Chiêu mộ tài xế, cần thay đổi tỉ lệ ăn chia

Thu nhập của cánh tài xế lâu nay vốn đã bấp bênh, dịch bệnh càng khiến cho thu nhập của họ eo hẹp hơn bao giờ hết, các hạn chế đi lại kéo dài nhiều tháng đã khiến nhiều bác tài phải bỏ nghề tìm việc mới để mưu sinh.

Tuy vậy, dịch bệnh chỉ là “giọt nước tràn ly” khiến cho nhân sự ngành này thiếu hụt nghiêm trọng, cần có sự sẻ chia nhiều hơn giữa chủ DN với người lao động, đồng thời cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ, vực dậy ngành vận tải sau 2 năm đại dịch càn quét.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, sau dịch, các hãng taxi trên địa bàn đang thiếu hụt khoảng 30% nhân sự. Tình trạng này cũng diễn ra ở TP. HCM và các tỉnh phía Nam.

Di chuyển ở đường phố Sài Gòn, người ta dễ dàng bắt gặp những thông tin về tuyển dụng nhân sự ngay ở phần kính phía sau những chiếc xe buýt hay taxi.

Thực tế này diễn ra đã 2 năm nay, mặc dù các doanh nghiệp/hợp tác xã đang nỗ lực tìm kiếm, “chiêu mộ” với nhiều chính sách ưu đãi nhưng số lượng nhân sự vẫn thiếu hụt. 

Một trong những yếu tố quyết định “tài xế” ở lại DN hay ra đi đó là thu nhập. Hiện cánh tài xế taxi truyền thống cho rằng tỷ lệ ăn chia 50-50 giữa họ và hãng taxi là chưa hợp lý, với tỷ lệ này lái xe còn phải “cõng” thêm xăng dầu và các loại phí nên thu nhập của họ chỉ còn dưới 15%, không thể đủ sống - câu chuyện này đã được bàn luận rất nhiều nhưng vẫn chưa có hồi kết.

Bài liên quan

Bên cạnh đó, các tài xế xe công nghệ cũng than thở các hãng cung cấp app như: Grab, Bee đều tăng chiết khấu và thu đủ loại phụ phí từ 35-39%... trong khi cước phí chỉ tăng nhẹ, xăng dầu thì tăng gần gấp đôi.

Vì thế thu nhập của tài xế ngày càng eo hẹp, dù cho mỗi ngày họ phải làm thêm từ 1-2 giờ nhưng thu nhập cũng không được cải thiện.

Vì lẽ đó, để giải bài toán nhân lực, các hãng taxi cần điều chỉnh tăng thêm tỷ lệ % cho tài xế được hưởng trong doanh thu để thu nhập của họ ổn định.

Ngoài ra, các hãng xe công nghệ cũng cần tính toán lại tỷ lệ chiết khấu và các chi phí từ dịch vụ cung cấp app, làm sao đảm bảo tài xế có thể “sống được” thì DN mới phát triển bền vững.

Đối với các tài xế chạy xe hợp đồng tuyến cố định, DN nên xem xét hỗ trợ chi phí ăn, ở với những lái xe xa nhà; hỗ trợ đóng BHYT, BHXH và nên thưởng % theo doanh thu…

Tuy nhiên, sau 2 năm dịch bệnh các DN vận tải gần như kiệt quệ, nhiều đơn vị đã phá sản, số khác còn cầm cự và có thể giữ chân lao động thì cũng vô cùng khó khăn, với hàng loạt chi phí vô cùng đắt đỏ trong chuỗi logistic.

Vì thế, vấn đề mấu chốt hiện nay là cần cải thiện các yếu tố làm tăng chi phí vận tải quá cao, trong đó lương trả lái xe chỉ là một phần rất nhỏ. Nỗ lực chia sẻ, chăm lo đời sống giữa chủ DN với tài xế chỉ là phần ngọn, để giải quyết tận gốc của vấn đề cần có sự can thiệp của Nhà nước.

Cụ thể, Tổng cục Đường bộ VN cần phải nhìn nhận đây là một thực tế, là dịp để thanh lọc và từ đó sắp xếp lại thị trường, đưa thị trường vận tải phát triển theo hướng liên kết với nhau để tạo ra những DN lớn, tránh phát triển quá dàn trải và manh mún như hiện nay mà người thiệt thòi đầu tiên chính là tài xế.