Đánh thuế bất động sản thứ 2, cần xác định trúng đối tượng

Chống đầu cơ bất động sản bằng công cụ thuế là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam cần có lộ trình và bước đi rõ ràng, đồng thời phải sớm xây dựng được cơ sở dữ liệu địa chính trên toàn quốc, xác định rõ đâu là đầu cơ, đâu là nhu cầu thực tế.

Chống đầu cơ bất động sản bằng công cụ thuế là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế. Ảnh: Tuổi trẻ

Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng sắc thuế bất động sản để ngăn chặn đầu cơ, giúp người có thu nhập thấp có nhiều cơ hội sở hữu nhà ở. Trong đó, Singapore là nước áp dụng mức thuế suất cao nhất đối với căn nhà thứ 2 trở đi.

Đặc biệt từ cuối năm ngoái công dân Singapore khi mua căn nhà thứ hai trở đi sẽ phải chịu mức thuế trước bạ tăng thêm 5% (tăng từ 20% lên 25%); người nước ngoài mua bất động sản ở Singapore sẽ phải đóng mức thuế trước bạ tăng thêm 10% (từ 20% lên 30%).

Còn ở Mỹ, một số khu vực giàu đánh thuế suất bất động sản 2-3% mỗi năm; trong khi đó tại Thượng Hải (Trung Quốc) nếu mua căn nhà thứ hai có diện tích hơn 60 mét vuông sẽ chịu mức thuế từ 0,4-0,6% trên diện tích vượt; còn tại Trùng Khánh, thuế bất động sản được đánh lũy tiến bắt đầu từ 0,5% và có thể lên tới 1,2% một năm.

Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, việc thu thuế đối với nhà đất thường dựa trên nguyên tắc lấy diện tích sàn nhà ở trung bình làm căn cứ, nếu vượt quá diện tích đó sẽ bị đánh thuế với một với một mức thuế nhất định để đảm bảo công bằng chứ không tính căn nhà thứ hai hay thứ ba trở đi.  

Tuy nhiên, với điều kiện của VN hiện nay chưa đủ khả năng đánh thuế nhà, mà chỉ có thể đánh thuế đất. Bởi đa phần người dân hiện đang sinh sống trong những ngôi nhà có diện tích nhỏ hoặc ở chung cư, tập thể và hầu hết là người có thu nhập trung bình và thấp, chỉ có số ít người giàu ở chung cư. Vì thế khi thực hiện phải rất thận trọng cũng như đưa ra mức thuế sao cho phù hợp.

Ví dụ có thể áp dụng mức khởi điểm bằng tỷ suất thuế hiện nay là 0,03% nhân với giá trị đất đai là chấp nhận được; riêng đối với những nhà đầu cơ để đất hoang hóa và nắm giữ quá nhiều bất động sản phải áp mức thuế thật cao.

Thế nhưng, hiện nay hồ sơ địa chính của nước ta vẫn được quản lý tập trung theo cấp tỉnh/thành, chứ không phải quản lý theo phạm vi cả nước. Vì thế để đánh thuế bất động sản trước hết phải xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu nhà đất trên phạm vi cả nước và được quản lý rất chặt chẽ; đồng thời lộ trình đánh thuế phải gắn chặt với khả năng tăng thu nhập của người lao động, tránh bắt dân nghèo phải “cõng” thêm thuế.

Đó là những yếu tố giúp chúng ta xác định được đâu là đối tượng đầu cơ, đâu là đối tượng thực sự có tiền trả tiền thuế.

Sắc thuế nhà đất vốn dĩ rất phức tạp, quá trình thực hiện cũng rất khó khăn, nhưng nếu đánh đúng và trúng sẽ tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, giúp điều tiết được việc sử dụng nhà đất, chống đầu cơ và người dân sẽ bình đẳng hơn trong việc tiếp cận nhà ở.

Tuy nhiên, để thực thi chính sách này hiệu hiệu quả Việt Nam cần khoảng 10 năm để hoàn thiện hồ sơ, sơ sở dữ liệu, hệ thống quản lý và kể cả hệ thống phòng chống tham nhũng; tránh đánh thuế oan cho dân nghèo và để lọt lưới các nhà đầu cơ.