Đi lại an toàn trong mùa họp lớp, liên hoan cuối năm

Cuối năm, công việc dồn đống, stress tăng cao, lại vào mùa các buổi họp lớp, liên hoan cuối năm. Nhiều người có tâm lý lơ là trong việc sử dụng rượu bia. Đặc biệt là việc lái xe sau khi uống đồ uống có cồn.

Làm thế nào để hạn chế nguy cơ TNGT liên quan đến rượu bia? Cách nào để tiết chế và làm chủ được bản thân, không sa đà vào rượu bia, đảm bảo tham gia giao thông an toàn. 

“Kinh hoàng” - đó là cảm giác của anh M.T mỗi khi nhắc về chuyện ô tô của gia đình bị xe máy của một tài xế say xỉn đâm vào cách đây 2 năm.

Đó cũng là lý do khiến anh thay đổi quan niệm về việc điều khiển phương tiện giao thông mỗi lần tụ tập bạn bè. Hiện tại, khi đi hội họp, ăn nhậu, anh T. đều chủ động gọi taxi để cuộc vui được trọn vẹn.

“Tôi đi họp thì tôi đi xe ôm hay grab thôi, không lái xe nữa. An toàn cho mình, an toàn cho mọi người. Nhiều người ở đằng sau có phải mình đâu, còn người thân bị ảnh hưởng nữa”.

Từ bỏ thói quen điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia đang dần dần được nhiều người tiếp nhận. Mặc dù vậy, tình trạng người lái xe với nồng độ cồn trong máu ở mức cao vẫn còn khá phổ biến.

Anh V.Đ, một tài xế xe công nghệ ở Thường Tín, Hà Nội chia sẻ, không ít lần anh chứng kiến các vụ tai nạn giao thông mà người gây tai nạn, thậm chí là cả nạn nhân, đều nồng nặc mùi rượu trên người.

“Mình cũng gặp tương đối nhiều vụ tai nạn do rượu bia, giảm cũng không đáng kể. Nếu người nào do men mà không làm chủ được mà chẳng may tử vong thì thiệt cho người nhà, gia đình, vợ con. Gần nhà cũng mới có vụ tai nạn, cũng vì rượu bia, vừa chết xong”.

E ngại ra đường vào các buổi chiều tối, đặc biệt vào thời điểm cuối tuần, đã không còn là xa lạ với nhiều người. Ngoài việc dành thời gian cho gia đình, một nguyên nhân không nhỏ là nỗi lo về những hung thần trên đường có thể xuất hiện ngay sau khi vừa bước ra khỏi quán nhậu.

Anh N.S cho rằng, chính sự chủ quan của một bộ phận người dân trong việc sử dụng rượu bia đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra những hậu quả không thể lường trước:

“Người dân chống chế nhiều hơn là thực hiện. Đi ăn, uống, nhậu cách 2-3 km mà không có công an thì họ nghĩ không sao, vẫn đi được. Còn chấp hành thì họ hóng theo đợt, đợt này cảnh sát làm gắt thì họ bớt đi.

Thỉnh thoảng buổi tối có xe điên, là do uống nhiều, lái ẩu về đêm thì gây tai nạn thôi. Như bọn mình đi ô tô đâm nhau thì ít ra người an toàn hơn, nhưng trẻ con, người già, người đi bộ vỉa hè thì nhiều khi có xe lao cả vào nhà dân, lao cả lên vỉa hè”.

Việc sử dụng rượu bia được “biến tấu” bởi các trào lưu hội họp, tụ tập

Chuyên gia văn hóa, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, văn hóa giao thông của người Việt chưa cao, từ việc đơn giản như chấp hành tín hiệu đèn giao thông, đến việc không lái xe sau khi sử dụng rượu bia. Đặc biệt là hiện nay, việc sử dụng rượu bia được “biến tấu” bởi các trào lưu hội họp, tụ tập. Đây là điều cần phải điều chỉnh, thay đổi trong 1 xã hội văn nh, hiện đại.

“Rất nhiều người đi sai đường, mà khi đi lại uống rượu bia. Đến lúc đo nồng độ cồn rất hay cãi. Những người cần điều chỉnh không chỉ còn là những ông uống rượu bia đâu, mà phải là cảnh sát giao thông. Phải có đủ công cụ để đo, cứ nồng độ cao là bắt”.

Từng nhiều năm làm Tổ trưởng xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội), Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ đã xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn, và đa phần không dễ để ra quyết định xử phạt, do người vi phạm tìm đủ mọi cách để chống đối, chối tội, hoặc gọi điện nhờ can thiệp.

Thượng tá Quỹ nêu nguyên tắc làm việc: “Trường hợp cán bộ chiến sỹ có người quen can thiệp khi nghe điện thoại thì giải thích rằng: Chúng tôi đang thực thi pháp luật, đề nghị anh chị, cô bác tạo điều kiện ủng hộ chúng tôi vì hành vi của lái xe đã gây nguy hiêm và nếu không xử lý thì sẽ thành tiền lệ, chính vì vậy chúng tôi lập biên bản theo quy định của pháp luật. Nếu có quan hệ hoặc có tình tiết khác thì đề nghị giải trình hoặc đến giải quyết sau, trên cơ sở đó có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để xem xét”.

Ông Khương Kim Tạo – Nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định, cần tìm giải pháp ngay từ nơi người dân sử dụng rượu bia. Có thể là kết hợp tuyên truyền các chủ nhà hàng khuyến cáo khách sử dụng taxi hoặc phương tiện thay thế xe cá nhân, đồng thời triển khai “mắt thần” camera để nâng cao tính tuân thủ tự giác.

“Những người nào uống rượu bia thì không được lái xe. Việc này chúng ta nên có camera giám sát tại các quán rượu bia, nơi đông người ra vào. Chúng ta phạt nguội và xử lý, nhưng mục tiêu không phải xử phạt nhiều, mà là tăng cường giáo dục con người, kiểm soát hành vi con người. Điều này nên làm”.

Các chuyên gia đều nhấn mạnh, những tháng cuối năm là dịp họp lớp, liên hoan cuối năm nên nhu cầu tiêu thụ rượu bia rất lớn. Do đó, công tác tuyên truyền, xử lý cần tiếp tục tăng cường để nhấn mạnh những nguy cơ có thể xảy ra khi người dân quá chén, từ đó giảm thiểu TNGT có thể xảy ra liên quan tới rượu bia.

Để không xảy ra những sự việc đau lòng, tai nạn liên quan tới rượu bia, để những cuộc gặp gỡ, chúc tụng trở nên trọn vẹn, cách tốt nhất là từng hội nhóm, bạn bè nên nhắc nhở, bảo ban nhau về các biện pháp giữ mình an toàn khi bước vào mua họp lớp, liên hoan

Bảo ban nhau giữ mình mùa họp lớp

Khi nội dung này lên sóng, người viết đang tham dự một cuộc họp lớp nhân ngày hiến chương các nhà giáo, đồng thời kỷ niệm một tập thể đã gắn bó với nhau 20 năm qua.

Dĩ nhiên, một trong những chủ đề bàn tán sôi nổi là ăn gì và uống gì? Việc đi lại như thế nào? Ai đến đón ai, có tiện đường không?

Một tín hiệu đáng mừng là hầu hết các thành viên trong lớp phổ thông đều nhắn nhủ nhau rằng, nên rút kinh nghiệm từ lần họp lớp trước cách đây vài năm.

Khi đó, một nửa lớp tự lái xe tới, một nửa còn lại bắt xe ôm hoặc taxi. Cuộc vui đã không thể trọn vẹn vì những nghi ngại liên quan tới chặng đường về nhà. Khi tiệc tàn, không ai chắc những người tự lái xe cá nhân có đủ tỉnh táo và trở về an toàn.

Do đó, nhiều sáng kiến đã nảy ra trong năm nay, như đi taxi, xe công nghệ ghép chuyến. Thậm chí, những người ở cùng một khu vực còn rủ nhau cùng đi một chuyến xe buýt đến điểm hẹn, vừa vui vừa yên tâm.

Những cá nhân tự lái xe đến, sẽ được lớp trưởng và ban tổ chức từ chối cung cấp đồ uống có cồn trong suốt buổi liên hoan. Và những người không uống rượu bia này sẽ nằm trong ban liên lạc sau họp lớp, phụ trách việc đưa các bạn cùng đường về hoặc đảm bảo thông tin tất cả lớp đã ra về an toàn.

Những nội quy này được tất cả thành viên tán đồng. Vừa giúp mọi người chấp hành nghiêm quy định “đã uống rượu bia thì không lái xe”, đồng thời giúp cả những người thích uống có thể an tâm tham dự liên hoan.

Thực tế, những người ủng hộ mạnh nhất cho các ý tưởng cũng chính là những người mang theo đồ uống có cồn đến buổi tiệc. Trong số họ, có người được vợ/người yêu bắt buộc phải gọi taxi đi. Có người tự cảm thấy không đủ tỉnh táo, tập trung và sức khỏe để đi xe đến. Cũng có người từng nhận bài học thích đáng, đã bị ngã xe trước đây do lái xe sau khi ăn nhậu.

Việc các thành viên nói không với xe cá nhân khi đi họp lớp với lý do an toàn, chứ không phải vì tâm lý sợ bị công an dừng xe, xử phạt – Nó cho thấy nhận thức và chuyển biến hành vi rõ rệt hiện nay.

Điều đó cũng chứng nh cho hiệu quả của truyền thông nhóm. Bạn học, bạn liên hoan, bạn nhậu hoàn toàn có thể tác động sâu sắc đến thói quen của người điều khiển phương tiện giao thông.

Cuối năm đang đến, chắc chắn công việc dồn đống sẽ khiến nhiều người lâm vào trạng thái stress. Đây cũng là dịp nhiều cuộc liên hoan gặp mặt diễn ra. Vì vậy, việc quá chén, mất kiểm soát hành vi khi nhậu nhẹt nhằm xả hơi, giảm áp lực là một quy luật tất yếu.

Để không xảy ra những sự việc đau lòng, tai nạn liên quan tới rượu bia, để những cuộc gặp gỡ, chúc tụng trở nên trọn vẹn, cách tốt nhất là từng hội nhóm, bạn bè nên nhắc nhở, bảo ban nhau về các biện pháp giữ mình an toàn khi bước vào mua họp lớp, liên hoan.