Đổ trộm chất thải độc hại: Căn nguyên và giải pháp

Hành vi đổ trộm chất thải độc hại ra môi trường cần bị lên án mạnh mẽ. Nó có thể xóa đi những nỗ lực của chính quyền các đô thị trong xu hướng “xanh hóa” cảnh quan và môi trường sống.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
12 thùng phi chất thải công nghiệp,chất thải độc hại được phát hiện sáng 2/9 trên Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Lao động thủ đô

Theo Công ty Urenco chi nhánh Cầu Diễn, thời gian gần đây, trên địa bàn Tp.Hà Nội liên tục xảy ra nạn đổ chất thải, đặc biệt là chất thải công nghiệp nguy hại. Cụ thể, tại địa phận cầu Lê Quang Đạo thuộc phường Mễ Trì hướng về trung tâm Hà Nội, công ty Urenco Cầu Diễn phát hiện số lượng 200 lít chất thải bị lén đổ ra đường vào các ngày 5/8 và 3/9/2019. Trước đó, ở khu vực cầu Đào Nguyên, huyện Hoài Đức và 3 khu vực khác thuộc huyện Quốc Oai, đơn vị cũng ghi nhận các vụ nghi đổ chất thải nguy hại số lượng lớn.

Ông Trần Văn Khải – Phó giám đốc Công ty Urenco chi nhánh Cầu Diễn cho biết:

 

“Sau khi phát hiện sự việc, chúng tôi đã làm văn bản báo cáo về tình trạng này cho đến các cơ quan chức năng như: CA TP. Hà Nội, Sở TNMT, Sở Xây dựng… Đơn vị cũng nhiều lần báo cáo các Sở, Ban ngành quan tâm chỉ đạo tăng cường kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, nhưng đến thời điểm hiện tại chưa có sự chuyển biến. Cụ thể vào ngày 2/9, có người đổ trộm 14 thùng phuy chất thải ngay gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia”.

Theo khảo sát của phóng viên, các thùng phuy chất thải bị đổ trộm mùi nồng nặc, có thể ngửi thấy từ xa hàng chục mét, ngửi thấy có triệu chứng nhức đầu. Trên các thùng phuy cũng được ghi cụ thể thành phần cảnh báo dung môi, dung dịch bên trong và có cảnh báo tránh xa, có nguy hiểm.

Được biết, công ty vệ sinh môi trường chỉ có chức năng thu gom và xử lý rác sinh hoạt, còn với rác thải độc hại, theo quy định, đơn vị phải báo cáo cơ quan chức năng, như Phòng Cảnh sát Môi trường (PC05).

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Nguyễn Xuân Quyến, đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP. Hà Nội thông tin: Tình trạng đổ trộm chất thải trên tuyến Đại lộ Thăng Long gây ô nhiễm môi trường bắt đầu xảy ra từ cuối năm 2017, rộ lên trong năm 2018. Từ năm 2019, hiện tượng đổ trộm chât thải công nghiệp trên tuyến diễn ra không theo quy luật nhất định. Bình quân khoảng 1 tháng rưỡi đến 2 tháng, các đối tượng sẽ đổ trộm chất thải này.

Trong năm 2018, lực lượng chức năng đã phát hiện, kiểm tra 160 trường hợp đổ trộm chất thải, phương tiện vận chuyển không đảm bảo môi trường, gây ô nhiễm trên tuyến Đại lộ Thăng Long và xử phạt trên 750 triệu đồng. Từ đầu năm 2019 đến nay, đã xử lý 170 trường hợp liên quan đến đổ trộm chất thải và vận chuyển vật liệu xây dựng, chất thải để rơi vãi ra đường giao thông gây ô nhiễm môi trường.

Trung tá Nguyễn Xuân Quyến nói:

 

“Trên tuyến Đại lộ Thăng Long, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì tuyến này trải dài trên địa bàn 4 quận huyện, có chiều dài gần 25km, có 4 làn đường, mật độ dân cư thưa, mật độ giao thông thấp dẫn đến những giờ thấp điểm gần như không có phương tiện di chuyển. Trên tuyến đường này hiện nay các phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác an ninh trật tự và ATGT chưa có, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân có ý định đổ trộm chất thải. Hiện nay, chúng tôi đã xác định và tiến hành xác nh có nhiều nghi vấn cho thấy các đối tượng vận chuyển chất thải từ tỉnh ngoài đến đổ trộm”.

Chất thải nguy hại đổ ra đồng Đằng Xung, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Hà Nội mới

Bên cạnh khó khăn về địa bàn, lực lượng cảnh sát môi trường cũng gặp vướng mắc trong các quy định pháp luật, như chế tài xử phạt thấp, không có tính răn đe, phân cấp cơ quan chức năng xử lý hành vi đổ trộm chất thải hiện chưa rõ ràng. Ngoài bổ sung, hoàn thiện các quy định, rất cần bổ sung các trang thiết bị hỗ trợ công tác giám sát, quản lý, đấu tranh phòng chống các vi phạm đổ trộm chất thải.

 

“Chúng tôi kiến nghị cần nghiên cứu hoàn thiện quy định của văn bản pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi nhất để các lực lượng chức năng tham gia và xử lý nghiêm được các hành vi. Hiện nay chúng ta chỉ còn quy định để tạo thuận lợi về khám niệm từ ngữ về biện pháp quản lý chất thải, để chung ta vừa tận dụng được chất thải, vừa đưa vào tái chế, sản xuất. Nhưng đồng thời chúng ta cần xử lý nghiêm các hành vi đổ trộm các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường”.

Đề cập vấn đề này, Luật sư Phạm Thành Tài – Giám đốc công ty Luật Phạm Danh cho biết, các hành vi chôn lấp, đổ chất thải rắn công nghiệp trái quy định sẽ bị phạt tới 2,5 triệu đồng với cá nhân, 500 triệu đồng với tổ chức. Trong trường hợp chất thải rắn gây nhiễm xạ môi trường mức phạt lên tới hàng tỷ đồng, buộc khắc phục hậu quả, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo Luật Hình sự.

Luật sư Phạm Thành Tài nói:

 

“Với những mức xử phạt như vậy thì theo tôi đã tương đối nghiêm khắc và đủ sức răn đe. Tuy nhiên, thực tế hiện nay thì việc xử lý vi phạm chưa thực sự đạt hiệu quả cao bởi gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý vi phạm. Cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, đồng thời tăng cường giáo dục tuyên truyền phổ biến pháp luật để mỗi người dân có thể nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của môi trường sống của mình và ý thức, trách nhiệm cộng đồng trong việc xả thải ra môi trường”.

Một số thùng phi được vứt cạnh nguồn nước dẫn chảy ra mương phục vụ tưới tiêu. Ảnh: Lao động thủ đô

Phân tích nguyên nhân nạn đổ trộm rác thải đang ngày một gia tăng ở các đô thị, PGS. TS Trần Yêm, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ môi trường cho rằng:

 

“Thứ nhất là ý thức của người vận chuyện rác không tuân thủ pháp luật và cái đó rất phổ biến ở Việt Nam mình. Đó cũng là vấn đề của doanh nghiệp khi ý thức rất kém. Không muốn mất tiền để các bãi rác họ vận chuyển, xử lý. Nhiều lúc là mất tiền lớn đấy nên người đi đổ trộm là vì như thế. Và cái thứ 3 nữa là trong quá trình vận hành bãi rác thì tôi thấy là của mình nhiều lúc cũng không hợp tác. Cho nên người ta đổ trộm cho khỏe, vào đấy rắc rối quá.”

Đồng quan điểm, GS.TS Đặng Kim Chi -Chủ tịch hội đồng khoa học của Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhận định: Hiện nay Hà Nội và các vùng phụ cận khong thiếu cơ sở chuyên thu gom, xử lý chất thải công nghiệp, hóa chất độc hại. Do đó, vấn đề chủ yếu nằm ở chính các doanh nghiệp thải ra các loại chất thải, hóa chất này.

 

“Nếu chất thải này bị vứt ra ngoài thì có 2 lý do. Một là đơn vị có nguồn chất thải phát sinh ra đã không ký hợp đồng để cơ quan có chức năng đến để thu gom chất thải. Thứ hai là có thể có trường hợp trong quá trình vận chuyển, một số công ty đã thu gom rồi nhưng vì lý do nào đó, họ thiếu ý thức nên bỏ đi một cách thiếu trách nhiệm”.

GS.TS Đặng Kim Chi cũng phân tích trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong việc lần ra dấu vết, xác định các doanh nghiệp để rác thải của mình trôi nổi ngoài môi trường:

 

“Việc kiểm soát quản lý các nguồn nguy hoại ở địa phương thuộc về các cơ quan quản lý môi trường từ cấp huyện, cấp xã, cấp tỉnh. Có thể việc quản lý này đã không thật chặt chẽ, sát sao nên mới để lộ ra những vấn đề như vậy. Sự phối hợp của cảnh sát môi trường là rất quan trọng. Đấy là đơn vị có thể phát hiện. Rồi cơ quan quản lý môi trường có thể đến dưới dạng đơn vị đến thanh tra, kiểm tra. Người dân phát hiện việc đổ như thế người ta hoàn toàn có thể báo cảnh sát môi trường hoặc các cơ quan quản lý môi trường ở địa phương. Chuyện đấy là quyền lợi và nghĩa vụ”.

Trong khi thế giới đang hướng tới việc phát triển các đô thị xanh và sạch, thì hành vi đổ trộm chất thải độc hại ra môi trường cần bị lên án mạnh mẽ. Nó có thể xóa đi những nỗ lực của chính quyền các đô thị trong xu hướng “xanh hóa” cảnh quan và môi trường sống.

Những khó khăn trong công tác phát hiện, xử lý và tuyên truyền đã được nhận diện, vấn đề là quyết tâm của các lực lượng chức năng đến đâu trong cuộc chiến được đánh giá là trường kỳ và gian nan này.