Công viên bị bỏ hoang, sử dụng sai mục đích: Xây công viên cho ai?

Công viên Tuổi trẻ Thủ đô hiện đang bị chiếm dụng khuôn viên, sử dụng sai mục đích, khiến người dân vô cùng bức xúc.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Công viên Tuổi trẻ Thủ Đô. Ảnh: Pháp Luật TP. HCM
 

Nhiều người đặt câu hỏi: Việc xây dựng công viên để dành cho ai, khi mà công viên thì không được vui chơi, giải trí, còn các công trình dịch vụ vẫn ngày ngày thu lợi trên những ô đất vốn dành cho mục đích công ích?

“Sinh ra công viên là để dân cư vui chơi, thể dục thể thao nhưng diện tích ở đây hơn nửa là kinh doanh rồi. Xe máy đi lung tung, đi từ đầu này đầu kia, rồi để cả xe trong này. Nhốn nháo lắm”

“Nói chung là mình không chấp nhận được. Không gian bị mất đi rất nhiều. Mình có con nhỏ cũng không dám cho con ra đây chơi. Chỗ này xe cộ quá nhiều, trẻ con chơi không an toàn. Thực ra nói mang tiếng là có công viên mà trẻ con có chơi được đâu” 

“Con cái có không gian để nó vào nó đá bóng, vui chơi các thứ trong này, thế nhưng bây giờ vào đây, nào là chỗ này bán quán nước, trà đá,  rồi ô tô, xe máy cứ lao ầm ầm vào trong này. Cả một khu rộng như thế này thì người ta lại để, đổ các loại rác rồi phế thải các thứ, hàng bao nhiêu năm nay có dọn đi đâu”.

Vừa rồi là những bức xúc của các cư dân sinh sống trên địa bàn phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội liên quan đến tình trạng Công viên Tuổi trẻ Thủ đô bị chiếm dụng khuôn viên, sử dụng sai mục đích.

Theo quan sát của phóng viên, hàng loạt công trình lớn đã mọc lên trên các ô đất vốn được phê duyệt quy hoạch làm khu vườn hoa, cây xanh, sân tập thể thao công cộng. Trái với sự tấp nập, tiếng nhạc xập xình của các hàng quán, trung tâm tiệc cưới, sân bóng, bãi đỗ xe, điểm mua sắm… là hình ảnh tiêu điều, xuống cấp trầm trọng của các hạng mục công viên bị bỏ hoang.

Các vòng quay, cầu trượt và khu vui chơi vốn được đầu tư hàng chục tỷ đồng chịu cảnh dầm mưa, dãi nắng, hoen gỉ, không còn giá trị sử dụng. Thậm chí, chúng còn trở thành những công trình nguy hiểm đối với người đi bộ trong công viên. Biển cảnh báo nguy hiểm được treo tứ phía bên trong khu vực lẽ ra là địa điểm hóng gió, dạo chơi của người dân.

Được biết, từ năm 2012 đến nay, công viên Tuổi trẻ nhiều lần bị các Sở, ban, ngành thành phố thanh tra và yêu cầu dừng hoạt động, dỡ bỏ các công trình vi phạm bên trong công viên. Tuy nhiên, đến nay, mọi việc vẫn chưa có tiến triển.

Nhiều hạng mục bị hoen gỉ trong khuôn viên công viên. Ảnh: Báo Xây dựng

Bên cạnh việc một phần diện tích bị sử dụng sai mục đích, các hạng mục phục vụ công năng chính xuống cấp, dừng hoạt động, Dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô cũng mới giải phóng mặt bằng được gần 80%. Sau hơn 17 năm kể từ khi có quyết định thu hồi đất (2001), vẫn còn một khu vực rộng 6 héc-ta, nơi người dân sinh sống, chưa giải phóng mặt bằng.Sự chậm trễ này khiến hoảng 1.000 hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu phải sống trong các điều kiện xuống cấp, khó khăn.

Nhiều người dân đặt câu hỏi: Việc xây dựng công viên để dành cho ai? Khi mà công viên thì không được vui chơi, giải trí, còn nhà ở thì không được di dời, cũng chẳng thể sửa chữa. Còn các công trình dịch vụ vẫn ngày ngày thu lợi trên những ô đất vốn dành cho mục đích công ích?

Theo tìm hiểu của phóng viên,năm 2016, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định chuyển giao Công viên tuổi trẻ Thủ đô thuộc Công ty Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội sang Công ty cây xanh Hà Nội quản lý. Tuy nhiên, việc chuyển giao còn gặp khó khăn, do công viên này còn tồn đọng nhiều khoản nợ xấu, không thể thu hồi và không rõ nguồn gốc.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn cho biết, hiện Công ty cây xanh Hà Nội quản lý về các cây xanh, đường dạo, các hạng mục còn lại trong công viên do Công ty Đầu tư Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội quản lý.

 

“Ở đây phải nói là công ty đầu tư dịch vụ tuổi trẻ thủ đô thì giữa công ty này với công ty cây xanh đang có bàn giao. Kết quả bàn giao thì chưa thực hiện xong.  Rất khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc xác định đối tượng quản lý trong công viên tuổi trẻ. Đến nay chúng tôi cũng đang tiếp tục kiến nghị UBND TP sớm lựa chọn chủ đầu tư có năng lực để vào quy hoạch lại công viên tuổi trẻ thủ đô theo quyết định của TP và quyết định của chính phủ đã phê duyệt”.

Đáng lưu ý, theo đại diện phường Thanh Nhàn, Công ty Đầu tư Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội có các hợp đồng cho thuê đất với các đơn vị hoặc ký các hợp đồng liên doanh liên kết với thời hạn 15 năm, thậm chí 25 năm. Hiện nay, các điểm kinh doanh này đều được cấp đăng ký kinh doanh, không phải là phường cấp, mà do Sở kế hoạch đầu tư, phòng tài chính Quận cấp.

Đề cập việc chậm trễ trong dỡ bỏ các công trình vi phạm phía trong công viên, ông Phạm Tuấn Anh nói:

“Đối với các hạng mục còn lại trong công viên Tuổi trẻ Thủ đô thì ngày 20/11/2017 UBND TP có văn bản 10962 về việc chấp thuận nội dung đề xuất của Sở Xây dựng đối với các hạng mục còn lại là tạm thời giữ nguyên hiện trạng chờ giải phóng mặt bằng”.

Trong khi đó, trả lời báo chí, đại diện UBND quận Hai Bà Trưng cho biết: Hiện chủ tịch UBND thành phố đã giao cho thanh tra thành phố kiểm tra toàn bộ dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, chờ kết luận cuối cùng của thanh tra thành phố, UBND quận sẽ có thông báo.

Một trung tâm tổ chức sự kiện nằm ngay trong khuôn viên công viên Tuổi trẻ. Ảnh: Báo Xây dựng

Đề cập tình hình xây công viên cây xanh tại TP.Hà Nội, Thạc sĩ Đinh Quốc Thái (Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội) cho rằng, đây là việc hết sức cấp thiết, khi diện tích công viên cây xanh mới chỉ đạt 2m vuông/người, thấp hơn so với tiêu chuẩn là 7m vuông/người. Tuy nhiên, Thạc sĩ Đinh Quốc Thái nhấn mạnh, cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ các dự án này, tránh tình trạng buông lỏng để xảy ra sai phạm xây dựng:

 

“Nếu nhân dân cứ nhìn nhận là cứ công viên là không có công trình xây dựng mà chỉ có cây xanh thì rất là khó để chúng ta nhanh có những dự án công viên cây xanh tốt, phục vụ cộng đồng hay cho thành phố. Cái này chúng ta phải nhìn nhận một cách thực tế để chia sẻ với các nhà quản lý. Tuy nhiên, ngược lại, các nhà quản lý rõ ràng là không thể buông lỏng việc xây dựng vô tội vạ được”.

Luật sư Phạm Thành Tài – Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định: việc chậm trễ trong triển khai dự án, khiến đất dự án bị “xẻ thịt” sử dụng sai mục đích thời gian dài khiến sự việc phức tạp hơn rất nhiều, đặt các cơ quan quản lý vào thế “sự đã rồi”. Với những công trình nhỏ, việc tháo dỡ còn dễ dàng, nhưng với các công trình kiên cố thì phải có kinh phí để xử lý.

 

“Trường hợp mà chủ đầu tư Công viên Tuổi trẻ Thủ đô cho bên thứ 3 thuê 1 phần diện tích công viên để chuyển đổi sang mục đích kinh doanh vượt quá quyền hạn được cho phép, hoặc vượt quá khuôn khổ quy hoạch của nhà nước, như là làm quán café hoặc bãi trông giữ xe ô tô, thậm chí là trung tâm tiệc cưới thì là hành vi vi phạm quy định của luật đất đai, căn cứ khoản 2 khoản 3 điều 12 Luật đất đai quy định về những hành vi nghiêm cấm, trong đó có hành vi vi phạm kế hoạch sử dụng đất đã được công bố và không được sử dụng đất hoặc sử dụng đất không đúng mục đích”