Cầu vượt bộ hành - “mảnh ghép” còn thiếu cho đường Vành đai 2 hiện đại

Đường Vành đai 2 chính thức thông xe vào tháng 1/2023, tuy nhiên, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến ngã tư Sở dài hơn 5km không có cầu vượt bộ hành, duy nhất một hầm cho người đi bộ tại ngã tư Sở (hoạt động từ năm 2007), và chỉ 10 vị trí có vạch kẻ sang đường.

Đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến ngã tư Sở dài hơn 5km nhưng không có cầu vượt bộ hành, duy nhất một hầm cho người đi bộ tại ngã tư Sở (hoạt động từ năm 2007).

Để đi bộ sang đường hằng ngày, chị Ngô Thị Hường, ở ngõ 461 Minh Khai, phải chuẩn bị tâm lý và mặc trang phục sặc sỡ để các chủ phương tiện nhận diện tốt hơn. Dù đường Minh Khai đoạn qua Times City có mật độ phương tiện cao, tốc độ di chuyển lớn, hai bên đường có nhiều chung cư cao tầng nhưng lại không có cầu vượt hay vạch kẻ sang đường cho người đi bộ:

"Mình cố gắng đợi lúc thoáng nhất để đi rồi nhưng vẫn chùn chân, rất là sợ. Cũng có những tai nạn đáng tiếc đã xảy ra, ví dụ như cách đây khoảng 2 tuần, từ cổng chung cư Imperia, buổi tối có một cô qua đi qua đường và bị tai nạn. Rất mong Nhà nước có thể xây dựng cầu vượt cho người đi bộ để mọi người sang đường an toàn hơn", chị Hường cho biết.

Băng qua đường rộng tới 50-60m, dù nơm nớp lo sợ nhưng dường như là lựa chọn bắt buộc với người dân.

Đường Vành đai 2 chính thức thông xe vào tháng 1/2023, với đường cao tốc trên cao và đường dưới thấp 8-10 làn xe. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến ngã tư Sở dài hơn 5km không có cầu vượt bộ hành, duy nhất một hầm cho người đi bộ tại ngã tư Sở (hoạt động từ năm 2007), và chỉ 10 vị trí có vạch kẻ sang đường (gồm 8 nút giao có đèn tín hiệu và 2 điểm quay đầu xe). Đặc biệt, đoạn từ cầu Mai Động đến ngã tư Bạch Mai dài hơn 1km nhưng không có bất cứ điểm sang đường nào.

Băng qua đường rộng tới 50-60m, dù nơm nớp lo sợ nhưng là lựa chọn bắt buộc với người dân sinh sống hai bên đường, và cả những người đi xe buýt như anh Nguyễn Văn Linh, ở quận Hai Bà Trưng: "Đầu tiên là không có vạch kẻ cho người đi bộ, thứ hai là mật độ xe khá dày. Thỉnh thoảng em phải sang bên kia để bắt xe buýt, em có vấn đề ở chân, không đi được xe máy. Em phải dậy sớm để sang đường bởi vì tầm 6-7h trở đi thì sang đường mất rất nhiều thời gian, rất là đông".

Chuyên gia giao thông, PGS. TS. Doãn Minh Tâm đánh giá, việc thiết kế và thi công đường Vành đai 2 thực hiện đúng theo quy định bởi Tiêu chuẩn Việt Nam 13592 không quy định bao nhiêu mét có một điểm sang đường. Tuy nhiên, về mức độ an toàn và đáp ứng nhu cầu giao thông thì các cơ quan chức năng cần xem xét thêm:

"Đường Vành đai 2 mặt đường rất rộng, có chu kỳ đèn đi chăng nữa, chu kỳ đèn 30 giây đến 60 giây thì người đi bộ qua đường, nhất là người cao tuổi và trẻ em khó thực hiện được hành trình an toàn. Khi nhu cầu qua đường đủ lớn thì người ta mới làm cầu vượt, hầm chui. Đây là “bài toán” của chủ công trình, các ban, ngành có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo tư vấn khảo sát, thiết kế, đáp ứng nhu cầu qua lại của nhân dân", PGS. TS. Doãn Minh Tâm cho biết.

Cầu vượt bộ hành là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là các đô thị cần xây dựng một chiến lược ưu tiên phát triển hạ tầng cho người đi bộ.

Theo chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức, việc thiếu hệ thống cầu vượt, hầm bộ hành không chỉ diễn ra tại đường Vành đai 2 mà còn nhiều khu vực khác ở các đô thị, khi tổ chức giao thông chưa dành sự ưu tiên cho người đi bộ: "Người đi bộ không được để ý đến trong quá trình thiết kế, thực hiện đường Vành đai 2. Đã trót như vậy rồi thì sửa chữa không dễ một chút nào. Xây cầu vượt có khả thi, nhưng quan trọng là nó phải nằm trong chiến lược ưu tiên cho người đi bộ".

Về kế hoạch xây dựng cầu vượt bộ hành trên đường Vành đai 2 trong tương lai, VOV Giao thông đã liên hệ với Sở Giao thông vận tải Hà Nội và sẽ cập nhật thông tin ngay khi có phản hồi./.