Để không “lạc lối” trong hội nhóm “ảo”

Các hội, nhóm tiêu cực xuất hiện trên không gian mạng có xu hướng ngày càng gia tăng đang gây tác động xấu đối với người sử dụng mạng nói riêng và việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội nói chung.

Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, cũng như đặt ra yêu cầu mỗi người dân khi tham gia mạng xã hội phải hết sức tỉnh táo “Để không “lạc lối” trong hội nhóm “ảo”".

Những "tút" lôi kéo đánh bạc và buôn bán phụ nữ... - Ảnh chụp từ màn hình

Chỉ một cú kích chuột, có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn các hội, nhóm mà người tìm kiếm cần sẽ hiện ra theo thứ tự gần và sát nhất với nhu cầu. Vì dễ dàng như vậy nên không ít người dùng mạng xã hội hiện nay đang tham gia, theo dõi một hoặc nhiều hội nhóm “ảo”.

Các hội nhóm được hình thành trên nền tảng các mạng xã hội hiện nay như zalo, facebook, telegram có số lượng thành viên rất đông. Trong số đó, có một số lượng đáng kể các hội nhóm kín thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Đáng lưu ý là cách thức tổ chức, hình thức dẫn dụ, lôi kéo, kích động trong các hội nhóm này đã có nhiều thay đổi tinh vi hơn như trong một hội nhóm có thể có rất nhiều clip ảo, nick ảo và kịch bản thiết lập sẵn nhằm khiến người dùng tin rằng mình đang có những người bạn cùng đam mê, cùng sở thích.

Hơn thế, hội nhóm trên mạng xã hội dễ gây được hiệu ứng đám đông nên một lời kêu gọi, rủ rê rất nhanh nhận được sự hưởng ứng. Điều này khiến nhiều người dùng mạng xã hội “lạc lối”.

Những vụ cướp ngân hàng, cướp tài sản táo tợn liên tục xảy ra trên địa bàn các tỉnh thành thời gian qua mà các đối tượng phạm tội đều khai quen biết nhau qua “hội những người vỡ nợ muốn làm liều” cho thấy, những hội nhóm trên mạng xã hội thực sự đã trở thành mảnh đất cho tội phạm nảy sinh khi không thiếu những thành phần phức tạp trà trộn lôi kéo, cổ xúy, kích động các thành viên thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Đáng báo động là trong đó có rất nhiều người trẻ, sinh viên, trí thức… cũng đã đi lầm đường.

Sự phức tạp trong các hội nhóm “ảo” cho thấy mỗi người cần cân nhắc kỹ trước khi tham gia vào hội nhóm và nên tỉnh táo rời đi nếu cảm thấy đây là môi trường không lành mạnh. Bởi đằng sau mục đích muốn tìm kiếm những người cùng chia sẻ, rất có thể những người lập ra những hội nhóm này còn có động cơ trục lợi, và nếu khi tham gia không làm chủ bản thân, những hội nhóm này sẽ là "con dao hai lưỡi" gây ra những hậu quả đáng tiếc cho bản thân người dùng.

Để ngăn chặn các vụ việc vi phạm pháp luật có thể xảy ra trong thời gian tới, lực lượng chức năng cần rà soát các vấn đề nổi lên trên không gian mạng, hoạt động của các hội nhóm tội phạm online để đấu tranh, xử lý kịp thời, có biện pháp răn đe đối với những đối tượng coi thường pháp luật.

Đặc biệt, cần có thêm hàng rào kỹ thuật để tự động lọc bỏ những thông tin độc hại, những hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng tới các thành viên trong hội nhóm; đồng thời có thể tính đến biện pháp để định danh một cách triệt để người sử dụng mạng khiến người dùng, trong đó có người trẻ có trách nhiệm “thật” trong môi trường “ảo”

Với những em chưa đủ tuổi vị thành niên, chưa đủ năng lực chịu trách nhiệm về hành vi, gia đình, trường học, các tổ chức xã hội giữ một vai trò quan trọng như những “người gác cửa” để phát hiện, cảnh báo và trợ giúp lọc những thông tin độc hại, những hội nhóm có ảnh hưởng tiêu cực đến con em mình.

Kỹ năng sử dụng mạng xã hội trong nhà trường cần được đưa vào chương trình dạy và học từ sớm và thường xuyên hơn nữa để thông qua hoạt động giáo dục giúp các em nhận biết được những ưu điểm và hạn chế của mạng xã hội trong đó có các hội nhóm online, từ đó tránh được những điều tiêu cực, độc hại từ các nền tảng này.

Đây cũng các giải pháp căn cơ cần được thực hiện thường xuyên, đồng bộ, và phải qua quá trình lâu dài mới có thể nhìn thấy hiệu quả. Chỉ khi mỗi người sử dụng mạng xã hội ý thức được trách nhiệm của mình, chủ động với hành vi của mình... thì các hội nhóm trên mạng mới không còn “đất” để nảy sinh các hoạt động vi phạm pháp luật.