Có thể ngăn ngừa, loại bỏ doanh nghiệp yếu kém tổ chức đấu giá?

Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi. Đáng chú, tại dự thảo Luật này, Bộ Tư pháp đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng lựa chọn các doanh nghiệp, đơn vị không đủ năng lực tổ chức các cuộc đấu giá, ảnh hưởng đến chất lượng công tác đấu giá tài sản.

Dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi do Bộ Tư Pháp soạn thảo; gồm 3 Điều: sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Quy định chuyển tiếp và hiệu lực thi hành. Trong đó sửa đổi, bổ sung 24 điều và bổ sung 1 Điều mới.

Cụ thể, dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, bổ sung 1 Điều mới quy định về: tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quyền, nghĩa vụ và việc thay đổi đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, trong đó có tính đến một số loại tài sản đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, nh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tổ chức đấu giá và hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Đặc biệt, về tiêu chuẩn của tổ chức đấu giá tài sản, dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi giữ nguyên một số quy định còn hiệu lực và đang phát huy hiệu quả, như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá; Có phương án đấu giá khả thi, hiệu quả; Có năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá tài sản; Có tên trong danh sách các tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố…

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi cũng quy định, trách nhiệm của Chính phủ trong công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản, trong đó có việc xây dựng, quản lý và hướng dẫn sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia; tổ chức thực hiện việc thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, thông báo công khai việc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng cuộc đấu giá, dự thảo Luật Đấu giá tài sản cũng sửa đổi quy định tiêu chuẩn đấu giá viên. Theo đó, người đã là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại có thời gian hành nghề từ 2 năm trở lên; người có thời gian làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp từ 5 năm trở lên; Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên… mới được giảm ½ thời gian đào tạo nghề đấu giá (thời gian khóa đào tạo nghề đấu giá là 6 tháng).

Về quyền và nghĩa vụ của đấu giá viên, dự thảo Luật đấu giá tài sản sử đổi cũng quy định, đấu giá viên phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hành nghề đấu giá tài sản hàng năm để đảm bảo chất lượng đội ngũ đấu giá viên.

Dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi đã được Bộ Tư pháp lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương. Dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra từ 23/10 đén 29/11 năm nay.

Nhiều điều kiện mới có giúp ngăn ngừa, loại bỏ doanh nghiệp yếu kém tổ chức đấu giá tài sản? (nguồn: chinhphu.vn)

SÁNG LỌC NHỮNG DOANH NGHIỆP ĐỦ NĂNG LỰC

Vì sao Bộ Tư pháp đề xuất quy định tiêu chuẩn đối với tổ chức thực hiện đấu giá tài sản? PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn TS. Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

PV: Dự thảo Luật Đấu giá tài sản quy định việc lựa chọn doanh nghiệp tổ chức đấu giá tài sản như thế nào? Dựa trên những tiêu chí nào? Vì sao, thưa ông?

TS. Trần Minh Sơn: Việc quy định các tiêu chí để chấm điểm, lựa chọn đảm bảo tính cạnh tranh và chọn ra được tổ chức đấu giá tài sản tốt nhất. Đồng thời, các tổ chức đấu giá tài sản có cơ sở để xây dựng cho tổ chức mình ngày càng hoàn thiện hơn.

Tuy nhiên, để hoàn thiện quy định này cần nghiên cứu các vấn đề cơ bản như sau: Thứ nhất, đối với tiêu chí xây dựng phương án đấu giá khả thi, hiệu quả, không nên mang tính “định tính”, chung chung, mà nên rõ ràng, cụ thể.

Thứ hai, mức chấm điểm tối thiểu và tối đa cần hợp lý với thực tiễn hoạt động của loại hình doanh nghiệp này.

Thứ ba, người có tài sản đấu giá khi ban hành thông báo để lựa chọn tổ chức đấu giá đưa ra một số tiêu chí khác không phù hợp với tài sản đấu giá, mà chủ yếu dựa trên ý chí cá nhân của người có tài sản nên các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh thường thua thiệt hơn do là đơn vị sự công lập của địa phương nên không được tham gia ở các tỉnh/thành phố khác.

PV: Theo ông, những tiêu chí đó đã đủ để sàng lọc những doanh nghiệp không đủ điều kiện hoặc thiếu năng lực, kinh nghiệm tổ chức đấu giá?

TS. Trần Minh Sơn: Để hoàn thiện quy định về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản cần quan tâm sửa đổi, bổ sung một số nội dung về người có tài sản đấu giá khi ban hành thông báo để lựa chọn tổ chức đấu giá; đưa ra một số tiêu chí khác phải phù hợp với tài sản đấu giá.

Đối với các tiêu chí về số lượng hợp đồng dịch vụ đấu giá cùng loại tài sản với tài sản dự kiến đưa ra đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản liệt kê tất cả các cuộc đấu giá đã thực hiện phải thống nhất với số liệu báo cáo của tổ chức đấu giá tài sản nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản là Sở Tư pháp...; mức chấm điểm nên bổ sung thêm quy định về trụ sở của tổ chức đấu giá tài sản và trụ sở của người có tài sản đấu giá…

TS. Trần Minh Sơn

PV: Lâu nay vẫn xảy ra tình trạng lựa chọn những doanh nghiệp không đủ năng lực tổ chức hoạt động đấu giá. Theo ông, vì sao tồn tại tình trạng này? Cần bổ sung những tiêu chí gì để khắc phục?

TS. Trần Minh Sơn: Việc lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản có đủ năng lực, kinh nghiệm, uy tín, có phương án đấu giá khả thi, hiệu quả là rất quan trọng, quyết định sự thành công của cuộc đấu giá, hạn chế tối đa tiêu cực, thất thoát, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến cuộc đấu giá về sau.

Theo tôi để lựa chọn những doanh nghiệp đủ năng lực tổ chức hoạt động đấu giá thì cần quy định rõ tiêu chí, thời gian để càng nhiều tổ chức đấu giá tài sản có thể tham gia lựa chọn doanh nghiệp đấu giá, đồng thời tăng tính cạnh tranh, nh bạch trong hoạt động đấu giá tài sản. Ví dụ, nhiều trường hợp người có tài sản đấu giá thông báo thời gian rất ngắn, chỉ 2 - 3 ngày là chốt hồ sơ, nên nhiều tổ chức dù có năng lực, kinh nghiệm vượt trội nhưng không được lựa chọn vì… chưa kịp nộp hồ sơ thì đã hết hạn.

Quy định này cũng tránh tùy tiện hoặc thời gian quá ngắn, gây khó khăn cho tổ chức đấu giá tài sản có năng lực, kinh nghiệm khi tham gia nộp hồ sơ lựa chọn tham gia đấu giá mà trên thực tế đã diễn ra nhiều trường hợp như vậy.

PV: Xin cảm ơn ông.

BẢO ĐẢM LỢI ÍCH GIỮA CÁC BÊN

Việc đặt ra những quy định mới về tiêu chuẩn doanh nghiệp tổ chức thực hiện đấu giá, tiêu chuẩn đấu giá viên có giúp ngăn ngừa các tổ chức không đủ năng lực tổ chức thực hiện đấu giá? PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn TS. Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này:

PV: Thưa ông, lâu nay vẫn xảy ra tình trạng lựa chọn những doanh nghiệp không đủ năng lực tổ chức hoạt động đấu giá. Theo ông, vì sao vẫn tồn tại tình trạng này?

TS. Đinh Xuân Thảo: Theo kinh nghiệm của nước ngoài thì đây là vấn đề hết sức quan trọng Việt Nam hoạt động đấu giá này thì nó còn mới mẻ. Luật quy định về đấu giá tài sản chúng ta mới chỉ có 5 năm nay thôi, cho nên là hình thành các tổ chức thực hiện đấu giá ít.

Hiện nay, chúng ta có 63 tỉnh thành, thì chỉ có hơn 50 đầu mối về đấu giá tài sản thô, mà lại giao cho các cơ quan quản lý nhà nước là Sở Tư pháp để quản lý thì họ cũng không phải là những nơi có kinh nghiệm nhiều trong việc đấu giá tài sản.

Vì có ít tổ chức thực hiện này, cho nên khi có tài sản cần đưa ra đấu giá thì việc lựa chọn nhiều lúc cũng chưa thật là thỏa đáng để chọn đúng tổ chức năng lực tốt để tổ chức đấu giá.

PV: Vậy với những quy định đặt ra tại dự thảo luật, theo ông đã đủ ngăn ngừa tình trạng này hay chưa, hay cần bổ sung những tiêu chí gì để khắc phục?

TS. Đinh Xuân Thảo: Quy định trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đấu giá tài sản lần này đưa ra một số nội dung sửa đổi về vấn đề đào tạo nghề đấu giá. Đây cũng là một bước tốt, quy định về các loại đối tượng sẽ có đào tạo trong 6 tháng, có những loại đối tượng chỉ là 3 thôi, rồi lại có tập huấn, bồi dưỡng thêm hằng năm nữa.

Nhưng có lẽ cũng cần quan tâm hơn và cũng phải học hỏi kinh nghiệm của các nước để đào tạo, bồi dưỡng này là phải hình thành một cách chuyên sâu, chuyên nghiệp.

PV: Kinh nghiệm thế giới thì họ đặt ra những tiêu chuẩn như thế nào? Tiêu chí nào là quan trọng nhất trong việc lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đấu giá?

TS. Đinh Xuân Thảo: Thường ở nước ngoài họ có những sàn đấu giá chuyên nghiệp, đối với từng loại tài sản đấu giá thì những sàn đó họ có đội ngũ nhân viên rất chuyên nghiệp, thành thạo, để chọn những sàn đấu giá phù hợp và họ đấu giá một cách rất công khai.

Những người có tài sản người ta sẵn sàng đưa đến những địa điểm tổ chức, đến những sàn đấu giá chuyên nghiệp, phù hợp. Liên quan đến việc ai là người quyết định chọn nơi để đấu giá, chỗ này theo kinh nghiệm của các nước thì quy định rất rõ rồi.

PV: Theo ông, nếu dự thảo luật được ban hành sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

TS. Đinh Xuân Thảo: Nó sẽ tác động rất tốt và kịp thời, phục vụ cho việc đấu giá tài sản nước ta hiện nay. Đây là xu hướng bảo đảm lợi ích giữa các bên, cho nên một hành lang pháp lý hoàn thiện, chuẩn mực thì nó sẽ phát huy được tác dụng tốt.

Cái này cũng sẽ góp phần quan trọng để giải quyết các ách tắc hiện nay như các xe cộ vi phạm giao thông chất đống các bãi xe mà nhiều lúc bị ách tắc không giải quyết được, cũng là do khâu đấu giá tài sản.

Cho nên các quy định này sẽ có tác dụng tốt trong thực tiễn thực thi pháp luật, góp phần hỗ trợ cho nhiều luật khác có liên quan đến quy định về đấu giá tài sản.

PV: Xin cảm ơn ông.

Theo Bộ Tư pháp, 5 năm triển khai Luật đấu giá tài sản, đội ngũ đấu giá viên và tổ chức đấu giá tài sản ngày càng trưởng thành, lớn mạnh với số lượng hơn 1.200 đấu giá viên và gần 600 tổ chức đấu giá tài sản, trong đó có 58 trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tuy vậy, vẫn còn nhiều trường hợp doanh nghiệp được lựa chọn tổ chức đấu giá thiếu năng lực, khiến chất lượng dịch vụ đấu giá chưa cao bị ảnh hưởng.

Vì vậy, dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi đã dặt ra nhiều biện pháp nhằm khắc phục những bất cập này.

Bạn kỳ vọng gì vào dự luật này? Nếu được ban hành, các quy định mới của dự luật sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Aple Podcast và Google Podcast.