Để đưa Taxi thành phương tiện công cộng cần những điều kiện gì? (Kỳ 3)

VOVGT- Cần phải làm gì để đưa taxi thực sự trở thành một loại hình phương tiện công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và góp phần hạn chế xe cá nhân?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Trên địa bàn thành phố Hà Nội còn thiếu nhiều điểm đỗ xe taxi 

Phát biểu tại các cuộc họp liên quan của Bộ GTVT và Sở GTVT HN, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội nhiều lần nhấn mạnh, trong khi đa số đô thị thế giới coi taxi là phương tiện công cộng, thì tại VN, loại hình này còn được nhận diện là phương tiện cá nhân, dẫn đến việc sắp xếp số lượng, hoạch định còn bất hợp lý.

Đồng tình về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hòa, một đại diện hoạt động trong lĩnh vực vận tải taxi nêu thực tế, thời gian vừa qua, chính sách phát triển và quản lý giao thông của thủ đô còn tồn tại sự phân biệt với vận tải taxi.

Ông Hòa nói: “Xe taxi chưa được ưu tiên vì nước mình chưa nghĩ là phương tiện công cộng. Các nước văn nh nước ngoài người ta tính là phương tiện công cộng nên người ta được ưu tiên, mình chưa tính nên chưa được ưu tiên. Trước đây có rất nhiều điểm cho taxi nhưng giờ thu lại hết, và cắm biển cho bãi đỗ xe đậu lan tràn. Mà vào các sảnh bệnh viện bây giờ người ta cho thuê, đỗ vào lốt là có hết rồi nên rất khó khăn cho lái xe taxi trong việc trả khách, đón khách.”

 

Trước thực tế này, ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội đã có những trao đổi cụ thể về các yêu cầu đặt ra để taxi thực sự được coi là một phương tiện vận tải hành khách công cộng ở nước ta.

Ngay sau đây là nội dung chi tiết:

 

PV: Thưa ông Nguyễn Trọng Thông, việc taxi chưa được coi là một phương tiện công cộng theo đúng nghĩa đang làm nảy sinh các vấn đề gì cho đô thị thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Thông: Taxi Hà Nội hiện nay vẫn đang phát triển tự do, khó kiểm soát. Thực tế, loại hình này bắt đầu xuất hiện tại thủ đô từ những năm 1995-1996 của thế kỷ trước với số lượng khoảng vài trăm xe, sau đó bủng nổ vào giai đoạn 1997-1998 và phát triển cho đến nay. Tuy nhiên, hiện nay, sau hơn 20 năm phát triển, các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học vẫn chưa có quan điểm thống nhất khi nhận diện về loại hình này, chưa khẳng định được là taxi thuộc về phương tiện vận tải cá nhân hay vận tải hành khách công cộng. Đây là bất cập rất lớn.

Bởi vậy, taxi mình phải khẳng định thuộc vào loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng nhỏ. Bởi vì một xe taxi có hoạt động, chở trong một ngày được nhiều người, có thu tiền thì phải là vận tải công cộng. Xe cá nhân là xe của nhà, của cá nhân, mỗi chuyến đi chỉ phục vụ cho cá nhân, không tham gia về mặt tài chính cho nên không thể đánh đồng taxi vào xe con, xe cá nhân được.

PV: Theo ông, để đạt được mục tiêu như ông vừa nói, theo ông, các đô thị nước ta cần phải có những điều kiện gì để đáp ứng được?

Ông Nguyễn Trọng Thông: Nếu khẳng định taxi là vận tải hành khách công cộng thì có các giải pháp quản lý được số lượng, chất lượng phương tiện như xe buýt, và có cách quản lý điều tiết hoạt động trong đô thị của nó. Khi đã nhận định được taxi là vận tải hành khách công cộng thì ta sẽ có ứng xử với nó làm sao cho phù hợp, và có cơ chế chính sách ưu đãi phát triển, quản lý nó. Đến lúc đó sẽ biết cho phép taxi được đỗ vào điểm dừng đỗ như thế nào cho phù hợp.

PV: Xin cảm ơn những ý kiến của ông với chương trình.

Vấn đề cần ưu tiên nhất là giải quyết việc thiếu diện tích đón trả khách cho vận tải taxi tại các công trình công cộng

Các ý kiến cho rằng, đã đến lúc, cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền đô thị phải xem xét phát triển, kiểm soát và quản lý vận tải taxi theo hướng coi đó là một loại hình vận tải công cộng chính thống.

Để làm được điều này, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội đề xuất, trước mắt, vấn đề cần ưu tiên nhất là giải quyết vấn đề thiếu diện tích đón trả khách cho vận tải taxi tại các công trình công cộng, đặc biệt phải ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu các công trình này để đảm bảo việc thực thi trong thực tế.

Ông Bình nhấn mạnh: “Bây giờ phải có cách giải quyết. Không thể nào thành phố lại không dành ra cho lực lượng xe này có vị trí đón khách. Có thể có cách 1 tháng thu của lái xe taxi 50-70 nghìn đồng rồi cho phép họ được vào những điểm trông giữ xe để đón khách, hoặc bên cạnh, chọn các vị trí cho taxi được vào đón trả khách 5-10 phút.

Các trung tâm thương mại, thành phố phải quy định phải dành ra quỹ đất nhất định để taxi đi vòng từ từ đón khách. Yêu cầu bệnh viện trên địa bàn dành vị trí đường ra, đường vào để cho taxi vòng qua để đón khách.

 

Ngoài ra, để phát triển taxi phù hợp với mạng lưới công cộng hiện hành, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội đã có văn bản đề xuất giải pháp cho phép xe buýt, taxi hoạt động trên các đoạn đường cấm ô tô; đồng thời nghiên cứu thử nghiệm cho taxi đón trả khách tại một số điểm dừng xe buýt, thời gian dừng đón khách mỗi lần không quá 30 giây và cứ 3 điểm dừng xe buýt thì có một điểm đón taxi.

Ngoài ra, về lâu dài, các cấp chính quyền cần chú trọng bố trí, quy hoạch điểm dừng đỗ taxi tại các khu vực công cộng, cũng như trong từng khu dân cư, từ đó từng bước ổn định hoạt động taxi, tạo điều kiện tiếp cận thuận lợi và an toàn hơn cho người dân trong thời gian tới.