Chuyển đổi số không thể ‘mạnh ai nấy làm’

Có thể hiểu đơn giản, chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ nhằm tạo thuận lợi, nâng hiệu quả công việc cho các tổ chức, đơn vị.

Điều kiện cần là phải thay đổi cách tư duy, phương pháp làm việc, để toàn bộ quá trình vận hành một tổ chức phải là sự kết hợp hệ thống của tất cả các “trạm số”, mỗi trạm số này đều đã được tinh chỉnh, tối ưu hóa dựa trên sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ.         

Trong báo chí, mục tiêu của chuyển đổi số là thay đổi mô hình tiếp cận bạn đọc, công chúng để từ đó gia tăng giá trị cho khách hàng, đồng thời tăng nguồn thu cho tòa soạn.

Trong y tế, mục tiêu của chuyển đổi số là xóa bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ, thuốc và vật tư y tế.         

Lĩnh vực giao thông vận tải cũng không ngoại lệ. Mục tiêu chuyển đổi số ngành giao thông là đem lại trải nghiệm đi lại, vận chuyển tiện lợi, an toàn hơn cho con người và hàng hóa, tạo động lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội.         

Có một điểm chung và mấu chốt trong tiến trình chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực, đó là sự nh bạch. Khi chuyển đổi số, tất cả các dữ liệu cần phải được “làm sạch” để làm cơ sở chung, dữ liệu lớn (big data) cho các tổ chức, đơn vị trong ngành, ngoài ngành khai thác tạo ra các dịch vụ liên thông, giúp thuận lợi trong quản lý và sử dụng.         

Hiểu nôm na, mọi sự thật sẽ được phơi bày trong quá trình chuyển đổi số. Và các con số thì không biết nói dối!

Tòa soạn báo sẽ phải cắt nhân lực, nội dung thiếu hiệu quả, ít người tương tác, nếu muốn tăng đầu tư cho các nội dung đem lại giá trị cao hơn như các tuyến điều tra độc quyền, báo chí dạng dài (Long form) hay dạng đa phương tiện (E-magazine).

Trở lực của chuyển đổi số trong báo chí chính là những phóng viên, nhà báo trì trệ, lo sợ mất quyền lợi, mất chỗ đứng trong thời đại mới.

Ngành y tế khi xây dựng cổng công khai giá trang thiết bị, vật tư, thuốc men, sẽ giúp hạn chế được tình trạng cố tình niêm yết giá cao hơn nhiều lần giá thành thương mại; khi tiến hành đấu thầu, mua sắm tập trung, sẽ hạn chế được tình trạng đi đêm giữa các bên nhằm nâng khống giá, tiết kiệm ngân sách, dành ngân sách để hiện đại hóa cơ sở y tế, cải thiện thu nhập nhân viên y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Trở lực của chuyển đổi số trong y tế chính là những người đang hưởng lợi từ kẽ hở, góc khuất về chênh lệch giá vật tư, trang thiết bị y tế.

Với ngành giao thông vận tải, khi chuyển đổi số các trạm thu phí BOT, các điểm đỗ xe iParking sẽ công khai, nh bạch hóa được số lượt xe, doanh thu, từ đó tính đúng, tính đủ thời gian doanh nghiệp được khai thác đường, điểm đỗ, tránh thất thu thuế cho ngân sách.

Khi quản lý được việc giám sát hành trình bằng GPS, camera, hộp đen, cơ quan quản lý có thể dẹp loạn được tình trạng “xe dù bến cóc”, các vi phạm về dừng đỗ đón trả khách, chạy sai tuyến, sai hành trình, không đúng với đăng ký kinh doanh.

Trở lực chuyển đổi số trong ngành giao thông chính là những người đang hưởng lợi từ các quy trình thủ công, thiếu nh bạch, từ cơ chế xin-cho.         

Minh chứng ở ngay câu chuyện thời sự hiện tại là thu phí không dừng. Chính phủ đã phải liên tục ra tối hậu thư mới “ép” được các bên liên quan nghiêm túc bắt tay vào triển khai. Và trong quá trình này, dường như các bên cũng thực hiện với tư tưởng “mạnh ai nấy làm”.

Cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa hai đơn vị cung cấp dịch vụ ETC cho thấy sự thiếu vắng bàn tay điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước. Câu chuyện “dữ liệu lớn”, cơ sở dữ liệu quốc gia về giao thông đã được nhắc đến nhiều nhưng chúng hoàn toàn mờ nhạt trong sự liên thông và hợp tác (nếu có) giữa các đơn vị.

Chuyển đổi số thực chất cần những con người với tư duy mới, lề lối làm việc mới, nh bạch hơn, công khai hơn, và nó phải bắt đầu từ chính các nhà quản lý, những người nhạc trưởng chỉ huy các công đoạn, các “trạm số”.

Những nhà quản lý với lối tư duy cũ, nặng về cơ chế xin-cho, ôm khư khư dữ liệu riêng ngành mình quản lý – Chính họ là trở lực cho quá trình chuyển đổi số của quốc gia.