Có nên cân nhắc giới hạn độ tuổi điều khiển phương tiện giao thông?

VOVGT-Ở nước ta, việc người cao tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây ra tai nạn đáng tiếc cũng không phải là hiếm gặp...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Việc người cao tuổi điều khiển phương tiện khi không có sức khỏe đảm bảo là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn. (Ảnh: Dân trí)

Hàng ngày tham gia giao thông trên đường, có thể bạn vẫn thường xuyên thấy hoặc giật mình bởi có những người đã rất lớn tuổi nhưng vẫn tham gia giao thông. Thực tế giao thông cho thấy, việc người cao tuổi điều khiển phương tiện khi không có sức khỏe đảm bảo là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn.

Điều này cũng tiềm ẩn nguy hiểm cho những người cao tuổi và những người cùng tham gia giao thông khi đi gần họ. Vì thế, để đảm bảo an toàn giao thông, đã đến lúc cần có những quy định hợp lý về độ tuổi tối đa cho người tham gia giao thông.

Theo điều 60 Luật Giao thông đường bộ quy định về độ tuổi, sức khỏe lái xe tham gia giao thông, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái mô tô hai bánh, mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi....Như vậy, hiện không có quy định nào giới hạn độ tuổi tối đa của người điều khiển những phương tiện trên tham gia giao thông, trong khi đây lại là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông hiện nay.

TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia phân tích về những nguy cơ này:

 

“Người già có thể gây ra nhiều nguy hiểm, thậm chí tai nạn vì, trong những điều kiện sức khỏe không đảm bảo như không còn nh mẫn, nhanh lẹ, nên phản ứng chậm chạp trước các tình huống khi tham gia giao thông. Thậm chí có trường hợp tai không nghe rõ, mắt đã mờ những vẫn tham gia giao thông trên đường khiến nguy cơ cao xảy ra TNGT”.

>>>Xung quanh quy định người đủ 15 tuổi được điều khiển phương tiện thủy dưới 1 tấn

Theo các chuyên gia, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, bổ sung quy định giới hạn về độ tuổi nhưng có điều kiện.

Thực tế không hiếm những người đã trên 70, 80 tuổi vẫn điều khiển những chiếc mô tô phân khối lớn trên đường. Vẫn biết có những người cao tuổi còn nh mẫn, đủ sức khỏe, dày dạn kinh nghiệm điều khiển các loại xe phân khối lớn nhưng số đó không nhiều.

Đa số người cao tuổi gặp vấn đề về sức khỏe, phản xạ, nhất là khi đối diện những tình huống cần xử lý nhanh. Vậy nên, theo các chuyên gia, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, bổ sung quy định giới hạn về độ tuổi nhưng có điều kiện.

Nghĩa là nếu đạt đến độ tuổi này, buộc người tham gia giao thông phải qua khám sức khỏe định kỳ từng năm mới được tiếp tục cho sử dụng phương tiện giao thông có dung tích từ 50 cm3 trở lên. Bởi hiện nay chỉ mới áp dụng việc giới hạn độ tuổi tối đa đối với người lái ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam. Bác sĩ La Đức Cương, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết:

 

“Sức khỏe là yếu tố quan trọng đối với người tham gia giao thông, vì thế từ thực tế nhiều vụ tai nạn do người cao tuổi không đủ điều kiện sức khỏe, tinh thần, trí lực thì cần nghiên cứu để điều chỉnh độ tuổi tối đa cho phép người sử dụng phương tiện. Việc điều chỉnh tuổi tùy theo loại phương tiện mà người dân muốn sử dụng”.

Trong điều kiện phương tiện giao thông công cộng tại nước ta còn hạn chế, việc Luật Giao thông đường bộ không quy định tuổi tối đa đối với người điều khiển môtô, xe máy để tạo thuận lợi cho người dân sử dụng làm phương tiện đi lại. Tuy nhiên, rõ ràng là người điều khiển phương tiện cần phải đảm bảo sức khỏe theo quy định mới có thể tham gia giao thông an toàn.

TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nêu ý kiến về vấn đề này:

 

“Nhiều người lớn tuổi vì nhiều lý do vẫn cố điều khiển phương tiện trên đường mà không tính tới các rủi ro. Từ bỏ việc lái xe là một thay đổi lớn trong cuộc sống mà họ không muốn đối mặt. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng an toàn mới là điều quan trọng nhất đối với gia đình và cộng đồng. Những hậu quả là không thể lường trước nếu tai nạn xảy ra. Vì thế, nếu cảm thấy bản thân không đủ sức khỏe, người cao tuổi hãy suy nghĩ tới việc thay đổi phương tiện di chuyển khác”.

Như vậy, để góp phần giảm thiểu TNGT, chúng ta cần sớm xây dựng những tiêu chuẩn sức khỏe cho người lái xe phù hợp với tình hình thực tế. Mặt khác, người cao tuổi cần chủ động không điều khiển phương tiện nếu thấy việc đó không đủ điều kiện an toàn. Từ đó, góp phần đảm bảo an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.

>>>Đề xuất điều chỉnh độ tuổi điều khiển xe gắn máy với học sinh theo hướng nào hợp lý