Còn để người dân lo âu đến bao giờ?

Việc giải quyết dứt điểm bài toán xăng dầu được xem là yêu cầu cấp thiết để không chỉ duy trì đời sống dân sinh mà còn là đảm bảo ổn định tiến đến tăng tốc trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội toàn vùng.

Nhiều người dân phải xếp hàng dài chờ đợi để được đổ xăng.

Những ngày qua, hẳn người dân cả nước đã không còn quá xa lạ hình ảnh dòng người rồng rắn, chen chúc nhau tại các cây xăng để chờ đến lượt được “đổ đầy bình”.

Trong dòng người ấy, hình ảnh bà mẹ trẻ tay trái dắt đứa con gái lớn mới hơn 3 tuổi, tay phải bế đứa nhỏ chưa đầy năm đứng bên lề 1 cây xăng chờ chồng đang mất hút trong đám đông, khiến không ít người chạnh lòng.

Dù có lạc quan đến mấy thì cũng không nhiều người có thể mường tượng được những ký ức của một thời bao cấp đang được tái hiện ngay giữa Sài Gòn – TP.HCM ồn ào, tấp nập

Một số người đã ví von hình ảnh xếp hàng đổ xăng với cảnh tượng xếp hàng chờ …test Covid 19 cách đây chưa lâu. Dù khá khập khiễng nhưng tựu trung lại những hình ảnh ấy dường như cho thấy sự tương đồng về cái gọi là “sự bất ổn”. Nếu như hơn 1 năm trước, cả nước hoảng hốt vì virus Corona, thì giờ đây nỗi lo lắng ấy mang tên thiếu xăng dầu.

Tình trạng các cửa hàng xăng dầu nghỉ bán vì nhiều lý do khác nhau không phải diễn ra lần đầu mà đã manh nha từ trước đó. Giờ đây, làn sóng rủ nhau “đóng cửa” của hàng trăm cây xăng đã đẩy hàng triệu người dân rơi vào cảnh dở cười dở khóc vì có xe, có tiền nhưng không có xăng để chạy.

Đã bắt đầu xảy ra những cuộc tranh luận, thậm chí là đổ lỗi từ các bên liên quan trong câu chuyện quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu. Nếu như Bộ Tài Chính đẩy quả bóng trách nhiệm phân phối, điều tiết nguồn cung cho Bộ Công Thương thì cũng có ý kiến nhận định chính những sự chậm chạp trong chính sách điều chỉnh giá, chi phí, chiết khấu đã góp phần khiến dòng chảy của xăng dầu bị chậm lại.

Cần khẳng định rằng, việc để người dân phải chạy đôn chạy đáo, thức khuya dậy sớm, lộn ngược lộn xuôi để mua từng lít xăng dầu như thời gian qua, trách nhiệm lớn nhất thuộc về liên bộ Tài Chính – Công Thương. Ở vai trò tham mưu cho Chính phủ trong điều hành xăng dầu thì tổ chức này đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, khi trực tiếp hoặc gián tiếp khiến tình hình cung ứng, mua bán, điều chỉnh giá xăng dầu trở nên phức tạp.

Sửa sai là chắc chắn, thanh kiểm tra là đương nhiên, tuy vậy Liên Bộ Tài Chính - Công Thương cần phải khắc phục ngay những bất cập đã và đang tồn tại. Đầu tiên là xử lý triệt để những trường hợp găm hàng chờ tăng giá, sau đó cần tính toán cân đối lại thời gian điều chỉnh giá cũng như các chi phí liên quan để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động ổn định, người dân dễ dàng tiếp cận hơn.

Cuối cùng, phải nhắc lại rằng, dù thay đổi thế nào, xử lý ra sao thì cũng cần đặt quyền lợi của người dân vào trung tâm của sự điều chỉnh. Vì nếu cứ mãi kéo dài nỗi lo của người dân như thời gian qua thì không có gì chắc chắn cho cái gọi là phát triển hay tăng trưởng chung của cả nước.