Cơ chế đặc thù mới cho TP.HCM: Đừng xin xong để đó

Nghị quyết 54 của Quốc hội đã tạo đà cho TP.HCM có thể phân cấp, phân quyền nhằm mục đích phát triển mạnh mẽ ở một số ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên hiệu lực của Nghị quyết 54 chỉ còn khoảng 4 tháng, Thành phố rất cần cơ chế mới để phát triển khi mà nhiều năm qua chiếc áo cơ chế này đã chật và cần sự thay đổi.Nhất là mô hình thành phố trong thành phố đã thực hiện nhưng chính sách riêng cho mô hình này vẫn chưa có.

Vậy cần cơ chế, chính sách đặc thù gì để TP.HCM vượt lên sự dò dẫm, lúng túng bấy lâu nay?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Dựa trên đề xuất của TP.HCM, tháng 11/2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54, trao một số quyền cho thành phố với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý gồm: đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế uỷ quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, có hiệu lực từ 1/2018 đến hết 2022.

Những chính sách đặc thù này được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới để đô thị 13 triệu dân bứt phá sau nhiều năm giảm tốc do "chiếc áo cơ chế" ngày càng chật, kinh tế thành phố bộc lộ bất cập.

Gần 4 năm thực hiện, bên cạnh một số kết quả khả quan, thì hầu hết các cơ chế chính sách đặc thù còn lại về quản lý tài chính, đất đai… trong Nghị quyết 54 nhằm tăng nguồn thu TP.HCM đều chưa tận dụng được.

Cụ thể, năm 2019 chính phủ đã phê duyệt danh mục 36 doanh nghiệp của Thành phố phải cổ phần hóa đến hết năm 2020. Quốc hội đã cho thành phố hưởng toàn bộ số thu từ cổ phần hoá, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước thay vì phải phân cấp nguồn thu với Trung ương.

Như vậy nếu 36 doanh nghiệp này đều thực hiện cổ phần hóa thì thành phố sẽ thu được một khoản tiền tương đối lớn.

Những chính sách đặc thù này được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới để đô thị 13 triệu dân bứt phá sau nhiều năm giảm tốc do "chiếc áo cơ chế" ngày càng chật, kinh tế thành phố bộc lộ bất cập

Tuy nhiên đến nay, khi nghị quyết gần hết hiệu lực vẫn chưa có một doanh nghiệp nào trong danh mục trên tiến hành cổ phần hóa. PGS, TS Trần Hoàn Ngân, Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển TP.HCM chia sẻ: "Cái quyền lợi này Thành phố vẫn chưa thực hiện được, bởi vì nếu như chúng ta đẩy nhanh được vấn đề cổ phần hóa và thoái vốn thì Thành phố chúng ta có thể có 1 năm từ 30 đến 50 nghìn tỷ đồng để chúng ta có thể đầu tư vào hạ tầng kinh tế xã hội".

Liên quan đến vấn đề quản lý đất đai, trong Nghị quyết 54 đã trao quyền đặc biệt cho thành phố khi HĐND Thành phố được quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa từ 10ha trở lên, điều này giúp rút ngắn quy trình tiết giảm thời gian, thay vì phải chờ 6 tháng lấy ý kiến Thủ tướng chính phủ.

Kết quả từ năm 2018 đến nay, HĐND TP đã thông qua 32 dự án chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 1.843,79 ha, tuy vậy đến nay vẫn có 31/32 dự án chưa hoàn thành các tiến độ về thực hiện, điều này đã làm mất đi tính hiệu quả của cơ chế đặc biệt này.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch HĐND Thành phố nhìn nhận: "Mặc dù việc thực hiện nghị quyết 54 đã rút ngắn được thời gian lập hồ sơ, nhưng sau khi nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố được ban hành thì các quy trình thủ tục triển khai thực hiện tiếp theo còn chậm chưa chuẩn bị tốt nên kết quả triển khai nghị quyết vẫn chưa đạt".

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận – Viện trưởng viện kinh tế, tài nguyên và môi trường TP.HCM thẳng thắng nhìn nhận việc trao quyền ở một số nội dung vẫn chưa thể giúp TP.HCM phát triển đúng như kỳ vọng, trong đó một phần nguyên nhân đến từ việc chồng chéo các điều luật, quy định trong quá trình triển khai thực hiện.

"Cái đó là một trong những điểm nghẽn mà chúng ta cần được khơi thông. Có nghĩa là chúng ta thực hiện quy trình đặc thù nhưng chúng ta chưa thay đổi được quy trình thực hiện của quy trình cũ.

Ví dụ như chủ trương thì theo Nghị quyết 54 còn quy trình thực hiện chuyển quy hoạch thì chúng ta lại theo luật chuyển quy hoạch mới có hiệu lực từ năm 2020 thì chúng ta phải theo trình tự, nếu chỉnh cục bộ thì lại chỉnh không được", Tiến sĩ Phạm Viết Thuận nói.

Nghị quyết 54 của Quốc hội đối với TP.HCM sẽ có hiệu lực đến hết năm nay, với tốc độ phát triển của một siêu đô thị đặc biệt sau 2 năm nguồn ngân sách bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.

Kết quả thực hiện nghị quyết 54 và hướng phát triển sắp tới cần được xem xét một cách thấu đáo để thành phố không phải tiếp tục khoác lên mình “chiếc áo quá chật” khác.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Trình - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết: "Hoặc là chúng ta tiếp tục đối với nghị quyết này hoặc thứ 2 là chúng ta xin một cơ chế mới hơn, giao quyền chủ động mạnh hơn cho chính quyền TP.HCM.

Kể cả việc phân cấp cho chính quyền địa phương thuộc chính quyền TP.HCM, nếu chúng ta không có một cơ chế quyết định thì chúng ta sẽ bị chậm đi theo bước phát triển của thành phố",

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: "Ở đây sẽ có mấy định hướng mà chúng tôi sẽ nghiên cứu đó là đối với những cơ chế vẫn còn giá trị nhưng có vướng mắc trong thời gian vừa qua thì chúng tôi sẽ phân tích rõ nguyên nhân đề xuất nghiên cứu những cách thức để triển khai, thứ 2 là chúng tôi tiếp tục đề xuất các cơ chế liên quan tới việc quản lý nhà nước, ví dụ như về kinh tế đầu tư, về đô thị môi trường về văn hóa xã hội phù hợp với siêu độ thị TP.HCM.

Chúng tôi sẽ đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM hay là cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức, thành phố trong thành phố để thành phố thủ đức có thể hoạt động một cách tốt hơn.

Ở đây có thể nói là những cơ chế đặc thù những chính sách đặc thù mà chúng tôi đề nghị cho TP.HCM là không phải chúng tôi xin nhiều đặc ân mà làm sao giải phóng được nguồn lực của thành phố để thành phố có thể tiếp tục thực hiện vai trò đầu tàu kinh tế của mình".

Thành phố cần chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết từ nhân lực, vật lực, tích cực cải cách thể chế, tinh gọn quy trình thực hiện…để có thể chủ động tạo ra cơ hội cho mình khi Nghị quyết về cơ chế đặc thù mới được ban hành, hơn là “xin xong rồi để đó”!

Để tiếp tục phát triển, TP.HCM cần có nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 với một cơ chế đặc thù song cần đảm bảo sự rõ ràng và thuyết phục ở cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan.

Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông qua  bài bình luận với nhan đề: "Đừng xin xong để đó”

Cần khẳng định rằng Nghị quyết 54/2017 mà Quốc hội thông qua về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM.

Ngay khi được ban hành, Nghị quyết 54 như 1 luồng gió mới thổi vào đời sống chính trị của đô thị này, công cuộc cải cách hành chính được thúc đẩy nhanh hơn; đời sống cán bộ viên chức được cải thiện; nhiều dự án trọng điểm nhóm A được tập trung đầu tư; bộ mặt đô thị chỉnh chu hơn; trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến…

Tuy vậy, qua thực tiễn triển khai cho thấy TP.HCM mới chỉ có thể thụ hưởng khoảng 50% lợi thế mà Nghị quyết 54 mang lại. Vẫn còn quá nhiều hạn chế về pháp lý, cơ chế vận hành, quy trình thực hiện và nhất là những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 đã khiến cho Nghị quyết 54 chưa thể phát huy tối đa tác dụng.

Có thể lấy thành phố Thủ Đức làm ví dụ cụ thể, sau hơn 1 năm rưỡi thành lập thì thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước này gần như chưa có một sự thay đổi nào đáng kể.

“Chiếc áo cơ chế” quá chật đã và đang khiến thành phố Thủ Đức loay hoay, chật vật để hoàn thành nhiệm vụ chứ chưa thể bứt phá như kỳ vọng.

Đến nay, khi thời hiệu của Nghị quyết 54 của Quốc hội sắp hết thì yêu cầu về 1 Nghị quyết mới ,1 cơ chế đặc thù mới dành cho TP.HCM trong giai đoạn tới là cần thiết. Và theo chúng tôi, điều quan trọng nhất của Nghị quyết lần này chính là yếu tố bền vững lâu dài chứ không chỉ dừng lại ở “thí điểm”.

Không chỉ vậy, cơ chế đặc thù mới nếu được thông qua cần phải đảm bảo sự rõ ràng và tính thuyết phục, bởi với 1 siêu đô thị như TP.HCM thì việc duy trì được sự ổn định trong phát triển cũng chính là giữ vững sự ổn định của cả nước.

Nghị quyết mới hay cơ chế đặc thù mới dành cho TP.HCM chắc chắn sẽ là điểm tựa, đòn bẩy quan trọng cho công cuộc khôi phục kinh tế xã hội sau đại dịch và xa hơn là đưa TP.HCM phát triển xứng tầm với vai trò đầu tàu kinh tế đất nước.

Để được vậy, trước tiên TP.HCM cần nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, chỉ ra được những bất cập vướng mắc để đưa ra những đề xuất phù hợp với thực tiễn.

Tiếp theo đó, Thành phố cần chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết từ nhân lực, vật lực, tích cực cải cách thể chế, tinh gọn quy trình thực hiện…để có thể chủ động tạo ra cơ hội cho mình khi Nghị quyết về cơ chế đặc thù mới được ban hành, hơn là “xin xong rồi để đó”!