Để doanh nghiệp buýt truyền thống không bị động

Nếu không sớm có kế hoạch mở tuyến mới được công bố rộng rãi, cùng với trạm tiếp nhiên liệu sạch, việc tham gia đấu thầu mở tuyến mới sẽ thiếu sự cạnh tranh khi các doanh nghiệp xe buýt truyền thống thiếu sự chủ động cần thiết.

Theo lộ trình về chuyển đổi năng lượng xanh, các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đều có kế hoạch chuyển đối phương tiện sử dụng năng lượng sạch khi thay mới phương tiện từ năm 2025. Ảnh: Hà Nội mới

Từ năm 2018, khi 3 tuyến xe buýt đầu tiên chạy bằng khí CNG chính thức được vận hành tại Hà Nội, hành khách đã hứng khởi đón nhận một loại hình phương tiện khác lạ: chạy êm, ít tiếng ồn và rung lắc, đặc biệt giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tiếp đó, cuối năm 2021, thêm loại hình xe buýt điện cũng được đưa vào khai thác, tạo niềm tin cho hành khách về những loại hình xe buýt sử dụng năng lượng sạch sẽ dần thay thế xe buýt sử dụng nhiên liệu truyền thống.

Quyết định 876/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi năng lượng xanh của ngành GTVT càng góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng có thêm động lực thay thế dần phương tiện sử dụng xăng truyền thống sang phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch. Việc lộ trình đã có một bước đệm từ nay đến 2030, yêu cầu các phương tiện phải thay mới dùng năng lượng xanh đó là một sự chuẩn bị kỹ càng, quan trọng để thay dần xe buýt sạch, giúp cho các doanh nghiệp vận tải không bị động.

Tuy vậy, doanh nghiệp thực sự mới chỉ chủ động trong việc thay thế phương tiện xe buýt đang hoạt động thông qua theo dõi niên hạn sử dụng để thay mới phương tiện hàng năm. Song đối với tuyến mở mới, nếu cơ quan quản lý không công bố sớm, doanh nghiệp xe buýt truyền thống sẽ khó chủ động cho việc đầu tư mới phương tiện, kịp tham gia đấu thầu. Bởi trong nước hiện nay hầu như chưa có đơn vị sản xuất, lắp ráp xe buýt điện, mới chỉ có Công ty Vinfast nhập khẩu, lắp ráp để sử dụng.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT mới chỉ ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô khách, chưa có Quy chuẩn riêng cho xe buýt điện. Mỗi mẫu xe buýt điện nhập khẩu phải thẩm định riêng. Do vậy, việc nhập khẩu, lắp ráp sản xuất sẽ mất nhiều thời gian và chi phí cao hơn các loại xe buýt thông dụng. Vì vậy, với các doanh nghiệp xe buýt truyền thống, để triển khai xe buýt điện, cần có sự chuẩn bị trước về thời gian và phải có quy chuẩn về xe buýt điện.

Thêm vào đó, việc xây dựng trạm tiếp nhiên liệu cũng không hề đơn giản. Với doanh nghiệp buýt truyền thống, khi chuyển sang phương tiện năng lượng sạch, họ phải bố trí diện tích tại các điểm đầu cuối để xây dựng trạm nạp và chỗ đỗ cho xe dừng nạp và nguồn điện công suất cao để xe dừng đỗ và nạp bổ sung, nếu một xe bị chậm giờ có thể dẫn tới ảnh hưởng cả tuyến không đủ thời gian nạp điện trên tuyến, dẫn đến biểu đồ vận hành phục vụ hành khách bị phá vỡ.

Mặc dù Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo Thành phố chỉ đạo Sở Công thương có kế hoạch đầu tư, bố trí, lắp đặt các trạm sạc điện, trạm tiếp khí CNG tại các cây xăng để phục vụ việc tiếp năng lượng đối với các xe buýt điện, xe buýt CNG. Tuy vậy, với chi phí xây dựng một trạm nạp khí CNG lên đến hàng triệu USD như đã xây dựng tại Công ty Bảo Yến, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện và sẵn sàng triển khai.

Đó là chưa kể diện tích đất tại các cây xăng trong khu vực nội thành chật hẹp, khó đáp ứng yêu cầu xây dựng trạm sạc điện, nạp khí cho xe buýt sử dụng năng lượng sạch.

Do đó, nếu không có sự chuẩn bị kỹ, chỉ trông vào các doanh nghiệp có sẵn (Vinbus, Bảo Yến) sẽ khó có sự chủ động cho các doanh nghiệp tham gia sau này.

Bởi thế, các địa phương cần sớm có lộ trình và công bố kế hoạch mở mới tuyến, cùng với những công việc cụ thể đi kèm, từ việc cơ chế hỗ trợ về quỹ đất, đến xây dựng trạm tiếp nhiên liệu, để xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch thân thiện môi trường trở thành một trong những giải pháp hiện thực hóa giấc mơ về một đô thị xanh, an toàn, văn nh./.