Chính sách thông suốt để khơi thông dòng vốn

Để làm ấm thị trường bất động sản, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, ngoài nỗ lực của bản thân doanh nghiệp trong việc cơ cấu lại sản phẩm, giảm nợ vay, các chính sách cũng cần được thông suốt mới tạo động lực khơi thông dòng vốn đối với thị trường này.

Ảnh nh họa

Theo Bộ Xây dựng, ngành bất động sản hiện đang chiếm khoảng 4,5% tổng thu ngân sách, đóng góp 0,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Tính đến tháng 9/2022, giá trị vốn hóa ngành bất động sản ước tính khoảng 1,7 – 1,8 triệu tỷ đồng.

Lĩnh vực bất động sản có mối liên quan mật thiết với khoảng 20-30 ngành nghề khác. Bởi vậy, thị trường bất động sản phục hồi sẽ kéo theo sự phục hồi, phát triển của những ngành nghề liên quan và ngược lại, nếu thị trường bất động sản đổ vỡ, doanh nghiệp phá sản, người dân không có công ăn việc làm, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Từ năm 2022, nguồn vốn tín dụng cho lĩnh vực bất động sản bị siết chặt, thị trường trái phiếu riêng lẻ liên tiếp gặp những “cú sốc” mang tên Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát ảnh hưởng đến niềm tin và tính thanh khoản của thị trường trái phiếu, điều này khiến thị trường bất động sản “lao đao”. Theo thông tin từ Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội, có tới 60-70% doanh nghiệp có nguy cơ phá sản thì cần những giải pháp nào để khơi thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp bất động sản đang “khát vốn”?

Hiện có một số dòng tiền chủ yếu đổ vào bất động sản gồm chứng khoán, trái phiếu, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp bất động sản, vốn đầu tư trực tiếp từ nhà đầu tư nước ngoài và vốn của người mua nhà… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cơ cấu nguồn vốn cho thị trường bất động sản còn bất hợp lý. Vốn chủ đầu tư chỉ chiếm khoảng 15-30% tổng mức đầu tư của dự án, còn chủ yếu là từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, vốn huy động qua phát hành trái phiếu… chưa có nguồn vốn trung, dài hạn ổn định cho thị trường.

Bởi vậy, giải pháp quan trọng lúc này là cần những chính sách quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ để khơi thông một số dòng vốn chủ yếu là vốn huy động từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu và nguồn vốn tín dụng từ phía các ngân hàng, vốn cho người có nhu cầu mua nhà. Mà trước mắt, Chính phủ sớm thông qua Dự thảo Nghị định 65 để tạo sự thông thoáng đối với thị trường trái phiếu,

Đối với nguồn vốn tín dụng, giải pháp có tính quyết định trong thời điểm hiện tại, có thể giúp làm ấm lại thị trường bất động sản, cũng rất cần có những chính sách đồng bộ cho cả doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà. Bởi nếu chỉ cho doanh nghiệp vay, người mua nhà không có tiền để mua nhà, thị trường khó có giao dịch. 

Với gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng dành cho thị trường bất động sản phần nào cho thấy động thái kịp thời, sự quyết liệt của Chính phủ nhằm “cứu” thị trường bất động sản. Tuy nhiên, để tránh mất “thời điểm vàng” các ngân hàng , tổ chức tín dụng cần giảm bớt các quy trình thủ tục, ứng dụng công nghệ tạo điều kiện các doanh nghiệp bất động sản sớm tiếp cận được nguồn vốn vay.

Thời điểm này, các doanh nghiệp bất động sản cũng cần cơ cấu lại nguồn vốn, tăng cường nguồn vốn của doanh nghiệp thông qua việc tái cấu trúc, cơ cấu lại sản phẩm. Doanh nghiệp phải xem xét lại các mặt hàng, phân khúc thị trường, chấp nhận giảm giá bán nhà, thậm chí bán những tài sản, dự án không hiệu quả để giảm nợ vay.

Đối với thị trường bất động sản, cơ chế chính sách như kim chỉ nam. Nếu các chính sách đưa ra thông suốt, mang tính thích ứng kịp thời sẽ giúp ổn định được thị trường bất động sản và từng bước phục hồi trong thời gian tới.