Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Khoảng 9 giờ sáng, tại ấp 6, người trẻ đã đi làm, chỉ còn thưa thớt người già chờ... nước từ thiện. Một chiếc “hầm” chứa nước mới được người dân thiết kế đào sáng nay. “Hầm” sâu 1 mét, dài 11 mét, rộng 3 mét, đủ chứa hơn 30 khối nước.

 

Từ TPHCM, chạy xe máy khoảng 1 tiếng 30 phút là đã có mặt tại xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Hai bên đường, những cánh đồng khô cháy, nứt nẻ dưới cái nắng bỏng rát.


Chứng kiến những bể chứa nước mưa cạn trơ đáy, Nguyễn Đỗ Trúc Phương (Quận 1, TPHCM) cho biết đã thuê 4 xe bồn chở nước xuống cho người dân: “Tôi có nhận được tin nhắn nhờ sự giúp đỡ từ người dân. Riêng ngày hôm nay, tôi xuống đây cùng với 4 xe chở nước, mỗi xe 45 khối và 200 bình nước lọc 22 lít.

Đi ngang qua những đồng lúa bị khô hạn, vườn cây nắng cháy, rất thương bà con. Bà con nói với tôi phải xếp hàng để lấy nước, nhưng bây giờ có nhiều nhà hảo tâm chở nước xuống cho bà con, nên cũng đỡ được phần nào”.

Sáng 16/04, người dân xã Tân Trung tranh thủ đi lấy nước sớm

Tại tỉnh Tiền Giang, có ít nhất 3.000 hộ gia đình thiếu nước ngọt sinh hoạt trong mùa khô năm nay. Hàng ngàn hộ dân trong cảnh ngóng chờ những can nước ngọt ễn phí của các đoàn từ thiện

Khoảng 9 giờ sáng, tại ấp 6, người trẻ đã đi làm, chỉ còn thưa thớt người già chờ .... nước từ thiện. Một chiếc “hầm” chứa nước mới được người dân thiết kế đào sáng nay, ngay kế bên nhà chị Tuyết Linh.

“Hầm” sâu 1 mét, dài 11 mét, rộng 3 mét, đủ chứa hơn 30 khối nước. Mọi người nhanh tay hỗ trợ tài xế nối vòi nước ra “hầm”. “Có nước rồi bà con” – chị Linh reo vui.

“Bình nhỏ không đủ nước cho người dân sinh hoạt, khi đào cái hố này, bà con khoẻ hơn nhiều. Chứ bình thường ban ngày có người lấy xong chiều công nhân đi làm về, họ không đủ nước sinh hoạt để xài. Thấy một số điểm có mô hình như thế này, mình thấy hay nên bắt chước làm theo. Bên chăn nuôi, trồng trọt ngưng lại hết, chờ mưa xuống. Nước còn không có mà xài nữa, nghĩ gì đến chuyện sản xuất”

Chiết nước từ bồn để mang vào nhà cho các hộ dân ở sâu trong ấp
Những giọt nước mang hy vọng về cho bà con

Mới đây, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang phối hợp với UBND các địa phương mở vòi nước công cộng để cấp nước ễn phí cho người dân. 81/114 vòi nước công cộng được mở tại huyện Gò Công Đông. Tổng khối lượng nước đã cấp hơn 9.400m3.

Ấp 6 có đến hơn 600 hộ dân nhưng chỉ có 2 vòi nước công cộng, một vòi đặt xa đường ống nên nước chảy yếu. Thế nên chị Linh nói, nhiều người phải đi vài cây số, đợi hứng được can nước phải qua nửa đêm: “Xã mình cũng có vòi nước công cộng, nhưng bà con phải xếp hàng tới tối khuya luôn. Nhiều khi 11, 12g đêm, thậm chí đến 3 giờ sáng. Vì nguồn nước không được mạnh, dân thì đông, cực lắm. Người dân lao động đi làm về mà chờ lấy nước nữa chắc chịu không nổi luôn”.

Người dân chằng chéo dây phủ bạt lên trên hầm chứa nước để giữ nược sạch cho bà con
Hơn 30 sào hoa màu cây trái của ông Chín Bổn chết khô, chẳng làm được gì

Ông Chín Bổn đã ngoài 70 tuổi. Vừa phụ bà con chằng chéo tấm bạt phủ lên giữ nước sạch, ông Bổn vừa chia sẻ, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, 30 sào vườn cây ăn trái nhà ông chết khô hết nên chẳng thể làm được gì.

“Căng lắm. May nhờ mấy đoàn từ thiện ở thành phố về. Năm nay đỡ cái có hầm với bồn, chứ mấy năm trước đâu có. Nhiều người già đâu có điều kiện đi lấy nước, phải nhờ chính quyền địa phương chở tới. Dân ở đây chỉ có khoảng 30% có nước máy thôi”, ông Chín Bổn nói.

Hầm chứa nước ở ấp Gò Xoài

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nhiệp và Phát triển Nông thôn: ĐBSCL còn khoảng 50.000 hộ gia đình đang thiếu nước sạch, phải sử dụng các giải pháp khác nhau để đảm bảo có nước sinh hoạt.

Ấp Gò Xoài, xã Tân Trung, thị xã Gò Công có hơn 400 hộ dân; 2/3 bà con không có nước sạch để dùng. Theo ông Ngô Thành Xuân, Phó Bí thư ấp Gò Xoài , “hầm” mới đào chứa được khoảng 45m3 nước, nhưng cứ cuối ngày là hết, may sao có các đoàn từ thiện từ TPHCM, Long An... về liên tục trong 2 tuần qua.

“Đồng khô cỏ cháy, kênh cạn hết rồi, nước uống không có, nước sinh hoạt cũng không. Sáng thì công nhân tranh thủ đi lấy sớm để về còn đi làm công ty. Chiều khoảng 3 giờ tập trung lấy tiếp đến đêm, trong vòng 1 ngày, có khi không đủ nữa.

Thi thoảng còn phải cho những ấp lân cận nữa. Có nguồn nước này rất mừng, không có thì bà con bắt buộc phải xài nước mặn, mà nước mặn thì cũng không có luôn. Bà con xài can thôi chứ không có bồn mà chứa, mua bồn 2.000 lít cũng phải mất 2 triệu, không có tiền”.

Ông Trung chia sẻ, UBND xã đã bố trí 4 bồn (2.000 lít) và 2 bồn (1.000 lít) để bơm nước từ “hầm” chứa lên, thuận tiện cho bà con xách can chắt nước mang về.

Những chuyến xe từ thiện chở nước về với Gò Công Đông
Xe trung chuyển chở nước vào tận nhà cho bà con

Những ngày này, ông Trương Minh Hùng, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Tân Trung tất bật hơn. Chạy chiếc xe máy theo xe trung chuyển vào tận các hộ nghèo, người già neo đơn, ông Hùng nói, xe trung chuyển có thể chở khoảng 30 can, mỗi can 24 lít cho người dân.

“Cũng có những điểm nước công cộng, nhưng về sau, nước chảy hết nổi rồi thì họ phải đi lấy xa. Những hộ khó khăn, không có người đi lấy nước, thì chúng tôi tổ chức xe chở từng thùng đến, xách vào tận nhà cho họ luôn. Mỗi nhà mà được chục can, thì xài tiết kiệm được khoảng 2-3 ngày”.

Bà Nờ thẫn thờ nhìn ra vạt ruộng khô cháy

Ngồi trong gian nhà lá nhìn ra ngoài vạt ruộng khô, bà Trần Thị Nờ, 80 tuổi, rơm rớm nước mắt.

Ba chiếc lu đựng nước ngoài sân, cũng đã cạn khô, đóng đầy bùn. Nước bây giờ, vàng cũng không thể so sánh.