Đảm bảo hài hòa lợi ích sẽ tạo sự đồng thuận

Năm 2023, Hà Nội và TPHCM quyết tâm giải quyết dứt điểm tình trạng chung cư “cũ nát” trên địa bàn. Để làm được điều này, nhà nước cần đưa ra những chính sách linh hoạt; về lâu dài, cần xây dựng cơ sở pháp lý rõ ràng nhằm tạo sự đồng thuận xã hội.

Chung cư 134 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM đã xuống cấp. Ảnh: Tuổi trẻ

Có đến những chung cư cũ, hư hỏng nặng ở TP.HCM hay Hà Nội và nhiều địa phương khác, mới thấy cư dân ở đây thấp thỏm lo âu ra sao. Tường gạch nhiều chung cư lở lói, cầu thang xộc xệch, bong tróc gạch đá; nhiều góc nhà bị nứt toác. Nguy cơ đổ sập, đe dọa trực tiếp đến tính  mạng người ở mỗi ngày.

Chưa kể vào ngày mưa gió, căn hộ thấm dột khắp nơi; ẩm mốc. Nhiều người không chịu nổi đã tìm mọi cách để thoát ra, nhiều người thì ngao ngán khi phải sống trong điều kiện khó khăn như vậy. Một thực tế là đa số các chung cư này được xây cách đây vài chục năm; thường cũng ở các quận trung tâm; vị trí có khi đắc địa. Gia đình cư dân đã sống qua nhiều thế hệ, có thăng trầm, vui buồn đủ cả. Chung cư vì vậy như một phần ký ức của mỗi thành viên gia đình và cộng đồng.

Di dời để có nơi ở mới khang trang, an toàn hơn là chính đáng nhưng không phải không bùi ngùi, luyến tiếc quá khứ. Đó là chưa kể, nơi ở cũ cũng dễ làm ăn, mua bán, nuôi sống cả gia đình. Trong khi đa số các hộ ở chung cư cũ, mức thu nhập đều thấp; nhiều thành viên là người lớn tuổi, không còn sức lao động. Việc di dời đến nơi ở mới sẽ rất khó xoay xở tìm kiếm công ăn việc làm phù hợp.

Rồi chuyện đi lại, học hành của con cháu cũng là  mối nghi ngại có thực và không dễ giải quyết. Vấn đề tái định cư đối với các chung cư xuống cấp vì thế luôn nan giải.

Từ năm 2016, TP.HCM đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 phải cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới 237 trong số 474 chung cư  xây trước năm 1975 bị xuống cấp, hư hỏng. Nhưng đến nay, thành phố mới giải quyết xây mới, di dời được khoảng 30 chung cư.

Nguyên nhân chủ yếu là chưa nhận được sự đồng thuận của người dân với các lý do đã phân tích ở trên. Thành phố dù đã giao thẩm quyền cho Sở , ngành, quận, huyện chủ động trong việc đề xuất các phương án nhưng nhiều việc vẫn bị vướng về cơ chế chính sách.

Trước tiên là quyền sở hữu đất, nhiều chung cư vẫn thuộc của nhà nước nên khó xử lý để có đất sạch. Ở những chung cư người dân có quyền sử dụng đất nhưng lại vướng về chiều cao công trình khi xây mới; nhà đầu tư có bỏ vốn thì cũng khó mà thu lại lợi nhuận vì không xây được nhiều căn hộ theo tính toán.

Ngoài ra, việc nhập nhằng về tính pháp lý ở mỗi chung cư khiến nhiều nhà đầu tư cũng nản lòng. Vấn đề phân chia lợi ích giữa cư dân và chủ đầu tư cũng không được rõ ràng; chưa kể vì nhiều chung cư không có ban quản trị, nên chín người mười ý, không đi đến thống nhất nên đành để qua ngày đoạn tháng.

Rõ ràng vấn đề cải tạo, sửa chữa hoặc di dời chung cư xuống cấp, hư hỏng nặng tại đô thị ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều địa phương khác đang đặt ra cấp bách để đảm bảo cuộc sống an toàn, ổn định cho hàng trăm ngàn hộ dân.

Cách làm lúc này vẫn là huy động các doanh nghiệp hợp tác bỏ vốn đầu tư để cùng khai thác với cư dân trên cơ sở tôn trọng và chia sẻ quyền lợi và nghĩa vụ của nhau với phương châm các bên “cùng thắng”.

Nhiệm vụ của cơ quan quản lý là hỗ trợ, can thiệp để tạo ra một hành lang pháp lý, cơ chế rõ ràng, nh bạch, các bên cùng có lợi trên cơ sở lấy ý kiến công khai, nhiều lần, đảm bảo tính thống nhất cao. Để người dân đồng thuận, doanh nghiệp tự tin bỏ vốn xây dựng và vận hành ngay trên nền đất cũ hoặc ở nơi tái định cư mới.

Việc di dời hoặc cải tạo phải đảm bảo nguyên tắc chỗ ở mới tốt hơn nơi ở cũ; khi đó người dân vì an toàn tính mạng và cuộc sống, chắc chắn sẽ chấp hành; nhà đầu tư cũng thỏa mãn các điều kiện có lợi nhuận để đầu tư.