Chuẩn bị gì để kích cầu tiêu dùng cuối năm?

Thời điểm cuối năm thường nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng cao. Kích cầu tiêu dùng nội địa được TPHCM xác định là một trong ‘cổ xe tứ mã’ để nâng tổng cầu nền kinh tế, góp phần vào việc phục hồi và tăng trưởng, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế suy thoái hiện nay.

Ngoài ra việc kích thích tiêu dùng nội địa cũng sẽ là chất xúc tác cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy các sở ngành, các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị thế nào trong thời điểm cuối năm? 

 

Thời điểm vàng kích cầu tiêu dùng nội địa (Ảnh nh họa: Vneconomy)

Theo Cục Thống kê TP.HCM, trong tháng 11/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP.HCM ước đạt 108.022,6 tỷ đồng, tăng cao so với cùng kỳ (tăng 14,6%). Tính chung 11 tháng của năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố ước đạt 1.081.301 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ.

Số liệu tăng trưởng là vậy, thế nhưng dưới tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Không ít người lao động đã dè chừng trong việc mua sắm của mình, đặc biệt trong thời điểm tết nguyên đán cận kề.

"Cô hay mua trong siêu thị tại vì nơi đó giá bình ổn nhất trên thị trường. Còn quần áo sắm sửa thì mình cũng hạn chế bớt. Có gia đình rồi nên cơm áo gạo tiền cũng phải cân đo đong đếm".

"Mua những đồ cần thiết thôi chứ cũng không ham săn đồ sale. Mặc dù thấy cuối năm sale rất nhiều nhưng nếu không cần thì cũng sẽ không mua".

"Mua những đồ mà nó có mức giảm giá, có những mức deal giá ổn hơn".

Nắm bắt được những khó khăn của người lao động hiện nay, nhiều chuỗi hệ thống bán lẻ, siêu thị đã đưa ra các chương trình kích cầu tiêu dùng. Dạo quanh các siêu thị trên địa bàn thành phố có thể dễ dàng nhận thấy hàng hoá tại các khu mua sắm được trưng bày giảm giá khá nhiều. Các mặt hàng ‘sale kịch sàn’ chủ yếu là hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép, đồng hồ, trang sức, túi xách… với rất nhiều mẫu mã, đa dạng về chủng loại và màu sắc.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng – Giám đốc maketing SaiGon Co.op cho biết, đơn vị sẽ luôn chú trọng nguồn cung ổn định, không có sự biến động về giá cả, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thời điểm từ nay đến cuối năm: "Cuối năm và nhất là dịp Tết Nguyên đán các nhà cung cấp đều mong muốn tăng giá bởi vì nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí nhân viên cũng tăng… Tuy nhiên sàn Co.op cũng đã có kế hoạch chuẩn bị cách đây hơn 6 tháng cùng đồng hành với mong muốn chia sẻ với nhà cung cấp với nhà sản xuất làm sao chúng ta có thể bình ổn được giá thị trường".

Không ít chuyên gia cho rằng, không chỉ riêng dịp cuối năm này mà trong năm 2024, TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung cần phải đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để vực dậy nền kinh tế sau tác động của dịch bệnh và diễn biến chính sự trên thế giới.

Theo T.S Trần Du Lịch - Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng các giải pháp đã được các sở ngành thực hiện thế nhưng cần phải quyết liệt và đồng bộ hơn nữa: "Tiếp tục kiên trì kích thị trường nội địa và các biện pháp mình nên làm ví dụ mở rộng tín dụng tiêu dùng, các chương trình khuyến mãi. Tiếp tục nổ lực để giữ được thị trường kích để ổn định được xuất khẩu, tôi nghĩ không phải đây không phải là điều gì mới nhưng tôi nghĩ chúng ta cần phải làm mạnh hơn, đồng bộ hơn thì sẽ hiệu quả hơn".

Ảnh: Thương hiệu và công luận

Về lâu dài, theo Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn – Giảng viên chính sách công, trường chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng, để kích cầu tiêu dùng nội địa thì việc giảm thuế giá trị gia tăng là một trong những cơ sở quan trọng góp phần giảm giá thành sản phẩm, từ đó kính thích sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, giảm nguy cơ tăng lạm phát.

"Chúng ta muốn tăng sức tiêu dùng thì chúng ta phải thực hiện 1 là giảm thuế cho người dân, thì người ta mới có thể chi tiêu. Có chi tiêu thì doanh nghiệp mới sản xuất thì như vậy mới tạo được vòng xoáy đi lên, đảo chiều vòng xoáy hiện nay đang đi xuống. thứ 2 là về tiền tệ, phải khôi phục lại động lực sản xuất của nền kinh tế để khôi phục lại sức cầu tiêu dùng nội địa của chúng ta ví dụ như những chính sách ễn giảm thuế chúng ta phải có tầm nhìn dài hạn hơn", Tiến sĩ Anh Tuấn cho biết. .

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM – Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, tại nhiều quốc gia đã xem việc kích cầu tiêu dùng nội địa như một lẻ tất yếu trong việc phát triển kinh tế. Vì thế Bí thư Thành uỷ TP.HCM yêu cầu các sở ngành cần có những việc làm cụ thể, đặc biệt trong thời điểm cuối năm cận kề:

"Tết năm nay cố gắng kích cầu, những trục đường chính như 3/2 ngày trước là tấp nập các quầy hàng thì phải coi lại cái chỗ này để chúng ta có những chính sách ngắn hạn để tạo điều kiện cho họ sử dụng những mặt bằng này bán buôn, nếu như quy định chung chưa cho thì cũng phải có những chính sách thí điểm. Nếu mở ra càng sớm thì chúng ta sẽ có một thị trường mua bán nhộn nhịp, góp phần kích cầu tiêu dùng", .

Cuối năm được xem là thời điểm vàng để thực hiện kích cầu mua sắm, tiêu dùng. Chính vì vậy cần sự kết hợp giữa các sở ngành và các doanh nghiệp góp phần cải thiện sức mua, đảm bảo không bị đứt hàng hoặc thiếu cục bộ, kịp thời can thiệp không để phát sinh việc tăng giá bất thường.

Ngoài ra, về lâu dài cần có những chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, bình ổn giá thị trường. Riêng TP.HCM cần tận dụng hiệu quả, kịp thời các cơ chế chính sách đặc thù trong nghị quyết 98, để tạo thế xoay chuyển trong tình hình khó khăn chung hiện nay.

Để tăng hiệu quả hoạt động ngay tại thị trường nội địa, doanh nghiệp Việt cần chủ động đa dạng hóa sản phẩm và giá cạnh tranh. Ảnh: Lao động thủ đô

Thời điểm vàng kích cầu tiêu dùng nội địa

Với dân số hơn 100 triệu dân, trong đó tầng lớp trung lưu được đánh giá đang ở mức cao với 20%, Việt Nam thực sự có tiềm năng và thế mạnh lớn cho tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ nội địa. Điều này đã được chứng nh trong gần 1 năm qua, trong điều kiện xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhiều thị trường bị bó hẹp nhưng tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trong nước vẫn chiếm hơn một nửa GDP.

Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân ở nhiều lúc, nhiều nơi vẫn ở mức cao, nhất là các dịp lễ, ngày trọng đại trong năm; đặc biệt là dịp cuối năm và Tết nguyên đán 2024 đã cận kề. Thị trường hàng hóa Tết vì thế sẽ sôi động và nhộn nhịp. Đây cũng là cơ hội để hàng Việt chiếm thế thượng phong nếu thực hiện đúng ý nghĩa người Việt ưu tiên dùng hàng Việt.

Năm bắt xu thế này, hiện nay, Bộ Công thương đang phát động tháng khuyến mãi với hàng ngàn gian hàng cùng sự đồng hành của rất nhiều doanh nghiệp sản xuất và cung ứng dịch vụ hàng tiêu dùng. Các địa phương cũng tăng cường tổ chức hội chợ thương mại, kết nối cung cầu nhằm kich thích nhu cầu mua sắm của người dân trong nước.

TP.HCM cũng đã tổ chức kết nối với 38 địa phương thông qua các khuôn khổn hợp tác đa dạng, nhất là hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa ổn định, bền vững cho thị trường hơn 10 triệu dân của mình.

Về mặt vĩ mô, các chính sách kích thích nền kinh tế tăng trưởng thông qua nhiều giải pháp điển hình như khuyến khích đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa của Chính phủ đang thực sự tạo đà cho hàng hóa trong nước được tiêu thụ nhiều hơn, nhất là vào năm tới được nhìn nhận là nhiều cánh cửa hợp tác của Việt Nam với bên ngoài ngày càng sâu rộng và hiệu quả hơn  trên nhiều lĩnh vực, trong đó có dịch vụ tiêu dùng.

Vấn đề lúc này là vai trò  của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thiết kế các điều kiện ưu đãi về thuế, tổ chức kết nối cung cầu và tạo điều kiện để doanh nghiệp lan tỏa hàng hóa sản phẩm doanh nghiệp của mình đến với người dân cả nước. Theo đó, nhiều tập thể và cá nhân tiếp tục đề xuất tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; tăng cường xử lý hàng gian, hàng giả, hàng lậu có nguy cơ lấn át hàng chất lượng trong nước.

Ngoài ra, việc giảm chi phí về giao thông vận tải, kho bãi, hình thành các trung tâm logictics trong cung ứng hàng hóa tiêu dùng ở các địa phương cũng rất cần thiết. Tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp và nhà sản xuất giao dịch thông qua các sàn thương mại điện tử để việc mua bán được mở rộng và nhanh chóng. Kết nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng ngày càng bền chặt và hiệu quả.

Riêng ngành ngân hàng cũng nên thực hiện các chính sách ưu tiên cho vay đối với sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu cho vay tiêu dùng của người dân để kích cầu tiêu thụ.

Bản thân các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng dịch vụ cũng tự thay đổi để thích ứng nhằm đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, giá cả hợp lý và chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó là các chính sách về khuyến mãi, hậu mãi thực sự chất lượng để giữ chân người mua hàng một cách lâu dài và tạo uy tín thương hiệu cho doanh nghiệp.

Với một thị trường tiêu thụ được đánh giá là mạnh, rộng mở; việc kết nối cung cầu; khuyến khích  mua sắm và tiêu dùng hàng hóa trong nước sản xuất,  chính là chìa khóa bảm đảm cho nền kinh tế nước ta phát triển ổn định và bền vững trong nhiều năm tới.