Đề xuất xây dựng phần mềm tự động gia hạn cấp, đổi phù hiệu xe kinh doanh vận tải

Với đề xuất đổi, thu hồi phù hiệu của Sở GTVT Hà Nội, nhiều tài xế cho hay, sẽ tạo thuận lợi đáng kể cho tài xế và doanh nghiệp:

Đối với các loại xe kinh doanh vận tải, tài xế cần làm thủ tục xin cấp phù hiệu xe. Ảnh: LĐO

Nhiều năm tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô với hình thức góp vốn vào hợp tác xã vận tải, nên mỗi lần đổi phù hiệu, tài xế Nguyễn Ngọc Hùng, ở Thanh Xuân, Hà Nội lại tốn một khoản phí với hợp tác xã. Trong khi đó, Sở GTVT Hà Nội đều thông báo việc đổi phù hiệu không mất phí.

Bởi vậy, với đề xuất đổi, thu hồi phù hiệu của Sở GTVT Hà Nội, tài xế Nguyễn Ngọc Hùng cho hay, sẽ tạo thuận lợi đáng kể cho tài xế và doanh nghiệp: "Bên HTX họ thu 300.000 mỗi lần thay đổi phù hiệu hợp đồng, hợp tác xã chỉ bảo là thu cái này là thu cho việc đổi phù hiệu hợp đồng với tiền hỗ trợ bến bãi, chi phí đi lại…".

Ông Nguyễn Công Hùng, Tổng giám đốc Taxi Mai Linh ền Bắc cũng cho biết, phù hiệu xe taxi có thời hạn 2 năm, mỗi lần gia hạn, doanh nghiệp phải tập hợp danh sách phương tiện để gửi Sở GTVT. Với số lượng phương tiện lên đến hàng trăm xe, dù tiến hành trực tuyến, song doanh nghiệp cũng phải tốn nhiều thời gian để nộp hồ sơ, chờ đợi và dán phù hiệu mới theo quy định. Do đó, nếu việc gia hạn, thu hồi phù hiệu được cấp tự động, cơ quan quản lý sẽ tập trung vào việc kiểm tra, hậu kiểm để nâng cao hiệu quả quản lý:

"Doanh nghiệp đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải thì mặc định vào hệ thống tự động để gia hạn các thứ thì đều đã nằm trong hệ thống điện tử và cứ đến thời gian là người ta tự động gia hạn. Đây là việc làm dựa trên cái ứng dụng KHCN vào, là tốt thôi", ông Hùng cho biết.

Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cũng mong muốn việc áp dụng công ghệ được đẩy mạnh, vừa giảm thời gian, công sức cho người dân và doanh nghiệp, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.

"Trong việc áp dụng công nghệ vào quản lý là điều đương nhiên. Nó sẽ giúp doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước có những bước tiến về quản lý, về thống kê. Tuy nhiên, việc không kiểm tra mà cấp phù hiệu thì cũng nên cho một số doanh nghiệp không có những vi phạm, nhưng sau đó nên có những hậu kiểm để đảm bảo hoạt động chung cho thị trường taxi', ông Quân nói.

Ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, hiện việc cấp, cấp đổi và cấp lại phù hiệu, biển hiệu cho xe kinh doanh vận tải trên địa bàn Thành phố đang được triển khai qua hệ thống nghiệp vụ quản lý vận tải của Bộ GTVT. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn còn một số tồn tại, như: người dân, doanh nghiệp mất thời gian đi lại, mất thời gian thực hiện các thủ tục hành chính như nộp hồ sơ, tiếp nhận, thụ lý hồ sơ và trả kết quả giải quyết hồ sơ. Do vậy, Sở GTVT Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT xây dựng, nghiên cứu phần mềm tự động cấp đổi, cấp lại và thu hồi biển hiệu, phù hiệu cho xe kinh doanh vận tải.

"Việc ứng dụng công nghệ này sẽ giải quyết được các tồn tại như: thời gian đi lại của người dân và doanh nghiệp để giải quyết thủ tục hành chính. Thứ 2 là nâng cao được hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải và lúc này cơ quan quản lý nhà nước chỉ tập trung vào hậu kiểm và giám sát hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải; tạo được môi trường công khai, nh bạch trong việc giải quyết thủ tục hành chính", ông Đào Việt Long cho biết.

Ông Đào Việt Long cũng cho hay, với khoảng hơn 144.000 xe kinh doanh vận tải trên địa bàn Thành phố, trong đó có gần 58.600 xe vận tải hành khách, mỗi tháng bình quân đơn vị phải cấp phù hiệu cho khoảng 2.000 xe. Nếu các thủ tục này được thực hiện tự động, sẽ giảm áp lực đáng kể cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.