Cõng rác trên non

Khu danh thắng Yên Tử (xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) hàng năm thu hút hàng triệu du khách đến tham quan và hành hương lễ Phật. Để nơi cửa Phật luôn được sạch đẹp quanh năm có sự đóng góp thầm lặng, tận tụy của những nữ công nhân môi trường – những người “cõng rác trên non”.

Chùa Đồng có độ cao 1.068 mét so với mực nước biển, con đường bộ lên đỉnh chùa Đồng có chiều dài khoảng 6.000m, đi qua hàng ngàn bậc đá và đường rừng núi. Thế nhưng, hàng ngày chị Trương Thị Thư vẫn băng rừng, vượt qua hàng nghìn bậc đá và dốc núi cheo leo lên đỉnh chùa Đồng thu gom, gánh rác xuống chân núi.

Chị Thư chia sẻ, dù công việc khá nặng nhọc, nhất là vào mùa lễ hội, nhưng chị thấy vui vì được góp một phần sức mọn làm sạch đẹp nơi đất Phật: "Ngày thường, mỗi ngày, tôi gánh khoảng 3-4 gánh rác xuống chân núi, mỗi gánh khoảng 40kg. Ngày lễ hội đông khách chị em phải đợi khách vãn đi rồi mới thu gom và gánh rác xuống núi để xe rác vào vận chuyển đi. Những ngày đông khách hơi mệt một chút nhưng có khách đến chúng tôi cảm thấy có động lực hơn".

Dù mưa hay nắng, dù ngày đông giá lạnh hay ngày nắng như đổ lửa, đôi bàn chân nhỏ của những phụ nữ Dao ở xã Thượng Yên Công như chị Trương Thị Thư hay chị Trần Thị Ngát vẫn thoăn thoát lên núi xuống núi, với những gánh rác nặng trĩu trên vai.

Chị Ngát chia sẻ, chị đã có 14 năm gắn bó với công việc này, cứ khoảng 6 giờ sáng mỗi ngày chị cùng các đồng nghiệp trong Đội vệ lại leo bộ lên chùa Đồng thu gom rác, quét dọn vệ sinh. Với các chị đây không chỉ là công việc mưu sinh mà còn thể hiện tấm lòng của người Phật tử với đất tổ.

"Vào dịp lễ hội khách rất đông, lượng khách nhiều lắm, chị em làm vất vả nhưng cũng vui, đặc biệt những ngày mưa, sương mù, lại gió nữa nhưng chị em phải luôn cố gắng vận chuyển rác xuống nhà ga để cho môi trường sạch sẽ. Mình làm có tâm vừa vệ sinh môi trường sạch sẽ cho du khách đi lại, vừa làm công đức cho con cháu mình sau này", chị Ngát nói.

Để Yên Tử luôn sạch đẹp, nhiều năm qua Công ty CP phát triển Tùng Lâm đã truyền đi thông điệp “Nhặt rác trên đường trời thương phật độ/Vứt rác bừa bãi ngàn vái cũng bằng không” đến cán bộ nhân viên và du khách. Đặc biệt đơn vị luôn duy trì đội vệ sinh với khoảng 30 người vào ngày thường và mùa lễ hội có khoảng 100 người. Mỗi ngày đôi vệ sinh thu gom, vận chuyển hàng tấn rác bằng đường bộ xuống điểm tập kết và đưa xuống chân núi.

Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ: "Chúng tôi đã sử dụng lực lượng vệ sinh viên là những người đồng bào dân tộc tại chân núi Yên Tử, làm vệ sinh toàn tuyến, từ khu vực bến xe đến chùa Đồng, trải dài gần chục km, đường dốc núi cao. Công việc rất vất vả, nhưng chị em làm với tinh thần rất là tốt, chịu thương chịu khó, đặc biệt là họ thích thú với công việc đấy, họ thi đua với nhau, phấn đấu hết ngày không để rác lại Yên Tử".

Sau gần 3 năm dịch bệnh, năm nay lượng khách hành hương về tham quan và lễ Phật tăng cao, Công ty CP phát triển Tùng Lâm đã tập trung rà soát lại các điểm tập kết rác và tăng cường lực lượng dọn vệ sinh toàn tuyến, đảm bảo bảo môi trường luôn xanh - sạch - đẹp.

Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cho biết: "Sau khi rác được thu gom trên đỉnh núi, ví dụ khu vực chùa Đồng, Bảo Sái, Vân Tiêu, Hoa Yên rác được tập trung về vị trí tập kết, sau đó được vận chuyển bằng tời xuống khu vực bến bãi tập kết ở dưới Giải Oan, xe rác sẽ vận chuyển ra ngoài khu di tích đẻ xử lý theo quy định".

Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh khẳng định, hơn 10 năm qua chính quyền địa phương và giáo hội đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực Yên Tử. Đặc biệt, con đường kết nối vào Khu danh thắng Yên Tử đã được nâng cấp mở rộng; công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân về lễ Phật. 

"Tại các điểm di tích tại Yên Tử đã được chỉnh trang đẹp đẽ, vệ sinh môi trường được Ban tổ chức lễ hội và Công ty CP phát triển Tùng Lâm thực hiện rất tốt. Hàng vạn du khách về một ngày nhưng khu dích luôn sạch đẹp, không có hiện tượng ăn xin, chen lấn xô đẩy tại khu di tích", Thượng tọa Thích Đạo Hiển nói.

Với phật tử Đặng Đình Lâm, Nguyễn Văn Hải ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, năm nào cũng vậy cứ mỗi độ xuân sang hay vào ngày giỗ của Phật hoàng Trần Nhân Tông, ông cùng người thân lại hành hương về Yên Tử lễ Phật và tri ân công đức của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông. Về đây các phật tử không chỉ được hòa mình với thiên nhiên mà còn rất hài lòng về công tác đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh môi trường nơi đây.

"Tôi đi nhiều rồi, lên đây không khí trong lành, thoáng đãng mát mẻ, vệ sinh môi trường ở đây thì cực kỳ tốt, rất sạch sẽ".

"Nhà chùa ngày một khang trang hơn, nồng nhiệt đón khách thập phương đến và công tác vệ sinh môi trường sạch sẽ, an ninh trật tự cực kỳ tốt, so với các nơi khác thì Yên Tử là nhất".

Mỗi năm Yên Tử đón hàng triệu du khách thập phương, đặc biệt vào dịp lễ hội mỗi ngày Yên Tử đón hàng vạn du khách và có hàng tấn rác được xả ra. Thế nhưng, non thiêng luôn sạch đẹp là nhờ sự cần mẫn, tận tụy của những nữ lao công, họ không ngại gian khó ngày ngày băng rừng vượt suối để nhặt rác, “cõng” rác xuống núi.

Việc làm của họ không những giữ gìn môi trường cho di tích đặc biệt này, mà còn là hình ảnh đẹp để du khách thập phương nhìn vào và soi lại ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cảnh quan, như một trong các nét cần có của văn hóa du lịch./.