Đã đến lúc nên thôi tự hào vì hùng hậu

Ùn tắc tại Hà Nội đã gây thiệt hại khoảng 1,2 tỷ USD mỗi năm và tại TP HCM là khoảng 1,3 tỷ USD. Những con số này không những không giảm, mà có thể tiếp tục gia tăng, nếu biện pháp giảm ùn tắc không căn cứ trên các biện pháp tổ chức giao thông, cải thiện hạ tầng một cách hợp lý.

 

Ảnh nh họa

Để xử lý được gần 70 điểm ùn tắc giao thông trong vòng 5 năm 2016 -2020, Hà Nội đã tốn hàng ngàn tỉ đồng ngân sách. Nhưng không chỉ tiền, mà Thành phố còn là một lực lượng vô cùng đông đảo tham gia đảm bảo trật tự giao thông: từ Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông, dân quân tự vệ, dân phòng tự quản, đoàn viên thanh niên…

Sự huy động này là phù hợp với tinh thần của Luật Giao thông đường bộ nước ta, rằng “đảm bảo TTATGT là trách nhiệm của mọi công dân và của toàn xã hội”.

Nó cũng thể hiện sự xông xáo và trách nhiệm, nỗ lực hết mình của các bên. Nó đem đến cảm giác yên tâm cho những người đi đường, và thường cho hiệu quả tức thì về giải tỏa ùn tắc.

Song, nếu coi tắc đường ở các đô thị như Hà Nội, TP.HCM là một căn bệnh, và việc dùng sức người để chống ùn tắc là thuốc trị triệu chứng, thì việc lạm dụng “thuốc” trong suốt một thời gian dài với liều lượng ngày càng tăng, đã và đang để lại những hậu quả rất đáng lo.

Những nút giao có đèn tín hiệu, mặt cắt rộng, hoặc tổ chức giao thông bằng vòng xuyến vẫn trở nên hỗn loạn, tê liệt khi thiếu vắng lực lượng chức năng, và trật tự chỉ được vãn hồi khi người điều khiển giao thông có mặt.

Đó là dấu hiệu của sự “phụ thuộc” vào thuốc.

Từ chỗ một vài chiến sĩ cảnh sát giao thông, nay, nhiều ngã ba ngã bảy của Hà Nội đã phải huy động đến vài ba lực lượng cùng lúc, với quân số đông đảo hơn trước. Điều đó phần nào cho thấy, bệnh ùn tắc đã nặng hơn, thuốc đã phải tăng liều.

Và trong một số trường hợp, ùn tắc không thể cải thiện được ngay, thậm chí vẫn hết sức nan giải khi người tham gia giao thông bất hợp tác với lực lượng điều khiển giao thông. Đó là dấu hiệu cho thấy thuốc đã “nhờn”.

Từ nhiều năm trước, đã có những phản biện cho rằng, một đô thị phải để cho lực lượng giám sát pháp luật đứng đầy đường, là một đô thị thất bại về quản trị, cho dù đó là giao thông hay lĩnh vực nào.

Nếu dữ liệu quản lý đủ tốt, công nghệ quản lý đủ hiện đại, thì các nhu cầu đi lại của người dân sẽ được dự báo, sắp xếp phù hợp với khả năng đáp ứng của hạ tầng. Các đề án phát triển hạ tầng sẽ có tính dài hơi, thay vì cầu đường cứ xây vài ba năm đã quá tải.

Hạ tầng hiện đại cũng tính toán cho phép hấp thụ một phần vi phạm mà vẫn giảm thiểu xung đột và ùn tắc, đồng thời có tác dụng định hướng hành vi người lái xe.

Khi nhu cầu đi lại được quản lý, những nguy cơ ùn tắc thường xuyên hay đột xuất được dự báo, cảnh báo sớm để có các can thiệp kéo dãn từ xa, thay vì tốn rất nhiều sức người đi “chữa tắc”.

Có theo dõi và dự báo được nhu cầu đi lại của cư dân, các nhà quản trị đô thị mới có giải pháp để từng bước điều chỉnh, phân bổ lại thông qua chiến lược phát triển đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng, hay các ưu tiên mạnh mẽ cho giao thông công cộng và các hàng rào kỹ thuật với xe cá nhân vào khu vực lõi.

Cùng với việc hiện đại hóa công tác đảm bảo TTATGT, lực lượng chức năng thay vì căng mình chống tắc đường, sẽ tập trung hướng dẫn và giám sát việc chấp hành pháp luật của người dân bằng công nghệ, từ đó đẩy lùi các vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tắc đường.

Tất nhiên, trong phác đồ điều trị tổng thể với bệnh ùn tắc, luôn cần cả thuốc điều trị triệu chứng lẫn căn nguyên. Nhưng nếu không mạnh dạn lên kế hoạch “cai” dần thuốc triệu chứng, thì bệnh nhân chưa thể có quyết tâm huy động toàn lực để chiến đấu với bệnh tật.

Bệnh sẽ tiếp tục kéo dài theo hướng trầm trọng hơn, nỗ lực chữa trị sẽ càng khó khăn, phức tạp và tổn thất nặng nề hơn./.