Điều gì đang “thắt nút” sự sẵn sàng?

Nhiều dự án xây dựng đường cao tốc đang có nguy cơ bị chậm tiến độ mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu vật liệu xây dựng. Điều này cho thấy công tác chuẩn bị cho dự án còn nhiều bất cập và sự phối hợp giữa các ngành, các nhà thầu và các địa phương nơi có công trình đi qua còn lỏng lẻo.

Ảnh nh họa

Mặc dù Nghị quyết 18 của Chính phủ đã quy định khá rõ vai trò  và sự phối hợp của Bộ Giao thông vận tải với các địa phương và các bên trong quá trình thực hiện dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông, nhưng khi triển khai, các điểm này vẫn vướng, đặc biệt là vấn đề vật liệu xây dựng cơ bản.

Chẳng hạn, dự án Phan Thiết - Dầu Giây đang đứng trước nguy cơ  trễ hẹn hoàn thành vào ngày 30/4 tới đây, do thiếu đất đắp nền, mà nguyên nhân là tiến độ khai thác bị chậm  theo tiến độ thi công, nhưng chưa được địa phương gia hạn khai thác mỏ đất.

Hay như dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết, địa phương chưa thể cấp phép gia hạn khai thác mỏ đất, do nhà thầu không đảm bảo được quy định trình tự, thủ tục xin gia hạn.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, với trữ lượng khai thác đất, đá rất thấp, nếu áp dụng cơ chế cho tăng 50% công suất khai thác các mỏ cát tại ền Trung như với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 18 của Chính phủ thì cũng chưa đủ nhu cầu cho 10 dự án cao tốc qua ền Trung, từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa.

Như vậy, đa phần các yếu tố phát sinh đang nằm ở phía quản lý của ngành Giao thông, từ khảo sát trữ lượng cho đến tính toán đánh giá nhu cầu vật liệu cho từng giai đoạn.

Việc thay đổi tiến độ thi công so với dự kiến, dù với nguyên nhân nào, cũng đều cần phải được dự báo sớm, được báo cáo và nắm bắt thường xuyên, làm căn cứ xác định các phương án khắc phục, như kiến nghị tăng trữ lượng khai thác mỏ vật liệu trong giới hạn cho phép, hoặc phối hợp tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu để rút ngắn trình tự cấp phép của địa phương.

Công suất khai thác tối đa với các mỏ tăng không quá 50% so với giấy phép đã được xác định tại NQ18 đầu năm 2022. Công suất khai thác với từng mỏ cũng được xác định dựa trên các cứ liệu khoa học, hoàn toàn không phải ngẫu hứng của địa phương. Do đó, việc kêu thiếu vật liệu sau hơn 1 năm kể từ khi ban hành nghị quyết, là một điều khó hiểu.

Nó cho thấy, hoặc quá trình thi công đã chưa tính toán sát giữa năng lực thi công và nhu cầu vật liệu tương ứng để phát hiện ra nguy cơ thiếu hụt ngay từ đầu, hoặc đã có những sự phối hợp chưa ăn khớp giữa các nhà thầu với Bộ Giao thông vận tải và địa phương, để giải quyết các vấn đề xung quanh việc cung cấp vật liệu xây dựng.

Với vai trò chủ trì, Bộ Giao thông vận tải cần chủ động hơn nữa trong quá trình kết nối với các địa phương để làm rõ các vướng mắc thật sự hiện nay.

Đó thực sự là vấn đề thủ tục, hay còn có những ngần ngại nào đó của địa phương, khi tốc độ, quy mô khai thác các mỏ vật liệu quá lớn, khiến địa phương lo ngại không đảm bảo cân đối cho các quy hoạch xây dựng, phát triển trong tương lai, cũng như vấn đề tác động môi trường? Bởi với các dự án thần tốc, việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường có thể cũng chưa đầy đủ toàn diện. Tiềm năng khai thác trên con số khảo sát và công suất khai thác được cấp phép có thể khác nhau.

Với sự tham gia của Bộ Tài nguyên và môi trường, những nghi ngại (nếu có) liên quan đến khía cạnh môi trường có thể được loại trừ.

Với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn về quy hoạch xây dựng, những băn khoăn (nếu có) của địa phương về nguồn vật liệu cho các dự án sau này, có thể được giải tỏa.

Còn đối với các địa phương trong diện cung cấp vật liệu cho dự án mà cao tốc không đi qua, có hay không sự thiếu sẵn sàng cho các nhiệm vụ chung của đất nước, khi họ chưa thấy lợi ích trực tiếp và trước mắt từ dự án này?

Với một đất nước 3/4 diện tích tự nhiên là đồi núi và cao nguyên, tài nguyên khoáng sản dồi dào, việc kêu thiếu vật liệu làm đường được các chuyên gia cho là điều rất khó thuyết phục.

Ngay cả các lý do mà Bộ Giao thông và các nhà thầu đưa ra cho đến lúc này, cũng khá khó hiểu. Vì nếu quả đúng như vậy, thì công tác chuẩn bị cho dự án là có vấn đề.

Chính phủ sẵn sàng tạo cơ chế và kiến nghị cơ chế. Các chỉ đạo cho đến nay đều rất rốt ráo và đầy quyết tâm. Phần chính yếu của việc tháo gỡ những vướng mắc về vật liệu, có vẻ đang nằm ở sự phối hợp.

Mà trong sự phối hợp này, đến nay, gần như chỉ có Bộ Giao thông lên tiếng. Thủ tục, thời gian, gia hạn khai thác… có thể chỉ là các biểu hiện bên ngoài.

Vấn đề là, làm thế nào để “phá băng” sự im lặng của các địa phương, để biết, cái gì thực sự đang… “thắt nút” sự sẵn sàng của họ.