Cần đơn giản hóa thủ tục thanh lý xe vi phạm

Việc cho phép người vi phạm cược tiền để tự bảo quản phương tiện giao thông được kỳ vọng giúp giảm tải cho các bãi trông giữ phương tiện, tránh lãng phí. Tuy vậy, gốc gác của tình trạng tồn đọng phương tiện taj vác bãi trông giữ là thủ tục xử lý, thanh lý phương tiện vi phạm còn rườm rà, khó áp dụng.

 

Ảnh nh họa
Bài liên quan

Vụ cháy tại bãi giữ xe vi phạm của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM ngày 6/6 vừa qua một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ cháy nổ gia tăng tại các bãi giữ xe vi phạm, bởi trước đó đã xảy ra nhiều vụ cháy tại các bãi trông giữ xe vi phạm.

Cụ thể, ngày 30/3/2021, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại bãi tạm giữ xe vi phạm của Đội CSGT khu vực 3 (quận Thủ Đức, TP. HCM) khiến hàng chục chiếc xe bị thiêu rụi hoàn toàn.

Gần đây nhất, ngày 22/5/2022, một vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại một bãi giữ xe vi phạm của Công an phường Tân An (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), khiến gần 150 chiếc xe máy đã bị cháy rụi.

Để xảy ra các vụ cháy, trước hết, trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý các bãi trông giữ xe.

Tuy vậy, ở khía cạnh khác, việc tồn đọng ngày càng nhiều xe vi phạm tại các bãi trông giữ mới là điều đáng nói. Mặc dù tình trạng tồn đọng tại các bãi trông giữ phương tiện vi phạm diễn ra nhiều năm, song thủ tục thanh lý tang vật vi phạm hoặc thiếu, hoặc vẫn quá rườm rà.

Cụ thể, Nghị định 138/2021 về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu, không có quy định cụ thể về quy trình xử lý, thanh lý xe vi phạm quá thời hạn bị tạm giữ.

Bài liên quan

Trong khi đó, theo Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính, trường hợp xác định được chủ sở hữu thì phải qua 2 lần thông báo, mất khoảng 1 tháng kể từ lần thông báo thứ 2, nếu chủ sở hữu không đến nhận thì cơ quan chức năng mới ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Tuy vậy, phần lớn xe vi phạm bị tồn đọng là do không xác định được chủ sở hữu, trong khi với trường hợp này phải hết 1 năm kể từ ngày thông báo lần thứ hai, nếu chủ sở hữu không đến nhận thì mới có thể tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Đó là chưa kể những thủ tục để tịch thu, bán đấu giá phương tiện mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều khâu, một số phương tiện không còn giá trị sử dụng, nhưng vẫn phải tiến hành đầy đủ các thủ tục theo quy định, khiến việc thanh lý mất nhiều thời gian, các bãi giữ xe trở thành các bãi phế liệu, vừa lãng phí, vừa dễ gây cháy nổ.

Còn nhớ, cách đây hơn 10 năm, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội đã kiến nghị rút ngắn thời gian gian xử lý xe “vô chủ”. Từ đó đến nay, nhiều địa phương như TP. HCM, Đà Nẵng cũng kiến nghị đơn giản hóa thủ tục thanh lý xe vô chủ, song vẫn chưa được khắc phục khi sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020.

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và khoản 65, Điều 1, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 theo hướng rút ngắn thủ tục và thời gian thanh lý phương tiện.

Theo đó, rút ngắn thời hạn để được thanh ý từ 1 năm hiện nay xuống còn 3-4 tháng đối với phương tiện không xác định được chủ sở hữu để cơ quan chức năng tiến hành bán đấu giá, thanh lý phương tiện.

Đối với các phương tiện cũ nát, hư hỏng, không còn giá trị thì nên tịch thu tiêu hủy, vì nếu thực hiện thanh lý phải mất khá lâu với các thủ tục như thẩm định chất lượng, thành lập hội đồng định giá, mời thầu, đấu giá…, trong khi các phương tiện tiếp tục được sử dụng để lưu thông sẽ không đảm bảo an toàn kỹ thuật, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Chỉ khi giảm thiểu thủ tục hành chính trong việc thanh lý, đấu giá khi quá thời hạn tạm giữ mới có thể hạn chế tình trạng tồn đọng phương tiện vi phạm, qua đó hạn chế tình trạng lãng phí và nguy cơ cháy nổ tại các bãi trông giữ phương tiện vi phạm./.