Công nghệ thôi chưa đủ

Ứng dụng công nghệ thông minh vào quản lý giao thông là xu thế tất yếu. Tuy vậy, để những ứng dụng này đi vào thực tiễn đời sống, không chỉ trông chờ một hệ thống công nghệ hoàn chỉnh, được cập nhật liên tục, mà đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật đi kèm...

Nếu nhìn vào sự thành công của hệ thống thu phí không dừng ETC trên hệ thống cao tốc, nhiều người có thể nghĩ rằng việc áp dụng công nghệ này vào thu phí đỗ xe sẽ tương đối thuận lợi, dễ dàng.

Tuy vậy, điểm khác biệt lớn nhất từ thành công của hệ thống thu phí không dừng ETC là sự chỉ đạo xuyên suốt từ Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan, từ hệ thống luật pháp đến chế tài xử lý các phương tiện không dán thẻ, thẻ không đủ tiền vẫn đi vào cao tốc… đến những quy định như “cấm dừng đỗ quá 5 phút trước trạm thu phí”, cũng như sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, từ phạt trực tiếp của CSGT, đến việc phạt nguội.

Thêm vào đó, việc thu phí không dừng ETC được áp dụng trong một không gian khác biệt, chỉ có một lối vào và 1 lối ra.

Khi phương tiện vào cao tốc, camera sẽ tự động nhận diện biển số phương tiện thông qua thẻ ETC để trừ tiền khi phương tiện ra khỏi cao tốc.

Những yếu tố này là vô cùng cần thiết, cùng với một hệ thống công nghệ tương đối hoàn chỉnh đã giúp cho việc thu phí tự động không dừng dễ dàng thực hiện.

Ảnh: Thanh Niên

Trở lại với các hệ thống thu phí đỗ xe vừa bị “khai tử”, ngay cả khi phần mềm công nghệ được hoàn thiện, liên tục được cập nhật, cũng chưa thực sự đảm bảo sẽ đem lại hiệu quả nếu thiếu sự phối hợp của các bên liên quan.

Bởi lẽ, trong hơn 3 năm áp dụng trông giữ xe bằng công nghệ iParking tại Hà Nội, có hàng trăm trường hợp tài xế gửi xe quá thời gian, nhưng không thanh toán, nhưng nhân viên trông giữ không có thẩm quyền giữ xe hay xử phạt…

Nếu thiếu sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, rất khó đảm bảo hệ thống công nghệ có thể ứng dụng thành công.

Thêm vào đó, không thể thiếu sự cam kết mạnh mẽ và sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Bởi từ kinh nghiệm thực tiễn áp dụng iParking cho thấy, nếu chỉ doanh nghiệp Nhà nước hoặc một số đơn vị áp dụng công nghệ, trong khi chính quyền cấp quận, huyện vẫn cấp phép hoặc làm ngơ cho những điểm trông giữ phương tiện tự phát, thì cũng không thể đem lại hiệu quả như mong muốn.

Ngoài ra, để đảm bảo đa dạng hóa phương thức thanh toán bằng điện thoại, qua tin nhắn của các nhà mạng Viettel, Mobile, Vinaphone, hay các loại thẻ tín dụng, thẻ cào, thậm chí xuất hóa đơn điện tử… không thể chỉ trông chờ đơn vị, doanh nghiệp thực hiện, hay đơn vị viết phần mềm công nghệ có thể kết nối, đàm phán với các nhà mạng, ngân hàng, mà đòi hỏi phải có sự tham gia của cơ quan quản lý, chí ít là Bộ GTVT – nhất là khi công nghệ thu phí đỗ xe được nghiên cứu, xem xét ứng dụng trên phạm vi cả nước.

Điều đó cho thấy, dù việc ứng dụng công nghệ vào quản lý giao thông, ứng dụng giao thông thông nh là xu thế tất yếu, tuy vậy, chỉ xây dựng phần mềm là chưa đủ, mà đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương, hỗ trợ cho việc ứng dụng phần mềm một cách hiệu quả.

Không chỉ dừng lại ở việc thu phí trông giữ phương tiện, Hà Nội và TP. HCM đang tính tới việc hạn chế phương tiện vào nội đô. Chừng nào những chính sách đối với công nghệ thu phí dừng đỗ chưa được khắc phục, chỉ trông chờ vào những phần mềm công nghệ đơn độc, rất khó đem lại hiệu quả như mong muốn.