Chợ nổi Cái Răng: Bảo tồn tăng tuổi thọ và giữ nét 'thanh xuân'

Chợ nổi Cái Răng đã hơn 100 năm tuổi. Ngoài giao thương, có đến 70% du khách đến Cần Thơ chọn chợ nổi để tham quan vì nơi đây vẫn lưu giữ nét văn hóa rất đặc trưng của vùng châu thổ sông nước Cửu Long. Tuy nhiên, số lượng du khách và thương hồ mỗi ngày ít

Quầy hàng nổi bán đặc sản trên chợ nổi Cái Răng

Điểm son đẹp về văn hóa, thương mại 

Với tuổi đời trên dưới trăm năm, thời gian qua, chợ nổi Cái Răng đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người vùng sông nước Tây Đô. Theo thống kê của ngành chức năng, hằng ngày chợ có trên 300 tàu ghe mua bán sỉ, lẻ hàng nông sản: Trái cây, hoa kiểng, hàng thủ công, gia dụng và ẩm thực địa phương. Ước khoảng trên 2.000 tấn nông sản đầu ra, đem về doanh thu trên 3 tỷ đồng mỗi ngày. Đặc biệt, mỗi buổi sáng có trên 200 lượt tàu du lịch đưa đón khách tham quan. Từ đó chợ đã đã thu hút các nhà đầu tư xây dựng điểm du lịch, cơ sở lưu trú và các dịch vụ vui chơi giải trí.

Đề án “bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng” với kinh phí hơn 63 tỉ đồng đang được UBND TP Cần Thơ triển khai với mục tiêu bảo tồn và phát triển chợ theo hướng đầu mối trung chuyển hàng hóa nông sản của vùng ĐBSCL, phục vụ phát triển du lịch sinh thái và bảo đảm vệ sinh môi trường.

Đến nay, đề án đã hoàn thành việc phân luồng giao thông, xây dựng các mô hình tổ hợp tác sản xuất nông sản cung cấp cho chợ nổi, quầy hàng nổi trên sông và thu gom rác thải trên sông. Giai đoạn 2 của đề án đang được triển khai với các hạng mục còn lại như: Trạm dừng chân, cầu tàu chợ nổi, du thuyền và nhà hàng nổi ven sông.

Nhưng hiện nay chợ nổi đã giảm bớt phần nào du khách đến tham quan và ghe thuyền của thương hồ neo đậu mua bán. Một phần của nguyên nhân này là diện tích mặt nước đang bị thu hẹp.

Ông Trần Chí, Giám đốc công ty du lịch Đại Việt đang kinh doanh quầy bán hàng lưu niệm, đặc sản trên chợ nổi Cái Răng cho biết:

 

Hiện tại chợ nổi nó đã nhỏ rồi mà những hộ dân trên đó chiếm một diện tích rất là lớn. Không còn vùng nước để các ghe thuyền của thương hồ vùng xa tới tìm vị trí đậu đỗ. Mặt khác những đơn vị muốn đầu tư kinh doanh vào chợ nổi mà muốn tìm vị trí cũng rất  khó

Nguyên nhân khách quan khác là giao thông vận tải đường bộ, đường hàng không phát triển nên đã ít nhiều thay đổi xu hướng vận chuyển kinh doanh của các thương nhân. Trong khi đó, các văn bản về quản lý loại hình chợ đặc thù này chưa có nên kinh phí đầu tư, tôn tạo và phát triển còn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động thu hút đầu tư chưa hiệu quả, sản phẩm và dịch vụ lịch chưa phong phú nên chi tiêu của khách du lịch tại chủ yếu là tham quan, chụp ảnh.

Trước nguy cơ mai một của chợ nổi, TP Cần Thơ đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy chợ nổi. Từ năm 2016, TP Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ thương hồ chợ nổi ổn định sinh kế, gia tăng thu nhập, như: Hỗ trợ vốn vay, tổ chức thu gom rác trên sông bảo vệ môi trường, hỗ trợ nước sạch và trợ giá cho người dân chợ nổi. Đồng thời đề xuất xây dựng thêm kho vựa hàng hóa và bến giao hàng sỉ lẻ... 

Bên cạnh đó, ưu tiên duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa bản địa như: Tập huấn cho thương hồ các kiến thức và cách biểu diễn những bài đờn ca tài tử, kiến thức về các mô hình ghe, tàu để giao lưu, nói chuyện về văn hóa với du khách, duy trì mô hình trình diễn đờn ca tài tử định kỳ vào cuối tuần trên chợ nổi.

Ông Trần Chí, Giám đốc công ty du lịch Đại Việt nhận định:

 

Quận Cái Răng đang làm chương trình quảng bá hình ảnh đờn ca tài tử vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, rất là hay. Chúng ta có thể làm thêm các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật trên chợ nổi buổi sáng hoặc về đêm. Bởi vì ban đêm Cần Thơ không điểm hoạt động để đi. Nếu tiến hành làm ở chợ nổi, điểm di sản văn hóa của mình thì rất là tuyệt vời.

Tiếp nối hiệu ứng tốt, TP đang nghiên cứu các mô hình tái hiện tiếng rao hàng, lối hò đối đáp trên sông, đờn ca tài tử trên ghe thương hồ. Thử nghiệm mô hình du lịch đường sông gắn với chợ nổi Cái Răng về đêm, như một cách làm kinh tế đêm trên sông nước.

Về lĩnh vực này, tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL đồng tình ủng hộ:

 

Cần phải kết nối chợ nổi với những con phố đêm vào bản đồ chung của ngành du lịch, có như thế người ta mới biết nhiều. Và gắn kết những chính sách chung về phát triển kinh tế ban đêm để tạo ra sức hút đầu tư. 

Theo các nhà khoa học, muốn bảo tồn, tu bổ chợ nổi phải đảm bảo hài hòa lợi ích của thương hồ - nhà nông - du khách - nhà nước.

Ông Lê Thanh Phong, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch ĐBSCL góp ý rằng nên giữ nét thanh xuân của cho nổi Cái Răng thông qua các việc sau:

 

Người bán phải đủ nguyên liệu cung cấp, vật phẩm phải đủ chủng loại, chất lượng tốt và giá cả phải mềm, đảm bảo mua về bán lại là có lãi. Chúng ta phải giữ chợ nổi như cô gái 18, không thành bà già được. Ngành công thương có trách nhiệm giữ cho chợ sống, trên cơ sở đó mới xây dựng thành sản phẩm du lịch dựa trên tài nguyên có sẵn.

Chợ nổi Cái Răng là một trong ít chợ nổi ở Việt Nam còn duy trì các hoạt động mua bán tương đối nhộn nhịp, nơi đây không chỉ mua bán hàng hóa nông sản mà còn là sản phẩm du lịch đặc thù. Cho nên bên cạnh nỗ lực bảo tồn thì tu bổ nhưng vẫn giữ bằng được nét truyền thống tập quán của vùng đất chín rồng là điều mà Cần Thơ đang quyết tâm thực hiện.

Chợ nổi Cái Răng là chợ đầu mối lớn và tự nhiên của Việt Nam

Bảo tồn để tăng tuổi thọ mà vẫn giữ nét “ thanh xuân”

TP Cần Thơ đã xác định, chợ nổi Cái Răng có ý nghĩa sống còn đến sự phát triển du lịch của thành phố. Năm 2016, chợ được Bộ VH-TT-DL công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể”, đây là giá trị khẳng định được hình ảnh và thương hiệu của chợ nổi Cái Răng trong mắt du khách trong nước và quốc tế. Thế nên công tác bảo tồn tu bổ phải được tập trung để giữ hồn cho sông nước ền Tây và khai thác lợi thế thương mại. Nhưng “bảo tồn để tăng tuổi thọ mà vẫn giữ nét “ thanh xuân” hấp dẫn như đã từng trong quá khứ, đó mới là thử thách. 

Chợ nổi hình thành từ những năm đầu của thế kỷ XX. Đến đầu thế kỷ XXI, khi du lịch chợ nổi phát triển mạnh mẽ nhất, cũng là lúc chính quyền địa phương ra những quyết định hành chính di dời với lý do cản trở giao thông đường thủy, ô nhiễm môi trường. Dần dần, nhiều chợ nổi lớn biến mất trên bản đồ sông nước.

Cái Răng cũng không ngoại lệ, nhưng vị trí di dời liền kề với nhà vựa và chợ trên bờ cho nên chợ nổi Cái Răng không chết, ngược lại còn phát huy sức sống và tiềm năng thương mại mạnh mẽ, hưởng lợi từ các đợt di tản của giới thương hồ ở chợ nổi Ngã Bảy, Trà Ôn….

Đến thời điểm năm 2020, dù đang ở giai đoạn khó khăn nhưng chợ nổi Cái Răng vẫn đang khẳng định là chợ nổi tự nhiên, có quy mô lớn ở Việt Nam, còn giữ được bản sắc và giá trị gốc là biểu tượng văn hóa sông nước độc đáo vùng hạ lưu sông MeKong. Với những giá trị ấy, TP Cần Thơ đã phải nghiên cứu để “giữ cho bằng được” khu chợ trăm năm này. 

Dẫu biết nhiều thương hồ đã bỏ chọn chợ nổi để men theo những con đường bê tông thẳng tắp với tốc độ di chuyển nhanh. Nhưng chợ nổi vẫn là điểm đến đầu mối của phần lớn ghe hàng xuất phát từ các cù lao, bãi cồn và những địa phương ngăn sông lụy đò. 

Dù đã đạt được những kết quả khả quan trong 4 năm thực hiện đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng, song vẫn còn rất nhiều điều cần phải làm và phải lựa chọn những giải pháp phù hợp hơn nếu muốn giữ “tài sản sông nước” này.

Trong đó, cần chú trọng đến 3 lĩnh vực then chốt có liên quan với nhau để tập trung đẩy mạnh thì chợ nổi mới phát triển được tốt, đó là: dịch vụ phục vụ du khách tại chợ, dịch vụ lữ hành đưa rước khách và quan trọng nhất là phải quan tâm đến đời sống, sinh hoạt và có những chính sách hỗ trợ thương hồ.

Phải làm sao để chợ nổi thu hút thương hồ bám chợ, níu chân du khách.

Du khách chọn thời điểm từ 5h - 7h sáng để tham quan chợ

Vấn đề quan trọng là, chợ nổi muốn trở thành một sản phẩm độc đáo trong chuỗi sản phẩm của “du lịch văn hóa sông nước” không thể chỉ dựa vào, ăn theo “vốn xã hội” cũ để tạo ra giá trị mới mà cần tạo ra “vốn xã hội mới” từ giá trị “tài nguyên văn hóa” của chợ nổi xưa.

Song song đó, các chợ nổi cũng cần được thổi hồn để mang hơi thở hiện đại, phù hợp với nhịp phát triển của đời sống. Bởi ngày nay, khách đến các chợ nổi phần đông là vì sự hiếu kỳ muốn có những trải nghiệm mới lạ từ buổi hợp chợ sớm bằng cách sử dụng ghe, xuồng chòng chành trên sóng nước.

Đồng ý chúng ta có thể gắn thêm động cơ vào ghe, xuồng nhưng phải lưu ý không để tiếng động cơ, phần nào làm mất đi nét bình dị, yên ả vốn có của vùng quê sông nước Nam Bộ. 

Để các chợ nổi đáp ứng tốt nhu cầu của du khách, mỗi nét đẹp riêng của các chợ nổi cần phát huy, tránh tình trạng chợ nổi đều hao hao giống nhau khiến du khách nhàm chán…. Khi và chỉ khi có nguồn nhân lực chất lượng, chúng ta mới làm được điều đó. Việc này đòi hỏi mỗi địa phương cần có kế hoạch bồi dưỡng, tuyên truyền, vận động, có chính sách hỗ trợ hợp lý để giới thương thuyền, vạn đò và người dân tiếp tục bám chợ, làm phong phú thêm cho đời sống sông nước đồng bằng.

Có như vậy, chợ nổi mới thật sự nổi, và hai từ “chợ nổi” đầy tự hào của ĐBSCL sẽ không trở thành “hoài niệm” trong kí ức của những người con vùng sông nước Nam Bộ.