Đa dạng cách thức “trả góp” tiền phạt vi phạm giao thông

Hiện Nghị định 168 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã chính thức có hiệu lực từ 01/1/2025, tăng mạnh mức xử phạt với nhiều hành vi vi phạm. Tuy nhiên, có những trường hợp gặp khó khăn về tài chính trong việc nộp phạt.

Về vấn đề này, nhiều quốc gia từ lâu đã cho phép người vi phạm được nộp tiền phạt nhiều lần, hay chúng ta vẫn gọi đó là “trả góp”.

Là một tài xế xe tải có 10 năm kinh nghiệm, làm việc tại bang Victoria, Úc, anh Phạm Hồng Thái cho biết anh đã từng trả góp tiền phạt cho lỗi vi phạm giao thông.

Khi đó, chiếc xe của anh Thái bị một chiếc xe khác tông từ phía sau. Tuy nhiên, sau khi cảnh sát phân tích hiện trường thì thấy anh Thái đã dừng xe ở nơi cấm đỗ nên anh phải chịu phạt vì lỗi dừng đỗ xe sai vị trí với tổng tiền phạt là 277 đô-la Úc.

Anh Thái cho biết đã chọn phương án trả góp trong vòng 3 tháng:

“Cơ quan quản lý đưa ra nhiều lựa chọn cho việc trả góp. Tất cả giao dịch nộp phạt được thực hiện qua thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng hoặc tiền mặt. Sau khi việc trả góp được thiết lập thì sẽ có thư xác nhận gửi đến địa chỉ người nộp phạt thông qua đường bưu điện. Trong quá trình trả góp, nếu người bị phạt quên nộp phạt thì sẽ nhận được thông báo nhắc nộp tiền.”

Ảnh nh hoạ: Khaleej Times

Đến với một quốc gia khác là Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất. Kể từ năm 2010, quốc gia này đã tăng mạnh mức xử phạt của nhiều hành vi vi phạm luật giao thông. Dù vậy, mức phạt lớn cũng gây khó dễ với không ít người dân. Do đó quốc gia này đã cho phép người vi phạm được phép trả góp tiền phạt.

Tuy nhiên người vi phạm cần đáp ứng một số điều kiện nhất định để được trả góp, như số tiền phạt phải từ 5000 AED (Dirham) trở lên, tương đương khoảng 34 triệu đồng VN; lần nộp phạt đầu tiên phải nộp ít nhất 25% tổng số tiền phạt. Sau đó, người vi phạm có thể trả góp trong vòng tối đa 2 năm. Nếu có khó khăn trong quá trình chi trả, cần thông báo cơ quan chức năng trước hạn nộp phạt 2 tuần, đồng thời sẽ phải trả thêm phí cho mỗi lần hoãn nộp phạt.

Những năm gần đây, để giảm bớt gánh nặng cho người vi phạm, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất đã nới lỏng đôi chút. Người vi phạm nộp phạt càng sớm thì càng được “giảm giá”. Cụ thể, nếu nộp phạt trong vòng 2 tuần kể từ khi nhận thông báo nộp phạt, người vi phạm sẽ được “giảm” 35% tiền phạt. Mức giảm này còn 25% nếu nộp phạt trong vòng 2 tháng đến 1 năm. Điều kiện cần thiết là người nộp phạt phải chi trả qua tài khoản của 1 trong 5 ngân hàng được quốc gia này chỉ định. Mức giảm cũng được áp dụng cho trả góp nếu người vi phạm chủ động liên lạc sớm với cơ quan chức năng.

Còn tại Mỹ, quốc gia này cũng cho phép người vi phạm giao thông được trả góp tiền phạt. Tuỳ mỗi bang lại có quy định khác nhau. Ví dụ tại bang Maryland, Mỹ, chỉ những vi phạm có mức xử phạt trên 150 đô-la Mỹ mới được phép đăng ký trả góp. Các vi phạm phổ biến như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, tải trọng, đỗ xe sai vị trí đều không được phép đăng ký trả góp.

Đồng thời, số tiền trả góp theo tháng phải ở mức tối thiểu 10% tổng số tiền phạt phải nộp. Người vi phạm khi đăng ký trả góp cần tính toán chính xác thời gian nộp phạt, bởi việc nộp phạt chậm trễ có thể khiến người vi phạm phải nộp thêm số tiền tương đương 17% tổng tiền phạt. Bang Seattle cũng có chính sách tương tự, nhưng yêu cầu trả góp tối thiểu 50 đô-la mỗi tháng; thời gian nộp phạt tối đa là 2 năm; lên tới 3 năm đối với người đang phải nhận trợ cấp chính phủ.

Trong trường hợp đã lựa chọn trả góp nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc chi trả, người vi phạm cần chủ động liên lạc và làm việc với cơ quan chức năng. Bà Heather Ford, một luật sư chia sẻ:

“Nếu bạn không đủ khả năng chi trả, hãy tới toà án và chủ động trình bày hoàn cảnh, tình trạng của bạn hiện tại. Thông thường, toà án sẽ cân nhắc và hỗ trợ, lùi ngày đóng phạt cho bạn. Còn nếu bạn không chi trả theo đúng hẹn nhưng không đưa ra bất kỳ giải thích nào, khả năng cao bạn sẽ phải chịu thêm một số loại tiền phạt”.

Trong khi đó, một số quốc gia như Nhật Bản lại không chấp nhận việc trả góp khi vi phạm luật giao thông. Người vi phạm phải nộp phạt trong vòng 8 ngày kể từ khi nhận thông báo. Nếu không nộp phạt, cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo đề nghị hoàn thành. Nếu tiếp tục không hoàn thành nộp phạt trong 3 ngày tiếp theo, công an sẽ bắt đầu thủ tục tố tụng hình sự.

Trở lại với Việt Nam, khi Nghị định 168 có hiệu lực từ ngày 1/1 vừa qua, nhiều người đã than phiền về việc mức phạt quá cao so với khả năng chi trả của họ hiện tại. Vậy việc nộp phạt vi phạm giao thông theo hình thức trả góp có thể là giải pháp tạm thời cho những người gặp khó khăn tài chính? Khảo sát trên fanpage VOV Giao thông với hơn 2.000 lượt bình chọn, có đến 76% thính giả cho biết họ đồng tình với quan điểm này.

Về vấn đề này, Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty luật Phạm Danh cho biết, dưới góc nhìn pháp lý, hiện nay, thủ tục nộp tiền phạt được thực hiện theo quy định tại Điều 78 Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020.

Theo đó, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính bị phạt tiền phải nộp tiền phạt một lần, trừ trường hợp quy định tại Điều 79 của Luật này:

“Dẫn chiếu quy định tại Điều 79 thì tổ chức, cá nhân có thể nộp tiền phạt nhiều lần (theo cách gọi thông thường là “trả góp”) nếu đáp ứng điều kiện sau:

Thủ nhất là: Bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ 150.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức;

Thứ hai là: Đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần (Đơn đề nghị phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan có thẩm quyền khác).

Điều luật cũng quy định, trong trường hợp này, thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 6 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 3 lần và mức nộp phạt lần thứ nhất tối thiểu là 40% tổng số tiền phạt.”

Cũng theo Luật sư Phạm Thành Tài, Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Điều 77 quy định: Những trường hợp được ễn, giảm tiền xử phạt hành chính là cá nhân, tổ chức đang gặp khó khăn về kinh tế, do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn...

Theo đó, có thể được xem xét giảm, ễn giảm một phần tiền phạt còn lại ghi trong quyết định xử phạt với cá nhân, tổ chức do không có khả năng thi hành quyết định nếu thuộc một trong các trường hợp cụ thể quy định tại Điều luật.

Để được ễn giảm tiền phạt, cá nhân, tổ chức phải có đơn đề nghị ễn, giảm tiền phạt kèm theo xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc) gửi người đã ra quyết định xử phạt.