Có điểm đón trả khách là chưa đủ

Thực tế triển khai điểm dừng đón trả khách rất ít phát huy hiệu quả khi thiếu nghiên cứu nhu cầu của hành khách, và đi cùng với nó không có các giải pháp xử lý mạnh với trường hợp dừng đỗ sai quy định.

Việc Sở GTVT Hà Nội dự kiến xây dựng 41 điểm dừng đón trả khách tuyến cố định đã cho thấy việc quản lý đã tiếp cận nhu cầu và lợi ích của hành khách, của doanh nghiệp vận tải.

Nếu triển khai hiệu quả, vị trí thuận lợi cho hành khách, các điểm dừng đỗ, đón trả khách này sẽ trở thành điểm tựa cho các doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính, đồng thời hạn chế được tình trạng xe dù, bến cóc khi người dân ngại đến bến.

Thậm chí, lãnh đạo Bộ GTVT từng coi việc xây dựng các điểm dừng đón trả khách là giải pháp mang lại hiệu quả kép, không những giải quyết được tình trạng xe dừng, đỗ đón trả khách chiếm hết lòng đường, gây mất ATGT, mà khi có các điểm dừng đỗ sẽ dần tạo ý thức cho hành khách khi có nhu cầu đi xe khách là nghĩ ngay tới phải đến các điểm này để đón xe…

 

Ảnh nh họa

Thực tế việc triển khai các điểm đón trả khách tại Hà Nội thời gian qua cho chưa cho thấy nỗ lực để đạt được những mục tiêu này. Cụ thể, giữa năm 2019, Sở GTVT Hà Nội từng thí điểm 2 điểm dừng đỗ đón trả khách gần cầu vượt Kim Chung, thuộc đường Võ Văn Kiệt và 1 cặp điểm dừng tại km số 8+200, thuộc Quốc lộ 2 (gần lối vào cao tốc Hà Nội – Lào Cai).

Tuy vậy, các điểm dừng đỗ này chỉ cắm một biển báo, giống như điểm dừng xe buýt, không có mái che, đặc biệt là xa khu dân cư, nên rất vắng khách.

Thất bại của việc thí điểm 2 điểm dừng đón trả khách này khiến ý đồ quy hoạch 25 cặp điểm đón trả khách trên các quốc lộ đưa ra cuối năm 2019 cũng không thực hiện được.

Điều đó cho thấy, việc thiết kế các điểm dừng đón trả khách cho xe tuyến cố định là một chuyện, việc xây dựng, quản lý, vận hành một cách hiệu quả các điểm đón trả khách này mới là việc khó.

Bởi các điểm đón này chỉ phát huy tác dụng khi thu hút được hành khách. Để đạt mục tiêu này, trước khi áp dụng, các cơ quan thực thi cần phải nghiên cứu và tính toán thật sự tỉ mỉ, cẩn trọng. Trong đó, quan trọng nhất là việc lựa chọn địa điểm xây dựng các điểm dừng đón trả khách cũng như công tác quản lý những điểm dừng này sau khi đưa vào sử dụng.

Tuy vậy, đến thời điểm này, Sở GTVT Hà Nội mới công bố địa điểm xây dựng các điểm dừng đón trả khách, mà chưa có thông tin về kết quả khảo sát nhu cầu của hành khách như thế nào.

Do vậy, cùng với việc khảo sát, lựa chọn điểm đón trả khách phù hợp, Sở GTVT Hà Nội cần có kế hoạch rõ ràng trong việc vận hành, khai thác những địa điểm này.

Đặc biệt, cùng với việc vận hành các điểm đón trả khác được lựa chọn, cũng cần có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm với các nhà xe dừng đỗ sai quy định, đặc biệt là việc lập bến cóc, xe dù, để những doanh nghiệp làm ăn chân chính yên tâm hoạt động.

Về phía các doanh nghiệp vận tải, không thể chỉ trông chờ nỗ lực của cơ quan quản lý. Bản thân doanh nghiệp cũng cần đổi mới cách quản lý, tăng cường áp dụng công nghệ, cho phép và khuyến khích hành khách mua vé trước, mua online, hẹn thời gian đưa đón tại những địa điểm hợp lệ. Khi nhà xe chủ động kế hoạch phục vụ, cũng làm giảm lượng xe dù khi hành khách tuyến cố định được phục vụ chu đáo.

Thực tế, người dân vẫn thường chọn bắt xe dọc đường thay vì phải vào tận bến xe, vừa xa xôi, vừa lộn xộn. Do vậy, mô hình xây dựng các điểm dừng đón trả khách cố định dọc đường thay vì bắt nhà xe hoạt động tập trung trong các bến xe là một hướng cần thiết.

Nhưng chỉ có điểm dừng đón là chưa đủ, mà cần nỗ lực của cả cơ quan quản lý, các doanh nghiệp vận tải và cả hành khách. Thực hiện hiệu quả điều này, sẽ góp phần hiệu quả trong việc ngăn chặn vấn nạn “bến cóc, xe dù”./.