Cần xem nhà vệ sinh công cộng là biểu hiện của văn minh đô thị

Để giải quyết những bất cập, đã đến lúc nhà vệ sinh công cộng cần được xem là biểu hiện của văn minh đô thị. Trong công tác quy hoạch, các công trình này cũng cần được xem trọng hơn.

“Hà Nội bây giờ đẹp và hiện đại chẳng kém gì Seoul, nhưng nhiều người vẫn còn thói quen xả rác và đi vệ sinh nơi công cộng”. Đây là chia sẻ của một cô bạn người Hàn Quốc với tôi trong một cuộc trò chuyện mới đây.

Lâu nay tôi vẫn thường thích được nghe những lời khen từ bạn bè nước ngoài kiểu như ‘Việt Nam của các bạn đẹp quá, tôi yêu Việt Nam’ hay ‘người Việt Nam rất hòa nhã, cởi mở, thân thiện’. Do vậy, lời nhận xét bất ngờ từ cô bạn người Hàn khiến tôi phải ‘giật mình’.

Tuy nhiên, tôi chẳng thể phản bác hay phủ nhận ý kiến này. Bởi thực tế đi dọc nhiều tuyến đường ở Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh những tài xế, từ xe máy đến ô tô, bất ngờ, vội vã dừng phương tiện ngay bên đường rồi quay mặt vào tường để ‘giải quyết nỗi buồn’ mặc cho dòng người qua lại.

Có thể nói, việc phóng uế bừa bãi ngay trên đường phố là hành vi hết sức xấu xí, phản cảm, gây mất vệ sinh môi trường cũng như văn nh đô thị. Vấn đề đó xuất phát từ ý thức chưa tốt của một bộ phận người dân, tuy nhiên cũng cần nhìn lại công tác quy hoạch các nhà vệ sinh công cộng.

Tại những đô thị lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có mật độ dân cư tập trung đông đúc, số lượng nhà vệ sinh công cộng hiện nay là còn quá ít so với nhu cầu thực tế và phân bổ không đều. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ thấp của những công trình này khiến người dân cảm thấy e ngại khi sử dụng.

Nhiều người cho biết, khi đi ngoài đường, đặc biệt tại các quận ven đô, nếu lỡ có ‘nhu cầu’ thì cũng đành ‘bấm bụng chịu đựng’ do tìm mỏi mắt mà không thấy nhà vệ sinh công cộng. Một số khác cố vào quán cà phê hay trung tâm thương mại để ‘xin đi nhờ’ chứ không dám sử dụng nhà vệ công cộng.

Nghị định 45 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ tháng 8/2022, nêu rõ “Sẽ phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, xoay quanh câu chuyện này, nhiều ý kiến cho rằng, chính vì hệ thống nhà vệ sinh công cộng chưa đáp ứng được đủ nhu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng, dẫn đến nhiều lúc người dân buộc phải “phóng uế” bừa bãi vì không có lựa chọn.

Chính vì vậy, để giải quyết những bất cập, đã đến lúc nhà vệ sinh công cộng cần được xem là biểu hiện của văn nh đô thị.

Trong công tác quy hoạch, các công trình này cũng cần được xem trọng hơn. Bởi khi số lượng nhà vệ sinh công cộng đáp ứng được nhu cầu, tình trạng phóng uế, tiểu tiện bừa bãi mới không không diễn ra, và ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, mĩ quan đô thị mới dần được nâng lên.

Bên cạnh đó, việc cân đối giữa yêu cầu phục vụ cộng đồng với quyền lợi của các đơn vị quản lý trong vấn đề xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng nhằm đảm bảo nguồn thu sửa chữa, vận hành cũng cần được xem xét một cách thấu đáo.