Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Xe đưa đón học sinh: Mạnh trường nào trường ấy làm, giao thông rối loạn

Quách Đồng - Kiều Tuyết - 20/09/2022 | 15:18 (GTM + 7)

Hà Nội có khoảng 2.000 xe đưa đón học sinh. Không ít trong số này có điểm cuối là những trường nằm gần nhau hoặc lộ trình tương đồng, nhưng mỗi trường vẫn tổ chức hệ thống xe đưa đón riêng. Điều này dẫn tới mỗi ngày có hàng nghìn chuyến xe chạy đan chéo, khiến giao thông thêm ùn tắc.

6h10 phút sáng 19/9, tại khu vực cổng chung cư 789 Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, 4 chiếc xe đưa đón học sinh loại 16 chỗ đã chờ sẵn.

Theo quan sát, 2 trong số xe đang dừng chờ thuộc Trường cấp 1 và cấp 2 Lê Quý Đôn (địa chỉ tại Khu Đô thị Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ngoài ra, còn có xe đón học sinh của Trường Newton (đường Hoàng Quốc Việt) và Trường Trung học Phổ thông Khoa học giáo dục (đường Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân). Đúng 6h20, một số xe chuyển bánh, trên mỗi xe chỉ có 1-2 học sinh.

Một tài xế cho biết:

- Đây là điểm đón đầu tiên.

- Từ đây đến cuối hành trình, anh phải qua mấy điểm nữa?

- Qua khoảng 6 điểm.

- Theo hợp đồng, mấy giờ anh phải đến trường?

- Theo quy định thì đến trước 7h20, trong trường hợp tắc đường, còn xe mình 7h là đến trường rồi.

- Cháu ngồi trên xe thời gian lâu nhất khoảng bao lâu?

- Tùy theo, bình thường như xe của tôi khoảng 40 phút, trong trường hợp tắc đường khoảng 1 tiếng.

Cách đó khoảng 500m, tại cổng làng phường Xuân Đỉnh, 2 xe đưa đón học sinh cũng chờ sẵn, một xe đón học sinh Trường FPT (tại Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội). Trên mỗi xe cũng chỉ có 1-2 học sinh.

Chị Nguyễn Thị Thắm (ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), phụ huynh có con lên lớp 5 cho hay, để kịp giờ đi học, hàng ngày con chị phải có mặt tại điểm đón trước 6h48 phút và xe cũng chỉ đón một mình con chị Thắm: "Nhà em là điểm gần cuối, 15-20 phút. Bởi vì ở đây gần trường thành ra khoảng 6h50 đón ở đây thì khoảng 15 phút là đến trường. Còn điểm đầu sẽ hơi vất vả vì đón sớm, cũng tầm 6h20".

Hà Nội có khoảng 2.000 xe đưa đón học sinh đang hoạt động (Ảnh minh họa)

Hà Nội có khoảng 2.000 xe đưa đón học sinh đang hoạt động (Ảnh minh họa)

Ông Kiều Cao Trinh, Phó trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP có hơn 864.000 học sinh THCS và THPT.

Để phục vụ nhu cầu đưa đón học sinh, các trường cũng tổ chức mạng lưới xe đưa đón, với tổng số gần 2.000 xe. Ngoài ra, có hơn 19.000 học sinh đang sử dụng xe buýt để đi học.

Tuy vậy, vẫn còn gần 14.000 học sinh có nhu cầu đi học bằng xe buýt, nhưng do thiếu tuyến xe buýt hoặc không tiện lợi nên chưa sử dụng. Ông Kiều Cao Trinh cho biết, nếu tổ chức được mạng lưới xe buýt và xe đưa đón theo mô hình một xe đón học sinh của nhiều trường sẽ giảm thiểu được tình trạng xe chạy đan chéo trong Thành phố:

"Ví dụ ở Nam Từ Liêm, trường Lương Thế Vinh, Trường Lomonoxop, trường Đoàn Thị Điểm… rất nhiều trường ở khu vực đấy, nếu chúng ta thống nhất được thì chỉ một xe chạy được cho cả 3 trường và những xe khác lấn ở những tuyến khác.

Nếu chúng ta tổ chức được một cách khoa học thì chắc chắn tránh được rất nhiều xe của nhiều trường chạy trên cùng một tuyến", ông Trinh cho biết.

Hiện có hơn 19.000 học sinh đang sử dụng xe buýt để đi học. Ảnh: Hà Nội mới

Hiện có hơn 19.000 học sinh đang sử dụng xe buýt để đi học. Ảnh: Hà Nội mới

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho rằng, mạng lưới xe buýt phục vụ học sinh của nhiều trường đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các trường và sự chia sẻ của cha me học sinh, bởi mức đóng tiền khác nhau, sẽ có phụ huynh không đồng ý khi sử dụng chung dịch vụ. Do vậy, tổ chức mạng lưới này bằng xe buýt công cộng là hợp lý nhất.

"Sử dụng xe buýt công cộng là tối ưu nhất, xe buýt công cộng phải điều chỉnh cho nó phù hợp nhất, nhưng xe buýt công cộng cũng không thể phục vụ 100% được vì có những cháu, có những gia đình, căn hộ ở trong ngõ ngách chỉ có 1m thì sao vào được. Xe buýt vẫn phải cải thiện, đó là việc làm thường xuyên, nhưng rõ ràng cộng với nó là phải từ bỏ thói quen xe cá nhân cộng với đi bộ nữa", ông Hải nói.

Tuy vậy, ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT lại cho rằng, mạng lưới xe đưa đón học sinh không nhất thiết phải do cơ quan quản lý tổ chức, mà có thể giao cho doanh nghiệp thực hiện, trong đó cơ quan quản lý thực hiện vai trò giám sát, quản lý.

Để thực hiện được điều này, trước hết cần rà soát kỹ các tuyến xe đưa đón học sinh mà các trường tự thuê, rồi tổ chức lại theo tuyến để dần hình thành lượng xe buýt chuyên dụng, đưa đón học sinh:

"Như vậy, trên các hành lang sẽ giảm được mật độ phương tiện. Thật ra các trường cũng đang tự tổ chức để cho các con có điều kiện tốt nhất, có môi trường đi lại, nhưng chúng ta phải có bàn tay quản lý nhà nước vào để tối ưu được hoạt động vận tải, quản lý tốt nhu cầu đi lại", ông Chung cho biết. 

nen_fxsn

Với khoảng gần 2,2 triệu học sinh trên toàn Thành phố, trong đó, có gần 80% học sinh trên địa bàn Hà Nội được bố mẹ đưa đến trường bằng phương tiện cá nhân. Nếu tổ chức tốt mạng lưới xe buýt trường học, giảm thiểu chuyến đi chéo, giảm thời gian ngồi trên xe để thu hút học sinh sử dụng xe buýt trường học, sẽ giảm thiểu số lượng chuyến đi vào các giờ cao điểm, qua đó góp phần hạn chế đáng kể tình trạng ùn tắc trên địa bàn Thành phố.

Đây cũng là góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận: "Đặt đúng tên cho “xe đưa đón”.

Xe buýt trường học trước hết với tư cách là một phương tiện giao thông công cộng, có sức chở nhiều người (từ 16 chỗ trở lên), nên có ưu thế lớn trong việc đảm bảo an toàn, giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường. Nó mang những đặc trưng của giao thông công cộng, tức là hoạt động ổn định về thời gian, cố định lộ trình tuyến và điểm đón trả.

Buýt trường học cũng mang đầy đủ các ưu thế của giao thông công cộng, đó là giúp giảm bớt ùn tắc, tăng tính an toàn, giảm ô nhiễm môi trường, giảm thiểu các thiệt hại về thời gian và chi phí do ùn tắc gây ra cho địa phương cũng như phụ huynh học sinh.

Với trẻ em, buýt trường học còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Ngoài việc đảm bảo sức khỏe và an toàn cho trẻ đến trường, việc sử dụng xe buýt đến trường là một cách giáo dục ý thức và kỹ năng giao thông công cộng cho các em, đồng thời giúp chúng kết nối với nhau tốt hơn, ở những đô thị mà guồng quay của học hành và nhịp sống hối hả đang khiến chúng ngày càng ít bạn.

Tuy vậy, dịch vụ này lại đang được ứng xử như với giao thông cá nhân hoặc xe đưa đón của các khu công nghiệp.

Điều kiện hoạt động của nó, về cơ bản không khác gì các xe đưa đón công nhân hay xe du lịch dành cho người lớn.

Việc tổ chức hoạt động, cũng không có gì khác biệt. Chỉ cần một giao kèo giữa nhà trường và đơn vị cung ứng dịch vụ chở khách theo hợp đồng.

Việc đảm bảo an toàn, lại càng mơ hồ. Dù phục vụ cho nhóm đối tượng đặc thù nhưng quy định không có gì đặc thù. An toàn của những chuyến xe này phụ thuộc vào sự cẩn thận của tài xế và người quản học sinh, mà không phải lúc nào cũng là nhân viên nhà trường như quy định của ngành giáo dục.

Cũng vì không coi là phương tiện giao thông công cộng, nên xe buýt trường học hoàn toàn là hoạt động tự phát của các trường, tùy theo nhu cầu của phụ huynh và khả năng đáp ứng của trường. Không có sự điều phối của địa phương, dù các trường ở sát cạnh nhau đều có xe đưa đón, và các xe này đang chạy chồng lấn lên lộ trình của nhau, chật vật “tranh” nhau điểm dừng đỗ.

Không là phương tiện công cộng có sự quản lý, nên buýt trường học hoàn toàn nằm trong “vùng trắng” của chính sách hạ tầng. Điều này dẫn đến cảnh lộn xộn, ùn tắc và thiếu an toàn mỗi lúc đón trả học sinh: xe buýt học đường thì dừng bên kia đường, hay đỗ giữa đường, vì taxi, xe ôm, xe cá nhân đã chặn hết lối tiếp cận.

Hàng trăm học sinh, hàng chục chiếc xe tập kết ở điểm đầu cuối là đủ khiến giao thông rối loạn. Chưa kể những xáo trộn của giao thông dọc tuyến mà buýt trường học đi qua.

Trong khi đó, nếu tổ chức như buýt công cộng, với dữ liệu chi tiết về nơi cư trú của học sinh, hoàn toàn có thể xây dựng một sơ đồ mạng lưới tuyến tối ưu, để việc đón trả là thuận lợi nhất, không bị chồng chéo lên nhau, tranh nhau đường hay điểm dừng điểm đỗ.

Tối ưu hóa lộ trình, chi phí đi lại sẽ giảm, phù hợp với túi tiền của đa số phụ huynh và đỡ mệt cho trẻ em khi phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ trên các hành trình chỉ dăm ba cây số.

Tổ chức như buýt công cộng, lái xe và phụ xe sẽ được tập huấn chuyên nghiệp để phục vụ nhóm hành khách đặc thù, chứ không phải chỉ là những hướng dẫn truyền miệng sơ sài.

Nếu coi là dịch vụ công cộng, các điểm đầu cuối và đón trả dọc đường sẽ được ưu tiên bố trí quỹ đất, sắp xếp không gian, để đảm bảo an toàn và thông suốt. Việc này sẽ gắn trách nhiệm với chính quyền địa phương và cơ quan quản lý giao thông đô thị, chứ không phải là phụ huynh và nhà trường tự xoay sở.

Khi buýt trường học được cải thiện về điều kiện hoạt động để an toàn, văn minh và thân thiện hơn, người dân sẽ ngày càng có thiện cảm và ưu tiên sử dụng. Địa phương không phải căng mình chống ùn tắc. Cơ hội phát triển kinh tế xã hội và cải thiện môi trường chắc chắn sẽ tăng.

Vấn đề mấu chốt đang nằm ở cách tiếp cận của các nhà quản lý với dịch vụ này. Một khi chúng vẫn được gọi là “xe đưa đón học sinh”, chưa được định danh đúng bản chất là “buýt dành cho học sinh”, thì sự phát triển tự phát còn tiếp diễn, các “tác dụng ngược” của việc phát triển ồ ạt loại phương tiện này sẽ gia tăng, và có thể đi xa hơn đến mức khó làm lại, nếu không sớm có sự điều chỉnh một cách căn bản về chính sách./.

Ý kiến của bạn
Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm có hơn 6.000 người chết từ những vụ tai nạn giao thông liên quan tới tài xế ngủ gật. Nguyên nhân do thiếu ngủ chiếm tới 30% trên tổng số các vụ tai nạn giao thông trong một năm.

Truy đuổi trên đường

Truy đuổi trên đường

Việc quy định cụ thể hoạt động truy đuổi để ngăn chặn một số hành vi vi phạm TTATGT không chỉ gây áp lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, mà còn trở thành lực cản trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý giao thông, an toàn xã hội.

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Không khó để bắt gặp đủ các hàng quán bán đồ ăn sáng ở Hà Nội ngày nay. Lật giở về quá khứ, thói quen ăn sáng của người Hà Nội phải chăng là lê la quán xá hay đã biến thiên theo thời gian?

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Thiếu cơ chế chia sẻ thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia khiến nhiều ý kiến đang băn khoăn về tính hiệu quả của việc xây dựng chính phủ số.

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Tại các khu – cụm công nghiệp, việc triển khai các mô hình “Cụm liên kết an toàn PCCC” như những cái “bắt tay” của các doanh nghiệp, để cùng chung sức đẩy lùi “bà hỏa”.

Taxi truyền thống Singapore đang ngày một “hụt hơi”

Taxi truyền thống Singapore đang ngày một “hụt hơi”

Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các ứng dụng gọi xe như Grab, số lượng taxi truyền thống ở Singapore đang ngày một ít đi. Điều này gây ra không ít khó khăn với những người không có thói quen sử dụng ứng dụng, nhất là người cao tuổi.

Nâng cao chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch

Nâng cao chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch

Ngày 20/4, tại TP.HCM, Bệnh viện FV đã tổ chức buổi hội nghị Tim Mạch thường niên lần 2 với chủ đề “Điều trị Bệnh Tim Mạch: Hiện tại và tương lai” với nhiều chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế tham dự nhằm chia sẻ những tiến bộ mới nhất trong chẩn đoán, điều trị.

// //