Doanh nghiệp cần chủ động, giảm phụ thuộc

Bài toán nguồn cung nguyên liệu đang khiến nhiều doanh nghiệp rất “đau đầu”. Để có lời giải cho vấn đề này, các doanh nghiệp cần đa dạng thị trường nhập khẩu nguyên liệu và thị trường xuất hàng hóa để tránh phụ thuộc. Bên cạnh đó, cần có chính sách vĩ mô để doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước.

Ảnh nh hoạ

Năm 2022, khi tình hình dịch bệnh covid-19 tại nước ta và các nước trên thế giới đang dần được kiểm soát, là thời điểm để các doanh nghiệp dần phục hồi lại hoạt động sản xuất. Điểm sáng cho tình hình kinh tế - xã hội là xuất khẩu nửa đầu năm 2022 đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét khi các nhóm hàng chủ lực như điện tử, dệt may, nông lâm thủy sản…

Bằng chứng là đơn hàng xuất khẩu đã kín đến cuối năm.

Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa kịp vui mừng nhiều với đà tăng tốc sản xuất thì lại lo chuyện nguồn nguyên liệu bị gián đoạn, do phần lớn các doanh nghiệp phụ thuộc vào một số ít thị trường nước ngoài quen thuộc.

Vì để có được giá thành rẻ và giảm chi phí vận chuyển, phần lớn các doanh nghiệp có thói quen phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc; đơn cử như ngành dệt may và da giày chiếm tỉ trọng đến 50%.

Do đó, chỉ cần Trung Quốc có chút biến động như thực hiện chiến lược "Zero COVID", cộng thêm những biến động về tình hình chính trị thế giới, đã khiến không ít doanh nghiệp lập tức phải lao đao, rối ren trong khâu tìm nguồn thị trường mới. Thậm chí, từng xảy ra nghịch lý về câu chuyện nông sản trong nước phải “cầu cứu”, trong khi nhà máy lại thiếu nguyên liệu.

Việc phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu nước ngoài cũng được các nhà quản lý nhìn nhận rõ. Để giải quyết mối lo ngại này, nhiều năm qua, nhà nước cũng có nhiều giải pháp để phát triển công nghiệp phụ trợ.

Thế nhưng, dù với nhiều “quyết tâm”, năng lực của ngành công nghiệp này vẫn chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân do thiếu chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất, cũng như năng lực quản lý.

Do đó, thời gian tới, nhà nước, đặc biệt là Bộ Công Thương sớm hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp, dễ dàng hơn. Đồng thời nâng cao năng lực quản lý, trình độ cải tiến công nghệ thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, tăng cường xúc tiến thương mại. Quan trọng nhất là giúp các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng.

Việc đầu tư, tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước cũng là giải pháp cần được nhà nước và các doanh nghiệp hướng đến để đảm bảo chuỗi sản xuất được lâu bền, khép kín mà lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp và người dân.

Đối với doanh nghiệp, bài học về đại dịch covid-19, khủng hoảng kinh tế và chuyển biến chính trị vừa qua, đã đến lúc cần thay đổi thói quen, cách làm, thay vì “lối mòn” dựa dẫm vào một thị trường đã quá quen, hãy mạnh dạn thử thách thị trường nhập khẩu mới. Cùng đó, doanh nghiệp cần tăng cường chuyển đổi số và đầu tư công nghệ hiện đại.

Để được như vậy, các doanh nghiệp cần được sự đồng hành, hỗ trợ từ cơ quan chức năng về cơ chế lẫn chính sách, nhất là thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ. Có như vậy, về lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam mới có thể từng bước “tự chủ” được nguồn cung sản xuất, phát triển kinh tế bền vững./.