Đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt khi sửa chữa cầu Chương Dương

Việc cải tạo, sửa chữa kịp thời các hư hỏng của cầu Chương Dương được cho sẽ giúp cải thiện điều kiện ổn định và chịu lực, giúp kéo dài tuổi thọ cho công trình cũng như bảo đảm an toàn giao thông

Cầu Chương Dương nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên đã trải qua 35 năm khai thác, sử dụng. Ảnh: Báo xây dựng

Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông vừa kiến nghị Sở GT-VT Hà Nội xem xét, báo cáo UBND thành phố và các cơ quan liên quan phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sửa chữa cầu Chương Dương.

Qua quá trình khai thác, nhiều bộ phận, kết cấu cầu đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, lớp bê tông nhựa phần mặt cầu chính bị nứt vỡ ngang, gây thấm nước xuống bên dưới, làm gia tăng mức độ phá hỏng lớp bê tông lưới thép dày 6cm, cũng như thấm nước xuống đáy bản mặt cầu và các cấu kiện thép bên dưới. Lớp bê tông dày 14cm dưới bản mặt cầu có hiện tượng vỡ cục bộ do gỉ cốt thép bên trong…

Trên cầu còn một số khe co giãn cũ và lan can cầu có chiều cao thấp (1,1m), gây tâm lý không an toàn cho người tham gia giao thông, đặc biệt trong điều kiện thời tiết xấu.

Các hư hỏng này chưa gây ra vấn đề nghiêm trọng, nhưng việc cải tạo, sửa chữa kịp thời sẽ giúp kiểm soát quá trình xuống cấp, kéo dài tuổi thọ công trình và đảm bảo an toàn giao thông. Nếu được chấp thuận, dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2020-2021.

Anh Nguyễn Văn Thành - tài xế hãng taxi Mai Linh, thường xuyên di chuyển qua cầu Chương Dương - cho biết, những hố sâu sụt lún theo vệt bánh xe đã xuất hiện từ lâu ở làn đường dành cho xe ô tô:

 

Đi qua cầu Chương Dương thì mặt đường vá rất nhiều. Trong làn ô tô có rất nhiều ổ gà, đi bị thụt - nâng bánh, cảm giác xe không thể đi qua nhanh được. Nếu mà sửa thì mình rất vui vì khách hàng đi yên tâm mà mình cũng yên tâm.

Theo khảo sát của VOV Giao thông, trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua, các hố sâu sụt lún ở làn ô tô trên cầu Chương Dương đã được đơn vị chức năng tạm thời khắc phục. Tuy nhiên, ở làn xe hỗn hợp, tình trạng mặt đường xấu, gồ ghề vẫn tồn tại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông:

 

Những ổ trâu, ổ gà lỡ may vào sẽ lạc tay lái, có thể gây ra tai nạn. Nếu mưa to, tầm quan sát kém. Hai nữa đi là những vũng nước bắn, ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Mình đang đi thẳng, nó xóc, mình lạng lách thì sẽ ảnh hưởng và rất nguy hiểm cho xe đằng sau. Bây giờ cũng chỉ mong các cấp lãnh đạo quan tâm hơn, để người dân đi lại an toàn hơn.

Theo Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, bê tông nhựa có tuổi thọ nhất định, sẽ bị biến dạng theo thời gian dưới tác động của xe cộ và thời tiết, thời gian đại tu thông thường từ 15 đến 20 năm. 

Một chiếc xe tải lưu thông trên cầu Chương Dương dù đã có biển cấm

Còn TS. Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ, Trường Đại học Giao thông Vận tải phân tích, việc sửa chữa lớp bê tông nhựa trên những cây cầu kiểu cũ (như cầu Chương Dương) sẽ khó khăn hơn đường bộ thông thường, vì độ biến dạng của thép và bê tông là rất khác nhau. Để chất lượng công trình được duy trì thì vấn đề kiểm soát tải trọng là rất cần thiết:

 

Biến dạng của dầm thép bao giờ cũng lớn hơn biến dạng của dầm bê tông. Cho nên, sửa chữa mặt cầu chính là sửa chữa biến dạng mặt thép bên dưới. Giải pháp là những kết cấu thép yếu ngày xưa thì đặt vấn đề là giảm tải trọng đi.

Trên thực tế, dù hai đầu cầu Chương Dương đã có biển cấm xe tải và xe khách, nhưng tình trạng các phương tiện bị cấm này di chuyển trên cầu vẫn xuất hiện. Do đó, các lực lượng chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra và xử lý vi phạm.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý, thời gian và thời điểm sữa chữa cầu Chương Dương cũng cần được cân nhắc kỹ để tránh tạo áp lực giao thông, đặc biệt là khi cầu Thăng Long cũng đang tạm cấm toàn bộ phương tiện.