Còn dọa đến bao giờ?

Tuy đã có nhiều chế tài được đặt ra nhằm xử lý tình trạng sim rác, cuộc gọi rác hay tin nhắn rác song kết quả xử lý thời gian qua ở TP.HCM và các địa phương không khác gì “hạt cát”. Thái độ “quyết tâm xử lý nghiêm” phải chăng chỉ đang dừng lại ở mức hô hào.

Là người dân đang sinh sống và làm việc tại các đô thị, hẳn các bạn đã hơn một lần bị làm phiền bởi các cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Một số người ban đầu tỏ ra hào hứng khi dường như được quan tâm, nhưng khi lượng tin nhắn và cuộc gọi diễn ra thường xuyên hơn thì bắt đầu chuyển sang khó chịu thậm chí cau có.

Nghiêm trọng hơn, không ít người đã lâm vào cảnh mất tiền mất của mất luôn niềm tin khi bị lừa đảo từ các cuộc gọi rác, các tin nhắn rác này.

Đã có thời gian tình trạng này bị dư luận và truyền thông phản đối mạnh mẽ. Nó quyết liệt đến mức Chính phủ phải ban hành Nghị định 91/2020 đưa ra các mức chế tài cụ thể với mong muốn “triệt tiêu cho được” vấn nạn này.

Đáng chú ý là trong Nghị đinh này, mức phạt tối đa đối với hành vi phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác lên đến 80-100 triệu đồng. Tuy vậy, chỉ sau 1 thời gian ngắn tạm lắng thì tin nhắn rác, cuộc gọi rác lại tiếp tục bùng phát không khác gì “trăm hoa đua nở”.

Trách nhiệm đầu tiên vẫn là ở các doanh nghiệp viễn thông, nơi quản lý thông tin của hơn 124 triệu thuê bao di động của cả nước. Tiếp đến là trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh có sử dụng thông tin khách hàng như bảo hiểm, bất động sản,ngân hàng hay các hình thức giao dịch dân sự khác.

Chính sự buông lỏng trong quản lý, tùy tiện trong sử dụng và mua bán thông tin khách hàng đã khiến vấn nạn này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Ở góc độ vĩ mô thì việc quản lý, kiểm tra, xử phạt theo kiểu “3 phần bất lực, 7 phần nuông chiều” của các cơ quan chủ quản, các địa phương đã khiến các đối tượng có phần “lờn thuốc” và ra sức đẩy nhanh tốc độ lẫn số lượng tin nhắn rác, cuộc gọi rác phát tán đến người dùng.

Nghị định 91/2020 của Chính phủ hay nhiều thông tư hướng dẫn khác của các Bộ ngành, địa phương về xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực thông tin là khá rõ ràng và đầy đủ.

Tuy nhiên, việc thực thi trong thực tế không khác gì “giơ cao đánh khẽ” khi số vụ xử lý có thể đếm được trên đầu ngón tay và vẫn chưa có một cá nhân, tập thể nào bị xử lý kịch khung cho hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Thay vì xuất hiện với những phát biểu mang tính dân túy thì đã đến lúc những người có trách nhiệm cần thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình đồng bộ dữ liệu để sớm thanh lọc các thuê bao ảo.

Cần yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ triển khai hệ thống lọc và đánh chặn để hạn chế thấp nhất tình trạng phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác tiến đến việc ngừng cung cấp dịch vụ đối với những thuê bao nghi ngờ.

Nếu cứ tiếp tục dùng các quy định pháp luật để “rung cây dọa khỉ” thì sẽ còn rất lâu nữa người dân mới có thể thoát cảnh bị làm phiền bởi cuộc gọi rác hay tin nhắn rác.