Để du lịch không còn “người làm, kẻ phá"

Ngay từ hội nghị du lịch cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cảnh báo: Làm du lịch không phải “ăn xổi ở thì”, bởi như vậy khách chỉ đến được vài lần, không thể bền vững.

Lời cảnh báo ấy không mới, nhưng vẫn đang đặt ra câu hỏi lớn với ngành du lịch về giải pháp “chặt đứt” tư duy làm ăn “chụp giật”.

 

Có một thói quen, kinh nghiệm được rất nhiều người đi du lịch trong nước ghi nhớ và áp dụng là: hỏi giá trước khi sử dụng. Thói quen này cho thấy hai vấn đề: một là tình trạng “chặt chém” du khách, dù đã giảm với nỗ lực của các ban, ngành chức năng nhưng vẫn còn khá phổ biến. Hai là tâm lý cẩn trọng của du khách, thậm chí là mất niềm tin với dịch vụ tại các khu du lịch.

Nhìn rộng hơn, việc hỏi giá trước khi sử dụng không chỉ diễn ra trong hoạt động du lịch mà còn ở hầu hết hoạt động mua bán, kinh doanh nhỏ lẻ. Người mua mặc cả vì sợ “hớ”, còn người bán “nói thách” để được giá cao, thậm chí có tâm lý bắt chẹt, lừa lọc người nước ngoài, du khách đến từ phương xa.

Dù nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng xử lý và công bố rộng rãi nhưng các đối tượng vẫn bất chấp tất cả để có được cái lợi trước mắt, với suy nghĩ chỉ cần bán một lần và “biến mất” sau khi vi phạm.

Du lịch đang phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” được nhiều địa phương chú trọng. Nhiều doanh nghiệp lớn, đơn vị cung cấp dịch vụ chất lượng và uy tín đã xây dựng hình ảnh du lịch địa phương.

Tuy nhiên, công sức nhiều người làm có thể đổ bể bởi một vài kẻ “phá”. Điển hình là trường hợp suất bún chả 35.000 đồng ở Sầm Sơn vừa qua có thể làm uổng phí nỗ lực nhiều năm của chính quyền địa phương và các đơn vị làm ăn chân chính trong việc xóa bỏ tiếng xấu về nạn “chặt chém”.

Chính vì vậy, để “chặt đứt” tư duy làm du lịch “chụp giật”, cần tập trung giải pháp kiểm tra, xử lý, đặc biệt ở nhóm tiểu thương, người làm dịch vụ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ. Đầu tiên, các địa phương cần có những quy định cụ thể để xác định vi phạm trong hoạt động du lịch, đặc biệt là khái niệm “chặt chém” du khách.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cần được thực hiện trong việc chỉ dẫn cụ thể cho du khách về những địa điểm có chất lượng tốt, đồng thời cảnh báo về những cơ sở, hành vi ''chặt chém'' du khách (Ảnh nh họa)

Yêu cầu các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ ký cam kết về chất lượng phục vụ, niêm yết giá cả công khai, kèm theo hình ảnh trong trường hợp cần thiết để tránh tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”. Đi kèm với đó là những chế tài xử phạt mạnh, tạo sức răn đe, thậm chí có thể xử lý hình sự với tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong những trường hợp có giá trị lớn, gây bức xúc dư luận.

Khi đã có quy định cụ thể, các địa phương cần duy trì lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm thường xuyên, liên tục, thông qua việc rà soát trực tiếp, xác nh thông tin phản ánh qua các kênh tiếp nhận được công bố công khai, rộng rãi như: SĐT đường dây nóng, trang mạng xã hội,…

Không chỉ chờ phản ánh, lực lượng này cần chủ động xử lý những vụ việc “nổi cộm” được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng, sau đó công bố thông tin trên nhiều kênh truyền thông khác nhau, đặc biệt là các hội nhóm có đông người theo dõi, từ đó tạo niềm tin trong nhân dân và khiến các đối tượng không dám “chặt chém” dù chỉ trong ý tưởng.

Bênh cạnh việc xử phạt nghiêm, chính quyền và cơ quan quản lý du lịch các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cá nhân, tổ chức làm dịch vụ để họ nắm rõ các quy định của pháp luật, ý nghĩa của việc phát triển du lịch bền vững và những lợi ích lâu dài về kinh tế mà chính họ sẽ có được khi chung tay xây dựng điểm đến thu hút du khách, đặc biệt là những du khách quay trở lại nhiều lần.

Từ phía những người làm du lịch, cần đặt sự tôn trọng khách hàng lên hàng đầu, cung cấp thông tin, trao đổi rõ ràng để tránh những hiểu nhầm và tranh cãi không đáng có. Thực hiện yêu cầu này còn thể hiện trách nhiệm của người làm du lịch với cộng đồng người làm nghề, không vì hành động của bản thân mà ảnh hưởng đến hình ảnh cả khu vực, trong bối cảnh khách hàng ngày càng thông thái và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ cũng cần được các địa phương thực hiện trong việc chỉ dẫn cho du khách. Những trang fanpage “tích xanh” giới thiệu về những điểm tham quan, vui chơi, ẩm thực, nghỉ dưỡng,… đặc sắc của địa phương, có chất lượng tốt cùng các mức giá khác nhau, đồng thời nêu tên những địa điểm, hành vi vi phạm sẽ giúp cho du khách có được lựa chọn tốt nhất.

Và cuối cùng, bênh cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ thì không thể thiếu sự góp sức của chính du khách, với việc xóa bỏ tâm lý nể nang, ngại va chạm để lên tiếng góp ý, phản ánh, tố giác vi phạm, góp phần xóa bỏ tư duy làm du lịch theo kiểu “chụp giật” đã tồn tại bấy lâu nay./.