Cần nhắm trúng đối tượng hành khách

Theo nhiều ý kiến, mạng lưới tuyến xe buýt ngày càng được bao phủ theo chiều rộng, song, về chiều sâu chưa thực sự được chú trọng, nhất là tại các khu đô thị, tòa nhà cao tầng, trong khi đây chủ yếu là các hộ gia đình trẻ, - đối tượng khách hàng tiềm năng của hệ thống vận tải hành khách công cộng.

 

Dù rất nỗ lực, đầu tư không ít kinh phí để cải thiện tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách bằng xe buýt, song thực tế, tỷ lệ này tăng rất chậm, hiện mới chỉ đạt khoảng 15%. Ảnh: Hà Nội mới

Nhìn vào mức độ bao phủ của xe buýt đến thời điểm này, có thể thấy tín hiệu ngày càng khả quan, khi 100% các huyện, thị xã có xe buýt, 88% các xã, thị trấn ở khu vực các huyện ngoại thành được bao phủ mạng lưới xe buýt.

Tuy vậy, ở khu vực nội thành, các đầu mối tập trung đông dân cư, nhu cầu đi lại của hành khách lớn thì lại chưa thực sự được chú trọng. Cụ thể, chỉ có 87% bệnh viện có xe buýt; 67% các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt được mạng lưới xe buýt bao phủ.

Đặc biệt, theo số liệu công bố của Trung tâm quản lý giao thông công cộng Hà Nội, hiện mới có 33/37 khu đô thị có mạng lưới xe buýt và dự kiến cuối năm nay sẽ bao phủ xe buýt đến toàn bộ 37 khu đô thị này.

Nhưng ngay cả các khu đô thị có xe buýt cũng khó có thể khẳng định có thể đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, của hành khách. Đơn cử, Khu Đô thị Xa La (Hà Đông) với 10 tòa nhà cao từ 21-34 tầng, với dân số khoảng 5.500 người, nhưng chỉ có 3 tuyến xe buýt đi qua. Không khó để hình dung, nếu hành khách có nhu cầu thật, xe buýt cũng không thể đáp ứng.

Ngoài ra, nhiều khu đô thị tập trung đông dân cư như: Thanh Hà – Mường Thanh, Định Công, Kim Văn – Kim Lũ… chỉ có 1 tuyến xe buýt đi qua.

Đó là chưa kể, những khu đô thị có quy mô dân số tương đối lớn, như Khu đô thị Ngoại giao đoàn (Tây Hồ Tây) với 23 tòa nhà từ 21-45 tầng, quy mô dân số khoảng 9.700 người, nhưng hiện chưa có tuyến xe buýt nào, dự kiến cuối năm nay cũng chỉ có 1 tuyến xe buýt hoạt động.

Những khu đô thị lớn đã vậy, những tòa nhà cao tầng đơn lẻ chưa được bao phủ xe buýt cũng là điều dễ hiểu.

Hà Nội đã đặt mục tiêu đến năm 2025, mạng lưới xe buýt đáp ứng 35-40% nhu cầu đi lại của người dân để từ đó thực hiện Đề án hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô. Trong khi đó, tỷ lệ đáp ứng của phương tiện vận tải hành khách công cộng nhiều năm nay vẫn chỉ xấp xỉ 10-12%, hiện mới chỉ đạt khoảng 15% - theo công bố của Sở GTVT Hà Nội.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện người dân vẫn chưa mặn mà với phương tiện vận tải hành khách công công, ngoài những nguyên nhân cố hữu như: tốc độ chậm, chờ đợi lâu, nhà chờ không đảm bảo chất lượng… còn có nguyên nhân từ việc khó tiếp cận. Việc người dân phải đi bộ khá xa mới tiếp cận được xe buýt là nguyên nhân khiến nhiều người “ngại” sử dụng loại hình này.

Để cải thiện tỷ lệ hành khách sử dụng xe buýt, không còn cách nào khác, cần chú trọng đúng đối tượng khách hàng tiềm năng - cư dân ở các khu đô thị, tòa nhà cao tầng.

Điều này cần được khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng nhu cầu đi lại của hành khách để hoạch định lại luồng tuyến một cách hợp lý, trong đó ưu tiên những tuyến đi thẳng để hạn chế thời gian dừng chờ cho các đối tượng hành khách này.

Ngoài ra, dù Hà Nội đã có kế hoạch bổ sung từ 2.500-2.700 nhà chờ xe buýt mới trong năm 2022, song, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng thêm nhà chờ cần được cân nhắc kỹ về nhiều mặt, bởi xe buýt sẽ phải mất thêm nhiều thời gian ra vào bến, làm tăng thời gian chờ đợi của hành khách, chưa kể sẽ ảnh hưởng đến các loại hình vận tải khác. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, việc đi bộ của hành khách từ 500-800m là hợp lý.

Do vậy, cùng với việc xác định đúng đối tượng khách hàng tiềm năng, cần tạo vỉa hè thông thoáng, an toàn cho người đi bộ dễ tiếp cận phương tiện vận tải hành khách công cộng mới có thể thu hút hành khách sử dụng phương tiện vận tải công cộng.

Khi nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng được đáp ứng, mới mong người dân từ bỏ phương tiện cá nhân./.