Cần tiếp tục cải thiện hành lang an toàn cho người đi bộ

Giao thông tiếp cận các nhà ga đường sắt đô thị có vai trò rất lớn trong thu hút, khuyến khích người dân sử dụng đường sắt đô thị. Hiện nay, hạ tầng giao thông tiếp cận của 2 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội ra sao?

Nhiều hành khách phản ánh, giao thông tiếp cận các tuyến đường sắt đô thị vẫn còn không ít trở ngại

Từ khi Hà Nội đưa vào vận hành 2 tuyến đường sắt đô thị, lượng hành khách sử dụng phương tiện này liên tục tăng, số lượng người sử dụng vé tháng để đi lại chiếm đa số. Tuy nhiên, nhiều hành khách phản ánh, giao thông tiếp cận các tuyến đường sắt đô thị vẫn còn không ít trở ngại:

"Từ ga Thái Hà đi vào đường Đặng Tiến Đông, nói chung đường đấy cũng nhỏ, vỉa hè cũng nhỏ. Vỉa hè thường người dân hay để phương tiện".

"Vỉa hè cũng khá to nên đi lại không vấn đề gì, thi thoảng nếu đi vào thời điểm tắc đường, tầm 8h30, nhiều phương tiện xe máy đi leo lên vỉa hè".

"Các phương tiện xe máy hay lao lên vỉa hè gây mất an toàn cho người đi bộ. Cháu mong muốn có rào chắn để bảo vệ cho người đi bộ để tránh tình trạng các xe tđi lên vỉa hè".

Theo chuyên gia giao thông, Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Quang, giao thông tiếp cận một số nhà ga đường sắt đô thị còn hạn chế, chẳng hạn,  tuyến đường 19/5 không có vỉa hè hoặc vỉa hè nhỏ nhưng bị chiếm dụng hết, học sinh học các trường gần đó không thể sử dụng được.

Hay khu vực gần ga Láng, việc kết nối với đường Thái Thịnh đang bị chắn bởi một số nhà dân đã cản trở khả năng tiếp cận của hàng nghìn hộ dân gần đó.

Xe máy chắn ngang lối vào đường xe lăn (Ảnh: Khu vực nhà ga La Khê, đường Qung Trung, Hà Đông)

Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đều khẳng định, các tuyến đường sắt đô thị là tuyến giao thông công cộng có năng lực vận chuyển hành khách lớn, nhưng để phát huy hiệu quả của các tuyến đường sắt đô thị này, thành phố, ngành giao thông cần chú trọng hơn vào đầu tư đến các hạng mục hỗ trợ để tăng tính hấp dẫn và tiện lợi cho người sử dụng.

Ông Quang cho rằng, cần thay đổi cách “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”: "Thay vì chúng ta làm đồng loạt trên toàn thành phố, chúng ta tập trung vào làm thế nào để quản lý vỉa hè cho trật tự. Những chỗ nào có hè đảm bảo người đi bộ sử dụng được.

Liên quan mâu thuẫn giữa việc khai thác vỉa hè để kinh doanh, đỗ xe, cần sắp xếp lại, có thể cho phép đỗ xe dưới lòng đường nếu đường không quá đông, quản lý kinh doanh, trong giờ cao điểm làm sao để người đi bộ có thể đi bộ trên vỉa hè, không phải đi bộ dưới lòng đường".

Sau thời gian đi khảo sát thực tế tại các tuyến đường sắt, ông Donique Riou, Viện Quy hoạch Paris, Pháp cho rằng, người dân Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung vẫn đang bị lệ thuộc vào xe máy quá lớn, có thói quen lười đi bộ.

Ông Donique Riou khuyến nghị thành phố cần có những giải pháp để khuyến khích người dân đi bộ  thuận tiện: "Để người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn, chúng ta phải quy hoạch những không gian, công trình, hạng mục để khuyến khích họ đi bộ nhiều hơn. Quy hoạch những lối cho người đi bộ, những làn đường ưu tiên cho người đi bộ rất rõ ràng, lối đi bộ đến các nhà ga cần phải ưu tiên nhiều hơn".