếp mà “căn bệnh” chậm tiến độ gây ra, bởi nếu phải đưa ra một con số thiệt hại cụ thể thì không mấy người dễ dàng chấp nhận.

Là người được trực tiếp chứng kiến các toa tàu metro số 1 đầu tiên cập cảng Sài Gòn cũng như theo chân đoàn xe siêu trường siêu trọng đưa các toa tàu về tập kết tại depot Long Bình vào đầu tháng 10/2020 vừa qua, chúng tôi vẫn nhớ như in cảm xúc hồi hộp xen lẫn phấn khởi khi thời điểm đoàn tàu này lăn bánh không còn xa.

Giống như hàng triệu người dân khác, người đứng đầu chính quyền TP.HCM đã thực sự khó chịu và không dễ chấp nhận những lý do khiến vòng quay metro số 1 Bến Thành Suối Tiên chậm bước.

Đừng cố thử thách sự kiên nhẫn cũng như lòng tin của người dân bởi sự hời hợt, thiếu trách nhiệm được che đậy vụng về bằng những lý do nghe qua có vẻ là khách quan. Hơn thế nữa, đừng cố đổ lỗi cho dịch bệnh COVID-19 vì há chẳng phải nước ta được xem là một trong những quốc gia kiểm soát dịch bệnh hiệu quả nhất trên thế giới.15 năm là quá dài cho sự chờ đợi, và đoàn tàu metro số 1 Bến Thành Suối Tiên cần phải được lăn bánh đúng thời hạn cam kết.

Theo đó, các bên liên quan cần xem sự mong chờ, niềm tin của người dân thành phố là động lực là trách nhiệm để vào cuộc quyết liệt và rốt ráo hơn nữa.

Dự án metro số 1 Bến Thành Suối Tiên về đích đúng hẹn sẽ không chỉ làm gia tăng niềm tin của người dân vào chính quyền mà còn giúp cho hình ảnh của TPH.CM trở nên hấp dẫn hơn trong mắt giới đầu tư Quốc tế.