Công viên cây xanh, muốn có phải chung tay

TP.HCM để có nhiều mảng xanh, đạt mức 1m2/người vào năm 2030 cần nhiều việc phải làm. Trước tiên, thành phố vận dụng sáng tạo Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho thành phố để tìm cách đưa 600 đề án quy hoạch cây xanh công viên vào thực tế.

Hiện nay, nhiều quận, huyện của thành phố, đất quy hoạch công viên cây xanh khá nhiều nhưng phần lớn đều bỏ hoang hoặc cây cối mọc um tùm.

Người dân thì mong ngóng nhưng các dự án đều trôi hết năm này qua năm khác; không sao hiện thực hóa được ước mơ về các công viên rợp bóng cây xanh xuất hiện trong lòng phố thị.

Nguyên nhân là quy hoạch đều chung chung, chưa chi tiết, cụ thể nên không thể triển khai đầu tư hoặc không tìm đâu ra nguồn vốn. Vướng mắc này cũng kéo theo hệ lụy là không tìm được cơ chế để thu hút các nguồn vốn ngoài nhà nước đầu tư.

Một thực tế nữa là nhiều khu đô thị mọc lên liên tục, khi quy hoạch được duyệt thì có công viên cây xanh nhưng chủ đầu tư làm mang tính tạm bợ, để dây dưa mà không trồng thêm cây cũng không làm thêm các hạng mục giúp người dân được thụ hưởng như cam kết.

Cá biệt, có dự án được sang tên, đổi chủ nên công viên chỉ là quy hoạch trên giấy.

Ảnh nh hoạ: Quang Hùng/VOVGT

Do vậy, các đơn vị quản lý của thành phố nên rà soát toàn bộ quy hoạch công viên đã có để xem xét bố trí quy hoạch chi tiết, cụ thể, đề xuất hướng xử lý cho từng dự án. Phân cấp, phân kỳ đầu tư theo hướng ưu tiên công viên làm nào trước công viên nào làm sau, có lộ trình rõ ràng và đeo bám cho ra bằng được sản phẩm.

Đối với đất công viên đã quy hoạch chưa làm ngay cũng cần quản lý và huy động người dân khu vực hỗ trợ để bảo đảm sạch sẽ, phong quang; tránh để hoang phế, um tùm vừa mất vẻ mỹ quan, lại có nguy cơ là điểm tập kết của các tệ nạn xã hội.

Đồng thời không để các hành vi lấn chiếm đất công, đất công viên cây xanh vào mục đích kinh doanh, tư lợi.

Ở các khu đô thị, dự án dân cư, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết; triển khai các khu vực đã quy hoạch làm công viên, không đùn đẩy, né tránh kéo dài. Xử lý nghiêm khắc các đơn vị cố tình thay tên, đổi chủ rồi thôn tính thu hẹp diện tích đất công cộng; biến đất công viên khu dân cư thành đất ở để bán,chia chác.

Với các công viên hiện hữu nên có cơ chế chăm sóc, duy tu thường xuyên; bảo đảm thực sự là  điểm đến với môi trường sạch đẹp để người dân khắp nơi lui tới nơi vui chơi, giải trí, thể dục thể thao, thư giãn.

Cái khó nhất trong phát triển công viên và mảng xanh ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều đô thị lớn khác trong cả nước đó là nguồn lực đầu tư. Vốn nhà nước có giới hạn nên cần phải xây dựng các chính sách phù hợp để thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài tham gia. Trong đó cần có các ưu đãi vượt trội để các tổ chức, cá nhân khi tham gia đều thấy được ích nước, lợi nhà.

Cơ quan quản lý cũng cần truyền thông để mọi người đều hiểu, phát triển công viên, mảng xanh ở đô thị không chỉ là của nhà nước mà còn chính là đời sống của mỗi người dân. Mỗi người, mỗi gia đình chung tay có ý thức trồng thêm một cây xanh trong nhà, ngoài phố, từng con đường chính là bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình mình.

Từ đó, đưa phong trào trồng cây xanh, bảo vệ mảng xanh, phát triển công viên được lan tỏa trong cộng đồng cũng như toàn xã hội.

Trồng thêm cây để xanh hóa môi trường đang sống chính là sự đầu tư cho phát triển bền vững và lâu dài.