Đặt đúng tên cho “xe đưa đón"

Nếu tổ chức tốt mạng lưới xe buýt trường học, giảm thiểu chuyến đi chéo, giảm thời gian ngồi trên xe để thu hút học sinh sử dụng xe buýt trường học, sẽ giảm thiểu số lượng chuyến đi vào các giờ cao điểm, qua đó góp phần hạn chế đáng kể tình trạng ùn tắc trên địa bàn Thành phố.

Ảnh nh họa

Xe buýt trường học trước hết với tư cách là một phương tiện giao thông công cộng, có sức chở nhiều người (từ 16 chỗ trở lên), nên có ưu thế lớn trong việc đảm bảo an toàn, giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường.

Nó mang những đặc trưng của giao thông công cộng, tức là hoạt động ổn định về thời gian, cố định lộ trình tuyến và điểm đón trả.

Buýt trường học cũng mang đầy đủ các ưu thế của giao thông công cộng, đó là giúp giảm bớt ùn tắc, tăng tính an toàn, giảm ô nhiễm môi trường, giảm thiểu các thiệt hại về thời gian và chi phí do ùn tắc gây ra cho địa phương cũng như phụ huynh học sinh.

Với trẻ em, buýt trường học còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Ngoài việc đảm bảo sức khỏe và an toàn cho trẻ đến trường, việc sử dụng xe buýt đến trường là một cách giáo dục ý thức và kỹ năng giao thông công cộng cho các em, đồng thời giúp chúng kết nối với nhau tốt hơn, ở những đô thị mà guồng quay của học hành và nhịp sống hối hả đang khiến chúng ngày càng ít bạn.

Tuy vậy, dịch vụ này lại đang được ứng xử như với giao thông cá nhân hoặc xe đưa đón của các khu công nghiệp.

Điều kiện hoạt động của nó, về cơ bản không khác gì các xe đưa đón công nhân hay xe du lịch dành cho người lớn.

Việc tổ chức hoạt động, cũng không có gì khác biệt. Chỉ cần một giao kèo giữa nhà trường và đơn vị cung ứng dịch vụ chở khách theo hợp đồng.

Việc đảm bảo an toàn, lại càng mơ hồ. Dù phục vụ cho nhóm đối tượng đặc thù nhưng quy định không có gì đặc thù. An toàn của những chuyến xe này phụ thuộc vào sự cẩn thận của tài xế và người quản học sinh, mà không phải lúc nào cũng là nhân viên nhà trường như quy định của ngành giáo dục.

Cũng vì không coi là phương tiện giao thông công cộng, nên xe buýt trường học hoàn toàn là hoạt động tự phát của các trường, tùy theo nhu cầu của phụ huynh và khả năng đáp ứng của trường. Không có sự điều phối của địa phương, dù các trường ở sát cạnh nhau đều có xe đưa đón, và các xe này đang chạy chồng lấn lên lộ trình của nhau, chật vật “tranh” nhau điểm dừng đỗ.

Không là phương tiện công cộng có sự quản lý, nên buýt trường học hoàn toàn nằm trong “vùng trắng” của chính sách hạ tầng. Điều này dẫn đến cảnh lộn xộn, ùn tắc và thiếu an toàn mỗi lúc đón trả học sinh: xe buýt học đường thì dừng bên kia đường, hay đỗ giữa đường, vì taxi, xe ôm, xe cá nhân đã chặn hết lối tiếp cận.

Hàng trăm học sinh, hàng chục chiếc xe tập kết ở điểm đầu cuối là đủ khiến giao thông rối loạn. Chưa kể những xáo trộn của giao thông dọc tuyến mà buýt trường học đi qua.

Trong khi đó, nếu tổ chức như buýt công cộng, với dữ liệu chi tiết về nơi cư trú của học sinh, hoàn toàn có thể xây dựng một sơ đồ mạng lưới tuyến tối ưu, để việc đón trả là thuận lợi nhất, không bị chồng chéo lên nhau, tranh nhau đường hay điểm dừng điểm đỗ.

Tối ưu hóa lộ trình, chi phí đi lại sẽ giảm, phù hợp với túi tiền của đa số phụ huynh và đỡ mệt cho trẻ em khi phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ trên các hành trình chỉ dăm ba cây số.

Tổ chức như buýt công cộng, lái xe và phụ xe sẽ được tập huấn chuyên nghiệp để phục vụ nhóm hành khách đặc thù, chứ không phải chỉ là những hướng dẫn truyền ệng sơ sài.

Nếu coi là dịch vụ công cộng, các điểm đầu cuối và đón trả dọc đường sẽ được ưu tiên bố trí quỹ đất, sắp xếp không gian, để đảm bảo an toàn và thông suốt. Việc này sẽ gắn trách nhiệm với chính quyền địa phương và cơ quan quản lý giao thông đô thị, chứ không phải là phụ huynh và nhà trường tự xoay sở.

Khi buýt trường học được cải thiện về điều kiện hoạt động để an toàn, văn nh và thân thiện hơn, người dân sẽ ngày càng có thiện cảm và ưu tiên sử dụng. Địa phương không phải căng mình chống ùn tắc. Cơ hội phát triển kinh tế xã hội và cải thiện môi trường chắc chắn sẽ tăng.

Vấn đề mấu chốt đang nằm ở cách tiếp cận của các nhà quản lý với dịch vụ này. Một khi chúng vẫn được gọi là “xe đưa đón học sinh”, chưa được định danh đúng bản chất là “buýt dành cho học sinh”; thì sự phát triển tự phát còn tiếp diễn, các “tác dụng ngược” của việc phát triển ồ ạt loại phương tiện này sẽ gia tăng, và có thể đi xa hơn đến mức khó làm lại, nếu không sớm có sự điều chỉnh một cách căn bản về chính sách./.